Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Dự án 7 Chương trình MTQG 1719 góp phần cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em miền núi Quảng Nam

Minh Thu - 15:18, 26/03/2025

Thực hiện Dự án 7, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc của người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em. Qua hơn 3 năm thực hiện, Dự án đã góp phần cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em vùng đồng bào DTTS của tỉnh.

Với Dự án 7, Chương trình MTQG 1719, trẻ em vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Nam đã được chăm sóc tốt hơn (Ảnh minh họa).
Với Dự án 7, Chương trình MTQG 1719, trẻ em vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Nam đã được chăm sóc tốt hơn. (Ảnh minh họa)

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em

Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, ngay từ năm 2021, các hoạt động thuộc Dự án 7, Chương trình MTQG 1719 đã được ngành Y tế Quảng Nam tổ chức sâu rộng tại các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Cùng với tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến huyện, tuyến xã về triển khai thực hiện Chương trình, tỉnh Quảng Nam đã triển khai xây dựng 26 mô hình Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại 7 huyện thực hiện Chương trình.

Năm 2024 tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở các huyện miền núi Quảng Nam khoảng 20,2%. Đến năm 2025, Quảng Nam đặt mục tiêu giảm 2% tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và 1% tỷ lệ suy dinh dưỡng thể gầy còm ở trẻ dưới 5 tuổi tại các huyện nghèo.

Theo Thống kê từ Sở Y tế tỉnh Quảng Nam

Theo chia sẻ của chị Cor Thị Nhiêm, thôn Pà Dồn, xã Cà Dy, huyện Nam Giang, từ 2 năm nay, trẻ sơ sinh, trẻ em suy dinh dưỡng ở địa phương được hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời. Bà mẹ mang thai được tăng cường chăm sóc sức khỏe, quản lý thai nghén tại trạm y tế; được tư vấn khám thai định kỳ tại trạm y tế hoặc các cơ sở y tế đủ điều kiện, đảm bảo khám thai ít nhất 4 lần/3 kỳ thai và sinh con tại cơ sở y tế, hạn chế thấp nhất số ca đẻ tại nhà.

“Bây giờ, phụ nữ chúng tôi hiểu rõ rằng, trẻ mới sinh phải bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Sau 6 tháng là cho ăn dặm, ăn từ loãng đến đặc. Mẹ chăm sóc cơ thể, hằng ngày vệ sinh sạch sẽ. Phải biết giữ vệ sinh, sức khỏe bà mẹ để chăm sóc con cái cho đảm bảo” - chị Nhiêm bày tỏ.

Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Vân - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Nam: Với Dự án 7, Chương trình MTQG 1719, chúng tôi mong muốn, cán bộ y tế địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, các hướng dẫn, khuyến cáo về dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; tích cực truyền thông về chăm sóc sức khỏe và bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; nuôi con bằng sữa mẹ… Qua đó, góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em tại cộng đồng, đặc biệt là trẻ em DTTS.

Triển khai Dự án 7, Chương trình MTQG 1719, đến nay, 100% nhân viên y tế tuyến huyện, xã, y tế thôn bản ở tỉnh Quảng Nam được tập huấn nâng cao năng lực về công tác sức khỏe, tầm soát, tư vấn các vấn đề về sức khỏe. 90% đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc chất lượng về sức khỏe, 90% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế, 80% số trẻ dưới 24 tháng được hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ.

Ngành y tế tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế/người cung cấp dịch vụ tuyến huyện, xã về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời thuộc Chương trình MGQG 1719 tại huyện Đông Giang (Ảnh: N.V).
Ngành Y tế tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế/người cung cấp dịch vụ tuyến huyện, xã về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời thuộc Chương trình MGQG 1719 tại huyện Đông Giang. (Ảnh: N.V)

Cần sự phối hợp chặt chẽ từ chính quyền địa phương và người dân

Thực tế cho thấy, tuy đã đạt được một số kết quả trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng, nhưng tại địa bàn vùng cao, vùng đồng bào DTTS, tỷ lệ thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em vẫn còn cao. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khá nhiều rào cản trong hành trình cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em ở vùng cao. Bởi lẽ, ở nhiều vùng sâu, vùng xa, bà con vẫn duy trì chế độ ăn nghèo đạm, thiếu rau xanh, trong khi thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng lại không được chú trọng.

Theo anh Nguyễn Duy Ngân - cán bộ y tế thôn 1, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, hiện nhiều trẻ em vùng cao vẫn chưa đảm bảo về dinh dưỡng hằng ngày do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.

“Để đẩy mạnh công tác phòng chống suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc cho trẻ em DTTS, thời gian qua, cán bộ y tế thôn bản đều đi vào tận từng bản, nóc để thực hiện cân đo cho trẻ em và điều tra dịch tễ cũng như thực hiện phát các viên bổ sung vi chất dinh dưỡng khi được Trung tâm Y tế huyện cấp về” – anh Nguyễn Duy Ngân cho biết.

Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đặt chỉ tiêu năm 2025 tăng tỷ lệ trẻ em 6 - 23 tháng tuổi sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo ăn bổ sung đúng tối thiểu 7 - 10% so với năm 2024; tối thiểu tỷ lệ hộ gia đình nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp trên địa bàn đạt 80%.

Cũng theo ông Trần Văn Kiệm, hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam đang đẩy mạnh các chương trình can thiệp dinh dưỡng cho trẻ em miền núi. Tuy nhiên, công tác này vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ từ chính quyền địa phương và người dân để đạt hiệu quả cao nhất.

Nhằm góp phần nâng cao thể trạng, tầm vóc cho trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17 ngày 22/9/2023 của HĐND tỉnh về hỗ trợ sữa trong bữa ăn học đường cho trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo đó, trẻ em mẫu giáo (từ 3 - 6 tuổi) và học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập (đã được cấp phép) tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ được uống 1 hộp sữa dạng lỏng 180ml mỗi ngày, 5 lần/tuần trong thời gian đủ 9 tháng/năm học. Thời gian thụ hưởng, từ tháng 01/2024 đến hết năm học 2025 - 2026 (tương ứng với 23 tháng, bao gồm học kỳ II năm học 2023 - 2024; năm học 2024 - 2025; năm học 2025 - 2026).

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719: Động lực giúp các dân tộc khó khăn đặc thù phát triển

Chương trình MTQG 1719: Động lực giúp các dân tộc khó khăn đặc thù phát triển

Triển khai Tiểu dự án 1, Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng vào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719), các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã và đang đẩy mạnh tiến độ thực hiện. Qua đó, tạo động lực giúp đồng bào các DTTS khó khăn đặc thù có cơ hội phát triển, vươn lên.