Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Động lực đến từ những ánh mắt thơ ngây...

Trọng Bảo - 15:40, 23/03/2021

Dẫu khó khăn, vất vả, giáo viên ở điểm trường thuộc Trường Mầm non Hồng Ngọc, xã Tà Xi Láng (Trạm Tấu, Yên Bái) vẫn ngày đêm bám trường, bám bản nỗ lực để chăm sóc dạy dỗ con em đồng bào các dân tộc. Với họ, khi nhìn hình ảnh các con với đôi mắt thơ ngây đợi cô ở cổng trường, bao khó khăn, mệt mỏi cũng tan biến.

Giờ học của cô trò điểm trường Bãi Chè Cao thuộc Trường Mầm non Hồng Ngọc
Giờ học của cô trò điểm trường Bãi Chè Cao thuộc Trường Mầm non Hồng Ngọc

Niềm vui là các con đi học đông đủ

Từ tờ mờ sáng thứ hai đầu tuần, cô giáo Hoàng Thị Mong và Phạm Hồng Phương của Trường Mầm non Hồng Ngọc, xã Tà Xi Láng lại vượt qua hơn 5km đường đồi đốc đầy khó khăn để đến với điểm trường Mầm non Bãi Chè Cao, thôn Làng Mảnh. Đèo trên xe máy là quần áo, thực phẩm… cần thiết đủ sinh hoạt cho cả tuần. Những ngày trời nắng đi lại đỡ khó khăn, chứ trời mưa thì quả thật không nhiều người đủ dũng cảm để đi. 

"Để có thể đi lại được trên tuyến đường này, chúng em phải mua xích buộc vào lốp xe để đỡ trơn, chứ cứ lốp bình thường thì không thể đi nổi. Nhưng đi nhiều cũng quen anh ạ, chỉ mong sao, mỗi ngày đến lớp các con đi học đông đủ là vui rồi”, cô giáo Mong chia sẻ.

Được biết, cô Mong có 12 năm đứng lớp, thì cũng bằng đấy năm cô dạy ở các điểm trường lẻ. Các cô thường nói vui, dạy học ở vùng cao thì ngoài kỹ năng sư phạm, chuyên môn, biết thêm tiếng đồng bào, thì một “kỹ năng” quan trọng mà mỗi giáo viên cần có đó là phải biết đi xe máy thật vững và có một trái tim tràn ngập yêu thương nhân hậu thì mới có thể bám trụ  với con trẻ ở những rẻo cao này.

Cô Mong tâm sự: Dù quãng đường từ trung tâm xã vào thôn chỉ 5km, nhưng hai cô cũng phải mất gần 1 tiếng mới đến nơi. Nếu trời mưa, thì chúng em phải “trừ hao” thời gian để có thể đến đúng giờ đón các con.”

Cô Phạm Hồng Phương cũng bộc bạch, những ngày đầu đi dạy, công việc không giống như trong tưởng tượng của em thời sinh viên. Ngoài điều kiện khó khăn, nhất là việc đi lại, các cô còn bị bất đồng về ngôn ngữ; nhiều khi cô nói học sinh không hiểu mà học sinh nói cô cũng không hiểu. 

"Có những lúc không tránh khỏi những phút nản lòng. Tuy nhiên, những lúc đó hình ảnh các con với đối mắt thơ ngây đợi cô ở cổng trường, bao khó khăn, mệt mỏi cũng tan biến anh ạ”, cô Phương chia sẻ.

Bà con trong thôn giúp tu sửa các điểm trường mầm non
Bà con trong thôn giúp tu sửa các điểm trường mầm non

Ấm ấp tình thương 

Sẵn sàng chấp nhận những vất vả, hy sinh; thậm chí thiệt thòi trong tình cảm với gia đình, chồng con để làm tốt công việc gieo chữ nơi rẻo cao, nỗ lực của các cô giáo cắm bản trong nhiều năm qua đã góp phần từng bước gây dựng, phát triển sự nghiệp trồng người. Theo đó, tỷ lệ chuyên cần ở các điểm trường cũng ngày một cao hơn, các bậc phụ huynh đã quan tâm đến việc học hành của con em mình, yên tâm gửi con cho các cô để học cái chữ.

“Trước đây chưa có điểm trường, các con, các cháu trong bản chỉ lang thang chơi quanh nhà, quanh bản vì bố mẹ phải đi làm nương. Từ khi có các cô giáo về bản, gia đình yên tâm gửi con cho các cô để đi làm. Đến trường, các con học được nhiều lắm, được các cô chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân, điều mà trước đây mình cũng không mấy quan tâm.Các con tôi rất thích đến trường để được gặp cô”, anh Hờ A Thênh, ở thôn Làng Mảnh chia sẻ

Trường Mầm non Hồng Ngọc, xã Tà Xi Láng có 16 cán bộ, giáo viên dạy học ở 1 điểm trường chính và 5 điểm trường lẻ; trong đó, điểm trường xa nhất cách trung tâm xã hơn 35km. Cô giáo Lường Thu Hường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học này, trường có 8 nhóm lớp, với 189 học sinh; điểm trường chính có 3 lớp với 78 học sinh, 4 giáo viên đứng lớp, còn tại 5 điểm trường lẻ có 8 giáo viên đứng lớp, trong đó, có 2 điểm trường chỉ có 1 giáo viên.

Hiện cơ sở vật chất tại các điểm trường còn rất thiếu thốn, các phòng học và phòng chức năng chủ yếu là nhà lắp ghép. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên của trường vẫn vượt qua khó khăn, bám trường bám lớp. Năm học 2019 - 2020, nhà trường có 3 giáo viên của trường đạt danh hiệu Lao động tiên tiến cấp huyện; năm học 2020-2021 có 4 giáo viên dạy giỏi cấp trường và 2 giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

“Với đặc thù 100% giáo viên đều là nữ, nên ngay từ đầu năm học, chúng tôi thường xuyên quan tâm, phân công công việc phù hợp đối với từng hoàn cảnh, từng giáo viên. Thường xuyên động viên, thăm hỏi đối với các cô giáo đang dạy ở các điểm trường để các cô yên tâm công tác”, cô Hường cho biết thêm.

Chiếc xe máy bị bó cứng bùn đất khi vào điểm trường mầm non Hồng Ngọc
Chiếc xe máy bị bó cứng bùn đất khi vào điểm trường mầm non Hồng Ngọc

Đặc biệt, đồng bào nơi đây luôn coi các thầy cô như người thân trong gia đình, luôn lắng nghe ý kiến của thầy cô đưa con em đến trường chuyên cần, đầy đủ. Những tình cảm đó, là động lực để các cô giáo mầm non ở Tà Xi Láng nói riêng, giáo viên vùng cao nói chung có thêm nghị lực để tiếp tục cống hiến, mang con chữ đến với con em đồng bào các dân tộc...

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.