Đồng chủ trì buổi Tọa đàm gồm: Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch Châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam; ông Phạm Bá Hùng - Giám đốc Trường Cao đẳng Du lịch Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế và ông Lê Thanh Hồ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông.
Tham gia buổi Tọa đàm có đại diện từ Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế, Hội Lữ hành Thừa Thiên Huế, Hội Du lịch cộng đồng tỉnh Thừa Thiên Huế, Trường Cao đẳng du lịch Huế, đại diện một số công ty du lịch trên địa bàn Thừa Thiên Huế và cộng đồng người dân của bản Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, làng du lịch cộng đồng xã A Roàng và làng du lịch cộng đồng Anôr, xã Hồng Kim của huyện A Lưới - là các cộng đồng đang được dự án VFBC hỗ trợ thực hiện mô hình.
Sự kiện thuộc nhóm hoạt động tăng nguồn thu, hướng tới tài chính bền vững và tạo cơ hội việc làm từ du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thân thiện với bảo tồn cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, nâng cao hiệu quả của công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn thực hiện dự án VFBC do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Theo đánh giá, hiện nay, trong vùng đồng bào DTTS ở Thừa Thiên Huế có nhiều điểm rất có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, do các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Tuy nhiên hiện nay, nhiều mô hình du lịch cộng đồng chưa thể phát huy hết thế mạnh do thiếu kỹ năng cần thiết cho ngành Du lịch, chưa có sự kết nối hiệu quả với các doanh nghiệp lữ hành cũng như tận dụng được các giá trị văn hóa độc đáo của địa phương. Nhiều mô hình tự phát và không bền vững, chưa có sản phẩm cốt lõi để thu hút khách lâu dài và còn làm du lịch cộng đồng theo phong trào.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết trong thời gian qua, để thúc đẩy việc phát triển du lịch tại cộng đồng tại địa phương, hàng năm chính quyền tỉnh đã hợp tác với trường Cao đẳng du lịch Thừa Thiên - Huế tổ chức tập huấn kỹ năng cho cộng đồng địa phương làm du lịch cộng đồng, tổ chức các chương trình kết nối giữa doanh nghiệp và cộng đồng thông qua hoạt động tham quan và khảo sát.
Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ truyền thông cho các cộng đồng thông qua hội chợ, triển lãm du lịch trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều nguyên nhân, du lịch cộng đồng vẫn chưa thực sự hấp dẫn và đem lại nguồn lợi xứng đáng với tiềm năng.
Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch Châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đã chia sẻ những nguyên tắc và tiêu chuẩn về phát triển cộng đồng. Việc Bộ Khoa học và Công nghệ công bố Tiêu chuẩn quốc gia về du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ (TCVN 13259:2020) tại Quyết định 3941/QĐ-BKHCN ngày 31/12/2020 là một cột mốc quan trọng trong việc thực hiện hoạt động du lịch cộng đồng ở Việt Nam, từ đó nâng cao và nhất quán yêu cầu chất lượng của hoạt động du lịch cộng đồng trên cả nước.
Ngoài các hoạt động tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng cần thiết cho du lịch cộng đồng, Dự án VFBC đã và đang hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện quy chế hoạt động cho các hợp tác xã du lịch cộng đồng tại bản Dỗi, A Roàng và Anôr.
Tại Tọa đàm, các đại biểu, doanh nghiệp đã đưa ra rất nhiều ý kiến đóng góp hữu ích cho chính quyền cũng như các cộng đồng địa phương để tiếp cận gần hơn với nhu cầu của các nhóm khách hàng tiềm năng của du lịch cộng đồng; trong tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng; mục tiêu là đảm bảo tính bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc…
Được biết, khi thực hiện hỗ trợ cộng đồng xây dựng mô hình du lịch, Helvetas chú trọng các hoạt động kết nối cộng đồng với các hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành, Sở Du lịch và cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương để đảm bảo du lịch cộng đồng phát triển đúng hướng và bền vững.
Ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế, Helvetas cũng đang thực hiện các hoạt động cộng đồng xây dựng mô hình du lịch bền vững tại Quảng Bình, Quảng Trị...
Kết thúc buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế một lần nữa khẳng định tầm quan trọng, giá trị và tiềm năng của bản Dỗi cũng như các điểm du lịch cộng đồng khác của tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Phúc đề nghị các bên liên quan cần nâng cao và hoàn thiện chất lượng sản phẩm, nghiêm túc thực hiện bộ quy chế hướng dẫn thực hiện du lịch cộng đồng, xây dựng kết nối giữa các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh và sản phẩm OCOP, xây dựng kế hoạch phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho việc phát triển du lịch cộng đồng.
Một số hình ảnh trải nghiệm của đại biểu tại điểm du lịch cộng đồng bản Dỗi