Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, Việt Nam là xứ sở nhiệt đới với nhiều loại nông sản phong phú, trong đó vải thiều từ lâu đã trở thành món ăn đặc sản được mọi người yêu thích.
Việt Nam cũng là quốc gia có điều kiện thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm trước, việc trồng và giao thương còn nhiều khó khăn. Nhưng từ sau năm 1989, Việt Nam đã vươn lên thành nhà cung cấp nông sản lớn, với mức tăng trưởng 3,5% một năm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nói: "Chúng tôi đã luôn đặt câu hỏi phải làm sao để đưa nông sản Việt Nam vươn ra thế giới, nông sản Việt Nam cần đạt chất lượng cao như thế nào, cần làm gì để vượt qua rào cản thương mại, để nhiều người dân trên thế giới được hưởng hương vị đặc sắc của nông sản Việt Nam".
Cũng theo Thứ trưởng, hiện Việt Nam ký kết 17 hiệp định thương mại, quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, dần khẳng định vị trí trên thế giới. Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt 46,8 tỷ USD, tăng 12 lần so với năm 2000.
"Có được điều này là nhờ những người bạn nước ngoài tốt sinh sống ở Việt Nam - họ đã làm sứ giả góp phần đưa nông sản Việt Nam vươn ra thế giới. Chúng tôi trân trọng cảm ơn các bạn và cam kết sẽ mang đến cho người dân thế giới nông sản chất lượng, an toàn", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định.
Tại Diễn đàn, ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chia sẻ câu chuyện về con đường phát triển bền vững của vải thiều Hải Dương.
Theo ông Quân, vải thiều là cây trồng có giá trị xuất khẩu mũi nhọn của tỉnh Hải Dương, đã góp phần khẳng định vị thế, thương hiệu và niềm tin đối với khách hàng trong nước và quốc tế; sản phẩm đã được xuất khẩu hơn 20 nước, trong đó có một số thị trường cao cấp như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… Tuy nhiên, sản xuất và tiêu thụ vải thiều Hải Dương còn gặp nhiều thách thức.
Cũng tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn khẳng định, Bắc Giang được biết đến là “Thủ phủ vải thiều” của Việt Nam với vùng trồng chuyên canh lớn nhất cả nước, diện tích khoảng 28.000 nghìn ha.
Vải thiều Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia); là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang duy trì xuất khẩu sản phẩm quả vải tươi và vải thiều chế biến. Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu tới trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại Diễn đàn, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đều nhấn mạnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức… đối với công tác kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu vải thiều.
Tại tọa đàm với chủ đề "Lời giải cho bài toán xuất khẩu vải thiều Việt Nam", đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, các hợp tác xã trồng vải và các doanh nghiệp xuất khẩu cùng thảo luận về quy trình trồng trọt và chăm sóc vài thiếu ngon và sạch, phát triển thị trường tiêu thụ vải thiều.
Tại đây, các diễn giả tập trung vào các vấn đề chính là việc đáp ứng tiêu chuẩn vải thiều vào các thị trường và các giải pháp mở rộng thị trưởng và tăng sản lượng xuất khẩu vải thiều.
Năm 2022, vải thiều Việt Nam được dự báo được mùa, với sản lượng khoảng 320.000 tấn. Năm nay, Bắc Giang - vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước với diện tích trên 28.300 ha, sản lượng vải thiều dự kiến khoảng 180.000 tấn.
Tỉnh Hải Dương có khoảng 9.000 ha vải thiều, sản lượng thu hoạch dự kiến đạt 60.000 tấn, trong đó 100% diện tích trồng vải được định hướng theo quy trình sản xuất sạch, an toàn.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Triển lãm số “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới” đã được khai mạc tại địa chỉ website: vaithieuexpo.vnexpress.net nhằm giới thiệu sản phẩm vải thiều nói riêng và sản phẩm nông sản nói chung.