Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Dữ liệu tham chiếu để xác định các dân tộc có khó khăn đặc thù

Tùng Nguyên - 07:16, 09/09/2024

Cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 tiến hành điều tra toàn bộ những hộ thuộc nhóm các dân tộc có dân số dưới 10.000 người. Dữ liệu của cuộc điều tra có giá trị tham chiếu quan trọng để xây dựng bộ tiêu chí khoa học, xác định các DTTS có khó khăn đặc thù cho giai đoạn 2026 – 2030.

Dữ liệu tham chiếu để xác định các dân tộc có khó khăn đặc thù
Điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 là cơ sở để hoạch định chính sách cho giai đoạn 2026 – 2030. (Trong ảnh: Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà cùng đoàn công tác giám sát quá trình thu thập thông tin của hộ ông Đặng Văn Cam, dân tộc Dao, ở thôn Làng Má, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang ngày 01/7/2024)

Xác lập căn cứ thực tiễn từ thu thập số liệu

Ngày 15/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 53/QĐ-TTg, trong đó giao Ủy ban Dân tộc xây dựng “Đề án tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2026 - 2030” (gọi tắt là Đề án) trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12/2024.

Việc xây dựng Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, làm cơ sở để triển khai thực hiện chính sách đầu tư, hỗ trợ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn II: Từ năm 2026 – 2030.

Đặc biệt, việc xác định các dân tộc có khó khăn đặc thù là nhằm thực hiện mục tiêu “không bỏ ai lại phía sau” trong quá trình phát triển. Từ những tiêu chí xác định rõ ràng, khoa học, các dân tộc có khó khăn đặc thù sau khi được xác định sẽ được hưởng thêm các chính sách hỗ trợ với định mức cao, đặc thù hơn so với các dân tộc khác trong một vùng, trên cùng địa bàn để các dân tộc này sớm hòa nhập với sự phát triển chung trong vùng DTTS và miền núi.

Để Đề án bảo đảm tính khoa học thì bên cạnh việc đánh giá lại tác động của các chính sách đã được triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025 đối với các dân tộc có khó khăn đặc thù (danh sách được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg ngày 31/12/2020) thì ban soạn thảo phải đưa ra các căn cứ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn xây dựng Đề án.

Để hoàn thiện Đề án tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2026 – 2030 thực sự khoa học, hiệu quả hướng đến cộng đồng, hộ gia đình, đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù, thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến của các địa phương tại khu vực các tỉnh phía Bắc, khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Trong đó, dữ liệu để xây dựng bộ tiêu chí xác định các dân tộc có khó khăn đặc thù là căn cứ thực tiễn có tính thuyết phục nhất. Những thông số về quy mô dân số, trình độ phát triển của các DTTS sẽ xác định được những dân tộc nào có khó khăn đặc thù.

Trở lại thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 phê duyệt danh sách các dân tộc có khó khăn đặc thù, các dân tộc còn nhiều khó khăn giai đoạn 2021 – 2025 để thấy rõ hơn điều này.

Theo Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg, tiêu chí để xác định dân tộc có khó khăn đặc thù là các dân tộc có dân số dưới 10.000 người; sinh sống tập trung thành cộng đồng trên địa bàn các xã khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi. Trên cơ sở các tiêu chí tại Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg, ngày 14/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1227/QĐ-TTg phê duyệt danh sách 14 dân tộc có khó khăn đặc thù và 32 dân tộc còn nhiều khó khăn giai đoạn 2021 – 2025, làm cơ sở để triển khai chính sách đầu tư, hỗ rợ đặc thù.

Quy mô dân số là cơ sở quan trọng nhất để xác định 14 dân tộc có khó khăn đặc thù theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg. Dữ liệu này đã được xác lập từ cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019; được Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê xuất bản ấn phẩm kết quả của cuộc điều tra vào tháng 7/2020.

Tham chiếu đa chiều

Trong quá trình áp dụng tiêu chí để xác định các dân tộc có khó khăn đặc thù, quy mô dân số là tiêu chí đầu tiên, quan trọng nhất; tuy nhiên, Ủy ban Dân tộc còn tham chiếu các dữ liệu về trình độ phát triển của các dân tộc đã được xác lập từ kết quả phân tích cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 để tham mưu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách các dân tộc có khó khăn đặc thù.

Dữ liệu tham chiếu để xác định các dân tộc có khó khăn đặc thù 1
Do còn nhiều khó khăn, dù dân số trên 10.000 người nhưng giai đoạn 2021 – 2030, dân tộc La Ha được đưa vào danh sách các dân tộc có khó khăn đặc thù theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc La Ha ở bản Huổi Lọng, xã Nong Lay, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La bảo tồn văn hóa truyền thống. Ảnh: N.C)

Theo kết quả điều tra năm 2019, dân tộc Ngái có 564 hộ, với 1.649 nhân khẩu (881 nam, 768 nữ). Nhưng trong Quyết định số 1227/QĐ-TTg, Ngái không đưa vào danh sách dân tộc có khó khăn đặc thù.

Theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg, dân tộc La Ha là một trong 14 dân tộc có khó khăn đặc thù, mặc dù tại thời điểm tháng 4/2019, quy mô dân số của dân tộc La Ha đã trên 10.000 người (10.157 người). Việc đưa dân tộc La Ha vào nhóm các dân tộc có khó khăn đặc thù là do điều kiện kinh tế - xã hội của dân tộc này còn rất khó khăn, tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 – 2019 chỉ là 2,17%.

Việc không đưa dân tộc Ngái vào nhóm các dân tộc có khó khăn đặc thù xuất phát từ những dữ liệu về trình độ phát triển của dân tộc này so với mặt bằng chung, được thu thập từ cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019.

Kết quả điều tra tại thời điểm tháng 4/2019 cho thấy, dân tộc Ngái có trình độ phát triển cao hơn so với bình quân chung của 53 DTTS cũng như trong nhóm 14 dân tộc rất ít người.

Cụ thể, trong lĩnh vực việc làm, tỷ lệ lao động làm việc “Nghề đơn giản” của dân tộc Ngái là thấp nhất (44,5%), trong khi tỷ lệ chung của 53 DTTS là 68,6%. Dân tộc Ngái có 1,1% lao động làm “Nhà lãnh đạo” (tỷ lệ chung của 53 DTTS trong nghề này là 0,5%); có 12,6% lao động là chuyên môn kỹ thuật bậc cao (chung 53 DTTS là 2,0%); có 2,2% lao động là chuyên môn kỹ thuật bậc trung…

Điều kiện sống của đồng bào dân tộc Ngái cũng được đáp ứng cao hơn so với nhiều DTTS rất ít người. Kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 cho thấy, tại thời điểm tháng 4/2019, dân tộc Ngái có 86,9% hộ có tivi; 23,6% hộ có máy vi tính; 98,1% sử dụng điện thoại, 84,8% hộ có tủ lạnh, 60,9% hộ sử dụng máy giặt, 52,9% hộ sử dụng bình nóng lạnh, 35,1% hộ có điều hòa nhiệt độ…. Trong khi đó, nhiều dân tộc rất ít người gần như chưa tiếp cận được các điều kiện sống cơ bản này.

Từ năm 2021 đến nay, với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, nhất là Chương trình MTQG 1719, mọi mặt đời sống của đồng bào các dân tộc có khó khăn đặc thù nói riêng, đồng bào các DTTS nói chung, đã có nhiều chuyển biến.

Dữ liệu tham chiếu để xác định các dân tộc có khó khăn đặc thù 2
Ngoài quy mô dân số, các dữ liệu về trình độc phát triển của các dân tộc cũng được tham chiếu để xác định các dân tộc có khó khăn đặc thù. (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc Ngái ở tổ dân phố Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: Chí Cường)

Để tiếp tục ưu tiên đầu tư, hỗ trợ những dân tộc có khó khăn đặc thù trong giai đonạ 2026 – 2030, việc xác định các dân tộc có khó khăn đặc thù có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Nhưng khác với năm 2019, quá trình xây dựng Đề án tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2026 – 2030 đang được triển khai khi chưa có kết quả tổng hợp từ cuộc điều điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 gửi về Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc.

Tuy nhiên, với việc tiến hành điều tra toàn bộ những hộ thuộc nhóm các dân tộc có dân số dưới 10.000 người, địa bàn, đối tượng không nhiều thì những thông số sơ bộ về các dân tộc có dân số dưới 10.000 người đã được các địa phương thu thập được cũng là dữ liệu tham chiếu quan trọng để xây dựng bộ tiêu chí khoa học, xác định các DTTS có khó khăn đặc thù cho giai đoạn 2026 – 2030.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.