Tác động quan trọng
Tại Phú Yên, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, đã có 82.491 tờ báo của 19 đầu báo được cấp cho vùng đồng bào DTTS. Đây là “món ăn” tinh thần cần thiết, giúp người dân nâng cao hiểu biết.
Theo già làng Y Cái, dân tộc Chăm, ở buôn Hố Hầm, xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), nhờ những thông tin trên báo chí giúp già biết và hiểu rồi làm theo, sau đó chia sẻ với đồng bào mình, nói với các thế hệ sau thực hiện. Có như vậy đồng bào mới không tụt hậu, theo kịp sự phát triển chung của đất nước.
“Tôi thường xuyên nghe đài, đọc báo để kịp thời nắm bắt chính sách mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước để nói cho bà con nghe, không đi theo kẻ xấu”, già Cái chia sẻ thêm.
Còn đối với ông Trần Ngọc Phú ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), chia sẻ: Từ đọc báo, tôi học được cách sử dụng chế phẩm sinh học tạo ra môi trường thiên địch tiêu diệt rệp, sâu đục thân…, để tăng sức đề kháng cho cây. Áp dụng kỹ thuật này hơn 1 năm nay, tôi đã giảm chi phí 10 - 20 triệu đồng tiền phân bón, thuốc cho 5.000m2 đất sản xuất. Cũng từ thông tin trên báo đài, tôi tiếp cận được cây sa kê và tìm được nguồn tiêu thụ cho cây này.
Việc triển khai Quyết định 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2019 - 2021 ở tỉnh Bình Định cũng đạt được nhiều kết quả khả quan, kịp thời tuyên truyền những nhiệm vụ trọng tâm về công tác dân tộc và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Những giải pháp linh hoạt
Nhà nghiên cứu văn hóa Ba Na Yang Danh (huyện Vĩnh Thạnh) cho hay: Sách báo là một kênh thông tin cần thiết và vô cùng bổ ích đối với bà con DTTS ở những nơi khó khăn.
“Với tôi, bản sắc văn hóa của dân tộc mình đã ăn sâu vào tiềm thức, có cái gì đó đậm đà và sâu lắng. Đọc báo, tôi thấy Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống nên bản thân tôi đang tuyên truyền và vận động con cháu giữ gìn những giá trị tốt đẹp mà cha ông để lại”, ông Yang Danh bộc bạch.
Trong chuyến về làm việc tại hai tỉnh Bình Định và Phú Yên mới đây, bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nêu quan điểm: Báo chí đến với đồng bào đã trở thành nguồn tư liệu quý, giúp chính quyền ở đây nắm bắt thông tin, làm tài liệu tuyên truyền trong cộng đồng thôn buôn, giúp thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và cả các chương trình, dự án, các chính sách dân tộc.
Tuy nhiên vấn đề hiện nay là, báo chí đến tay đồng bào vẫn còn chậm. Ở nhiều địa phương, báo chí mới đến được UBND xã và qua một thời gian vẫn nằm trong ngăn tủ, còn thơm mùi mực in. Nếu chỉ dựa vào kênh phát hành là hệ thống bưu điện thì vẫn chưa ổn. Cần giải pháp khắc phục linh hoạt hơn.
“Nên chăng, các hội, đoàn thể như đoàn thanh niên xã xây dựng một chương trình “tình nguyện” đưa báo chí đến tận tay đồng bào sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn”, Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh gợi ý.