Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Du lịch

Du lịch TP. Hồ Chí Minh thu về hơn 4.200 tỷ đồng trong thời gian diễn ra Lễ hội sông nước

Tào Đạt - 20:57, 12/06/2024

Sau 10 ngày tổ chức, với gần 20 hoạt động trong khuôn khổ sự kiện, Lễ hội sông nước TP. Hồ Chí Minh lần thứ 2 năm 2024 thu hút hơn 1,3 triệu lượt du khách, nhờ đó doanh thu du lịch và dịch vụ đã đạt 4.250 tỷ đồng.

Lễ hội sông nước Tp. Hồ Chí Minh lần thứ 2 năm 2024 đã đứng top 1 tin tức mạng xã hội trong ngày khai mạc
Lễ hội sông nước TP. Hồ Chí Minh lần thứ 2 năm 2024 đã đứng Top 1 tin tức mạng xã hội trong ngày khai mạc

Ngày 12/6, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã có báo cáo tổng kết sau 10 ngày tổ chức Lễ hội sông nước lần thứ 2. Lễ hội được khai mạc tối 31/5, với chương trình nghệ thuật Chuyến tàu huyền thoại tại cảng Khánh Hội (Quận 4) và bế mạc tối 9/6 tại công viên Bạch Đằng (Quận 1).

Năm nay, Lễ hội được đầu tư sâu về chất lượng nội dung chương trình, đa dạng hóa cách thức tổ chức thành chuỗi các hoạt động hấp dẫn, từ đó góp phần thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước.

Theo thống kê ban đầu của Ban Tổ chức, sau 10 ngày lễ hội với gần 20 hoạt động trong khuôn khổ sự kiện, Lễ hội sông nước đã thu hút khoảng 4,5 triệu lượt người dân thành phố và du khách tham gia, tương tác trực tiếp.

Tổng số khách đến TP. Hồ Chí Minh từ 31/5 - 9/6 đạt hơn 1,3 triệu lượt, trong đó khách quốc tế là 121.000 lượt, khách nội địa đạt 1,18 triệu lượt. Doanh thu du lịch và dịch vụ đạt 4.250 tỷ đồng.

Công suất phòng bình quân tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn Quận 1 tăng 20% so với thường kỳ. Lượng khách của các doanh nghiệp kinh doanh đường thủy (ẩm thực, vận chuyển…) cũng tăng bình quân 20% so với hàng ngày. Đồng thời, tăng 25 - 40% lượng khách sử dụng dịch vụ so với Lễ hội năm 2023.

Báo cáo của các doanh nghiệp lữ hành cho thấy, lượng khách trong dịp diễn ra Lễ hội tăng 40 - 50% so với thường kỳ. Nhiều khu điểm du lịch cũng báo cáo kết quả khách tham quan tăng đáng kể, trong đó Bảo tàng Hồ Chí Minh tăng 103%, Địa đạo Củ Chi tăng 423%, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tăng 21%…

Lễ hội đã tạo được làn sóng hưởng ứng mạnh mẽ trên báo đài, mạng xã hội và các kênh truyền thông. Theo thống kê, sự kiện đã nhận được 4.435 lượt tin, bài trong nước và quốc tế, trong đó 3.525 tin, bài của 100 cơ quan báo chí trên cả nước và 910 lượt tin bài trên các cơ quan báo chí nước ngoài. Sự kiện cũng nhận được sự hỗ trợ truyền thông trực quan thông qua màn hình led, LCD trên cả nước với hơn 13.000 màn hình/750 triệu lượt tiếp cận trong vòng 15 ngày (trung bình 50 triệu lượt/ngày). Đồng thời, thu hút hơn 43 triệu lượt Like, View trên mạng xã hội.

Chương trình nghệ thuật Chuyến tàu huyền thoại với quy mô hơn 1.000 diễn viên
Chương trình nghệ thuật Chuyến tàu huyền thoại với quy mô hơn 1.000 diễn viên

Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, qua 2 lần tổ chức có thể khẳng định đây là sự kiện lễ hội du lịch văn hóa, góp phần định vị thương hiệu du lịch, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, bản sắc văn hóa, hoạt động du lịch ẩm thực đặc trưng của Thành phố.

Với sự đầu tư sâu về chất lượng nội dung chương trình, đa dạng hóa cách thức tổ chức thành chuỗi các hoạt động hấp dẫn, công tác an ninh, an toàn được đặt lên hàng đầu… Lễ hội đã góp phần thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến TP. Hồ Chí Minh, góp phần tăng trưởng ngành du lịch, đồng thời tạo cơ hội kinh doanh cho các ngành dịch vụ và thương mại, tăng cường thu nhập cho cộng đồng địa phương.

Sự kiện còn tạo ra xu hướng giáo dục kết hợp với giải trí, tôn vinh giá trị lịch sử và văn hóa, lòng tự tôn dân tộc trong cộng đồng, thông qua ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại, góp phần giáo dục truyền thống và mang lại nguồn cảm hứng khám phá trải nghiệm cho người dân và du khách về điểm đến Thành phố.

Tin cùng chuyên mục
Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024: Sẽ có điểm nhấn ấn tượng so với các kỳ trước

Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024: Sẽ có điểm nhấn ấn tượng so với các kỳ trước

Kế hoạch tổ chức Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái ký ban hành, yêu cầu phải có sự đổi mới, sáng tạo, phong phú, linh hoạt, nhằm tạo sự khác biệt, hiệu quả, có điểm nhấn ấn tượng so với các kỳ Festival trước. Đồng thời, để lại những công trình sử dụng lâu dài sau khi Lễ hội kết thúc.