Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Động lực để thoát nghèo bền vững

PV - 16:00, 15/11/2021

Phát động từ tháng 6/2021, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) quan tâm triển khai thực hiện. Qua đó, giúp đồng bào DTTS thay đổi được nếp nghĩ, cách làm và xem đây là động lực để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông A Vía giới thiệu với cán bộ xã Đăk Dục về mô hình trồng cây ăn quả của gia đình. (Ảnh: P.N)
Ông A Vía giới thiệu với cán bộ xã Đăk Dục về mô hình trồng cây ăn quả của gia đình. (Ảnh: P.N)

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn cà phê, cây ăn quả hơn 3 ha, ông A Vía, hộ nghèo ở thôn Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Trước đây, gia đình chỉ canh tác cây mì (sắn), lúa rẫy nên thu nhập không ổn định. Năm 2019, khi được xã tuyên truyền, vận động, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất hơn 3ha sang trồng cây cà phê và các loại cây ăn quả. Sau hơn 2 năm chăm sóc, hiện hơn 2.000 cây cà phê và hơn 200 cây ăn quả các loại đã chuẩn bị cho thu hoạch.

Gần đây, cán bộ Mặt trận xã và thôn tuyên truyền về các nội dung của Cuộc vận động “ Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, tôi thấy rất ý nghĩa. Giờ mình có đất thì phải chịu khó cải tạo đất, trồng cây, chăn nuôi để thoát nghèo, không nên trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, ông A Vía cho biết thêm.

Giống như ông A Vía, anh Blong Trái ở thôn Nông Kon, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cũng nhận ra được ý nghĩa của Cuộc vận động. “Việc thay đổi cách làm là yếu tố giúp gia đình có được nguồn thu nhập ổn định và từng bước vươn lên thoát nghèo. Vừa rồi tôi đã chuyển đổi hơn 2 sào đất trồng mì sang trồng cà phê, đào ao nuôi cá với diện tích hơn 100m2 và duy trì sản xuất 2 sào lúa nước để bảo đảm nguồn lương thực cho gia đình”, anh Blong Trái chia sẻ.

Nhằm chung tay cùng với chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả Cuộc vận động, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa với xã Đăk Xú theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy đã hỗ trợ 40 triệu đồng mua 20 con heo sọc dưa hỗ trợ cho 4 hộ nghèo ở thôn Đăk Long Giao phát triển chăn nuôi. Ngoài việc hướng dẫn người dân thành lập Tổ liên kết nuôi heo sọc dưa, Đảng ủy xã Đăk Xú đã chỉ đạo các hội, đoàn thể thường xuyên cử cán bộ xuống kiểm tra, hướng dẫn người dân cách làm chuồng, chăm sóc, phòng bệnh cho đàn heo.

Chị Y Tan ở thôn Đăk Long Giao được hỗ trợ 5 con heo sọc dưa cho biết: Qua hơn 2 tháng chăm sóc, đàn heo đang phát triển tốt. Sau này tôi sẽ nhân giống, phát triển thêm đàn để mang lại nguồn thu nhập cho gia đình. Trước đây gia đình nuôi heo thả rông chứ không chăm sóc như bây giờ, nên hiệu quả kinh tế không cao.

Quan tâm triển khai Cuộc vận động, huyện Ngọc Hồi đã tổ chức khảo sát, đánh giá, lựa chọn các hộ nghèo, tùy theo khả năng và điều kiện cụ thể của từng hộ để hướng dẫn áp dụng các mô hình theo hình thức cầm tay chỉ việc và bước đầu đã làm thay đổi được nếp nghĩ, cách làm của những hộ nghèo này. Một số mô hình đã cho thu nhập hoặc có triển vọng tốt, như mô hình trồng rau xanh, chăn nuôi gia cầm, trồng cây ăn quả. Đặc biệt, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chứ không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Toàn huyện Ngọc Hồi hiện có 8.818 hộ đồng bào DTTS, trong đó, có 600 hộ nghèo và 506 hộ cận nghèo. Đến nay, 100% hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện được tuyên truyền, phổ biến nội dung Cuộc vận động; Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cũng đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện, UBND các xã tổ chức phổ biến, hướng dẫn chọn 100 hộ nghèo DTTS để tuyên truyền thay đổi cách tính toán, đăng ký các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi, sản xuất; UBND huyện quan tâm, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận mua cây giống, con giống, tư liệu trong sản xuất, chăn nuôi...

Trong thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy, tất cả các ban, ngành, cơ quan, đoàn thể cấp huyện và các xã, thị trấn đều đã vào cuộc xây dựng từ 1 - 2 mô hình điểm để đồng bào DTTS tham quan học hỏi. Đồng thời, cử cán bộ thường xuyên xuống kiểm tra, hướng dẫn các hộ được hỗ trợ mô hình thực hiện có hiệu quả - ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ngọc Hồi cho biết.

Song song với việc triển khai các mô hình hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể huyện Ngọc Hồi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi cán bộ, đảng viên, hội viên nêu gương trong việc vận động hộ nghèo, cận nghèo tích cực tham gia Cuộc vận động.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể huyện Ngọc Hồi, tin rằng Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” sẽ sớm có được những kết quả tích cực, góp phần giúp cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện có được cuộc sống ổn định và từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.