Xã Châu Phong, thị xã Tân Châu (An Giang) có gần 1.100 hộ (với 4.058 nhân khẩu) 100% bà con theo đạo Hồi Islam, trong đó có hơn một nửa sinh sống bằng nghề thủ công mỹ nghệ như dệt, thêu, đan… Sản phẩm thủ công chủ yếu là vải thổ cẩm, áo choàng, sarông, khăn quấn cổ đội đầu, các mặt hàng lưu niệm… được dệt bởi tơ, sợi với hoa văn tinh tế, nhuộm bằng chất liệu thiên nhiên nên màu sắc đẹp và lâu phai.
Chính nhờ bí quyết này mà sắc màu thổ cẩm ở Châu Phong tươi và sống động hơn sản phẩm cùng loại ở nơi khác. Ông Haji Abdolhamid, Phó Giáo cả Thánh đường Chăm Azhar, ấp Châu Giang, xã Châu Phong cho biết: “Việc trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ và dệt vải đã có lâu đời và là nghề truyền thống của người Chăm ở An Giang . Thổ cẩm Châu Giang rất đẹp và không nơi nào có”.
Anh Mohamal Haji Tares ở ấp Châu Giang hớn hở khoe: “Người có vốn nhiều và làm ăn lớn phất lên, giúp đồng bào trong xóm có công ăn việc làm và thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình. Như một cái khăn hoặc cái áo thêu, rua hoàn chỉnh, giá 25-35 USD (500-800 nghìn đồng) người gia công được hưởng 45.000 - 50.000 đồng/cái, nếu làm bằng tay được 2 cái/ngày, nếu làm bằng máy có thể 4 - 5 cái/ngày”, anh Mohamal Haji Tares nói.
Còn chị Zây Mah ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong chia sẻ: “Gia đình tôi có điều kiện cải thiện kinh tế nhờ vào việc bán sản phẩm thổ cẩm cho du khách. Khách rất thích thú với những sản phẩm thủ công truyền thống của chúng tôi, đặc biệt là khăn ma - tơ - ra. Nhờ đó, nhiều gia đình trong làng có điều kiện nâng cao thu nhập”.
Đã có nhiều đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm và rất thích thú tìm hiểu về đời sống, phong tục, tập quán của cộng đồng người Chăm. Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong, chị Mari Dâm cho biết: Nhờ những nét hấp dẫn và độc đáo của làng Châu Phong, ngành Du lịch An Giang đã chọn nơi đây để xây dựng làng du lịch cộng đồng.
Mục đích nhằm quảng bá dệt thổ cẩm Châu Giang, giới thiệu cho du khách nét văn hóa, ẩm thực và sản phẩm của người Chăm. Đặc biệt, làng du lịch cộng đồng này có Tour Homestay (ở nhà người dân) với chương trình “Trở thành một người Chăm” (1 ngày 1 đêm). “Du khách sẽ ăn, ngủ tại nhà người Chăm, cùng sinh hoạt với họ, thưởng thức chương trình âm nhạc Chăm, trải nghiệm vài thao tác dệt thổ cẩm hay vài điệu múa Chăm… Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Chăm. Nên những năm gần đây, Tết Nguyên đán ở làng Chăm Châu Phong rất đông khách”, chị Mari Dâm nói.
Anh Mohamed Sosales, ở ấp Phũm Soài xã Châu Phong (TX. Tân Châu) chia sẻ, những năm gần đây, Tết Nguyên đán các làng Chăm An Giang đông và vui lắm. Nhiều thanh niên Chăm đi làm xa xứ thường tận dụng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán để tổ chức lễ cưới, mang đến niềm hoan hỷ cho cả làng. “ Tết này, nhà tôi nấu các món truyền thống của người Chăm để con cháu ở xa về ăn cho vui và đãi khách phương xa…”, anh Sosales nói.
Chia tay những làng Chăm, đi dọc theo sông Hậu, bâng khuâng nhớ về điệu múa uyển chuyển của các thiếu nữ Chăm mừng lễ hội và lại nghe thấp thoáng đâu đây, âm thanh rộn ràng của trống baranung, trống ginăng...Và tôi cũng như nhiều du khách tự nhủ, có dịp sẽ về thăm lại các làng Chăm An Giang.