Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Du lịch nội địa phục hồi nhanh và tăng trưởng nhộn nhịp

T.Hợp - 15:05, 03/08/2022

Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Thị trường du lịch nội địa Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng nhộn nhịp. Lượng tìm kiếm trong tháng 7/2022 đã tăng gần 8 lần so với cùng kỳ năm 2021 và tăng gấp 3 lần so với thời điểm đầu tháng 3/2022 trước khi mở cửa du lịch.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, tình hình cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành và số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng nhanh theo đà phục hồi của du lịch Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Du lịch đã thẩm định và cấp mới 312 giấy phép của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế (tăng 286 giấy phép so với cùng kỳ năm 2021), cấp đổi 65 giấy phép, thu hồi 38 giấy phép.

Tính đến hết tháng 6 năm 2022, cả nước có 2.415 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa hiện có 1.060 doanh nghiệp đã được các địa phương cấp phép.

Cùng với đó, đến hết tháng 6/2022 cả nước có 30.837 hướng dẫn viên đã được cấp thẻ (tăng 2.643 hướng dẫn viên so với cùng kỳ năm 2021); trong đó có 18.831 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 10.765 hướng dẫn viên du lịch nội địa, 1.241 hướng dẫn viên tại điểm.

Triển vọng phục hồi của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng rõ ràng hơn khi số doanh nghiệp trong lĩnh vực này quay trở lại hoạt động tăng cao. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.362 doanh nghiệp, tăng 63,5% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm và du lịch đạt 2.215 doanh nghiệp, tăng 50,5%.

Hoạt động du lịch mở cửa trở lại đã tạo công ăn việc làm cho người lao động. Số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực dịch vụ tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 19,7%; dịch vụ việc làm, du lịch tăng 20,7%.

Cũng theo Tổng cục Du lịch, từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các điểm đến có tăng trưởng cao nhất thế giới, với mức tăng trưởng từ 50%-75%. Lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam trong tháng 7/2022 đạt mức 100 điểm, cao gấp 5,9 lần so với thời điểm đầu tháng 3/2022. Trong khi đó, lượng tìm kiếm về hàng không quốc tế tới Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng gấp 3 lần so với thời điểm đầu tháng 3/2022. So với cùng kỳ năm 2021, lượng tìm kiếm từ các thị trường quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng trên 1.200%. Các điểm đến được cộng đồng quốc tế tìm kiếm nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Huế, Vũng Tàu.

Phú Quốc cũng được Tạp chí Travel+Leisure (Mỹ) bình chọn là 1 trong 25 hòn đảo tốt nhất thế giới. Ảnh minh họa
Phú Quốc cũng được Tạp chí Travel+Leisure (Mỹ) bình chọn là 1 trong 25 hòn đảo tốt nhất thế giới. Ảnh minh họa

Cùng xu hướng này, nhu cầu du lịch nội địa tiếp tục ghi nhận sự nhộn nhịp. Lượng tìm kiếm trong tháng 7/2022 tăng gần 8 lần so với cùng kỳ năm 2021 và tăng gấp 3 lần so với thời điểm đầu tháng 3/2022 trước khi mở cửa du lịch.

TP Hồ Chí Minh là điểm đến có lượng tìm kiếm nhiều nhất của du khách nội địa. Xếp thứ 2 là đảo ngọc Phú Quốc – tâm điểm của du lịch hè năm 2022. Tiếp theo là các điểm đến trọng điểm của du lịch nước ta là Hà Nội, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Huế và Phan Thiết.

Trong tháng 8/2022, Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ tổ chức Diễn đàn Liên kết phát triển du lịch Việt Nam lần thứ I, năm 2022 để các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, trao đổi, giới thiệu và quảng bá sản phẩm - dịch vụ, sản vật, quà tặng lưu niệm… Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ phối hợp Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam triển khai thực hiện 4 sự kiện lớn. Đó là Lễ hội ẩm thực - tinh hoa Gạo Việt (ngày 8-12/10); Lễ hội ẩm thực chay với chủ đề "Tinh hoa nông sản Việt" (ngày 27-31/10), Lễ hội bánh mì (từ ngày 8-15/12) và Tuần lễ ẩm thực tại TP Hồ Chí Minh...

Ngay từ đầu tháng 6/2022, các cơ sở lưu trú tại Phú Quốc (Kiên Giang) thường chật kín phòng, kể cả các ngày trong tuần. Các cơ sở lưu trú trên địa bàn, nhân lực phục vụ du khách tăng gấp đôi hiệu suất làm việc mới đáp ứng nhu cầu của du khách. Khảo sát tại các công ty lữ hành hàng đầu như Vietravel, Saigontourist, Phú Quốc đứng đầu trong các điểm đến hút khách hè này, không chỉ khách lẻ mà cả khách ghép đoàn, khách MICE đều lựa chọn điểm đến này vì nhiều chuyến bay, điểm vui chơi mới, bãi biển đẹp.

Phú Quốc cũng được Tạp chí Travel+Leisure (Mỹ) bình chọn là 1 trong 25 hòn đảo tốt nhất thế giới tại Giải thưởng World's Best Awards 2022. Tiêu chí đánh giá xếp hạng hòn đảo tốt nhất thế giới gồm các hoạt động giải trí, điểm tham quan, thiên nhiên, bãi biển, đồ ăn, sự thân thiện của người dân và giá trị tổng thể. Phú Quốc đứng ở vị trí thứ 14 trong bảng xếp hạng 25 hòn đảo tuyệt vời nhất thế giới với số điểm 90,25.

Ngành du lịch đặt mục tiêu năm 2022 phục vụ 65 triệu lượt khách du lịch gồm khoảng 60 triệu lượt khách nội địa và 5 triệu lượt khách quốc tế. Đến nay, lượng khách nội địa đã “về đích sớm”, vượt mục tiêu đề ra, đạt 60,8 triệu lượt khách nội địa ngay trong 6 tháng đầu năm 2022.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.