Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đưa hình ảnh sai lệch về người DTTS trên phương tiện truyền thông: Cơ quan chức năng vào cuộc

Thúy Hồng - 11:08, 23/04/2020

Trong số báo 1611 ra ngày 8/4, Báo Dân tộc và Phát triển đã đăng tải bài viết "Đưa hình ảnh sai lệch về người DTTS trên phương tiện truyền thông: Cần có biện pháp xử lý nghiêm" phản ánh thời gian gần đây một số đơn vị truyền thông đã sử dụng sai lệch hình ảnh người DTTS khiến dư luận bức xúc, nhất là độc giả là đồng bào DTTS. Sau khi Báo đăng, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Ngày 17/4, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã có Công văn số 455/UBDT-HTQT gửi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu kiểm tra và có hình thức xử lý kịp thời đơn vị vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đại diện kênh Bảo Bảo TV đăng đàn trên trang chủ để xin lỗi đồng bào dân tộc Mông.
Đại diện kênh Bảo Bảo TV đăng đàn trên trang chủ để xin lỗi đồng bào dân tộc Mông.

Như chúng tôi đã phản ánh ở số báo trước, thời gian qua trên các kênh A Hy TV, Bảo Bảo TV đã sử dụng hình ảnh người DTTS để sản xuất một loạt video phim hài. Điển hình như các video có tiêu đề: “Anh Tộc đi mua sữa non gặp cô chủ thích tòm tem”; “Cổ vũ bóng đá theo phong cách anh Tộc và cái kết bê bết cả đời”.

Các video, hình ảnh đã thể hiện sự kỳ thị, định kiến dân tộc, trái với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của các DTTS nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung… Sau khi các video này được phát trên kênh Youtube, đã có rất nhiều độc giả phản ứng bức xúc về nội dung và hình ảnh của các video này.

Độc giả Tráng A Sếnh, ở Sơn La bức xúc: Bản thân tôi là người dân tộc Mông, khi xem những video này tôi thấy mình bị xúc phạm, kỳ thị khi hình ảnh của dân tộc mình lại bị mang ra diễn hài một cách thiếu hiểu biết, xem thường như thế.

Còn anh Vũ Mạnh Hà ở Hà Nội cho rằng: Nội dung của những video này thể hiện trang phục dân tộc không đúng, lời thoại ngô nghê, phản ánh sai lệch bản sắc văn hóa, thể hiện sự xúc phạm đối với người DTTS. Các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để xử lý nghiêm túc.

Trước thái độ tẩy chay, bức xúc của nhiều độc giả trên các trang mạng xã hội, ngày 11/4 đại diện kênh Bảo Bảo TV đã chính thức đăng đàn xin lỗi trên trang chủ của kênh Youtube. Đại diện kênh này cũng bày tỏ không hề có quan điểm kì thị, chia rẽ dân tộc mà chỉ làm những video mang tính chất hài hước, phục vụ khán giả. Đại diện kênh Bảo Bảo TV cũng cam kết sẽ không sử dụng trang phục người DTTS trong những tập phim hài tiếp theo...

Tuy nhiên mội số độc giả vẫn chưa hài lòng với cách xin lỗi của kênh Bảo Bảo TV. Tài khoản JH Vang bày tỏ trên kênh kênh Youtube rằng: Đồng ý cho kênh Bảo Bảo TV xin lỗi khi sử dụng sai lệch hình ảnh người DTTS. Tuy nhiên, cần thể hiện cách xin lỗi thiết thực, cụ thể hơn, như: phải gỡ bỏ các video đã sử dụng hình ảnh của người DTTS sai lệch, gây ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa của họ…

 Công văn số 455/UBDT-HTQT của UBDT đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý trường hợp vi phạm của kênh Youtube A Hy Tivi.
Công văn số 455/UBDT-HTQT của UBDT đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý trường hợp vi phạm của kênh Youtube A Hy Tivi.


Về phía UBDT - cơ quan Quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, sau khi nhận được một số phản ánh từ cộng đồng các DTTS, ngày 17/4, UBDT đã có Công văn số 455/UBDT-HTQT gửi Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nội dung công văn nêu rõ: “…Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, những tiểu phẩm như trên được chia sẻ rộng rãi trên không gian mạng còn tạo ra sự hiểu nhầm về văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng các DTTS Việt Nam. Nghiêm trọng hơn một số tiểu phẩm còn sử dụng nhiều hình ảnh, lời thoại và thông tin tục tĩu ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm, và bóp méo truyền thống văn hóa tốt đẹp của một số nhóm DTTS, gây chia rẽ, mất đoàn kết giữa các nhóm dân tộc… Điều này đã làm ảnh hưởng không tốt đến chủ trương, chính sách dân tộc của nước ta trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực và chuẩn bị báo cáo tình hình thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) trước Liên hợp Quốc…”.

Tại Khoản 2 Điều 5 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 nêu rõ: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”. Như vậy, nội dung hình ảnh của các tiểu phẩm được đăng tải trên các kênh truyền thông nói trên đã đi ngược với nội dung mà Hiến pháp đã quy định.

Căn cứ vào nội dung các điều khoản cụ thể của Luật An ninh mạng 2018, Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, UBDT đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông cho kiểm tra và có hình thức xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến hình ảnh người người DTTS, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra, xử lý, nếu vi phạm sẽ gỡ kênh. “Không có chuyện vi phạm mà chỉ đăng đàn để xin lỗi” ông Phúc nhấn mạnh. Tuy nhiên theo ông Phúc do đây là kênh thông tin toàn cầu, nên cần thời gian và biện pháp để kiểm tra xử lý…?!

Thiết nghĩ các quy định, chế tài đã rõ, cơ quan quản lý cần nhanh chóng kiểm tra xử lý nghiêm, tránh gây dư luận không tốt trong cộng đồng, nhất là đồng bào DTTS. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả sau khi có thông tin xử lý của cơ quan chức năng về vấn đề này.


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.