Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Đồng hành cùng đồng bào các dân tộc: Chung sức trên hành trình xây và chống ( Bài 3)

Sỹ Hào - 08:44, 21/10/2020

Thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch thường lợi dụng khó khăn ở vùng đồng bào DTTS để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc. Là diễn đàn của đồng bào các dân tộc Việt Nam, từ khi thành lập (năm 2002) đến nay, Báo Dân tộc và Phát triển đã có những tuyến bài vạch trần các âm mưu, giúp đồng bào nâng cao cảnh giác để “miễn nhiễm” trước các âm mưu thù địch.

Báo Dân tộc và Phát triển sát cánh cùng đội ngũ già làng, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS
Báo Dân tộc và Phát triển sát cánh cùng đội ngũ già làng, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS

Như cây Kơnia vững chãi giữa đại ngàn

Tây Nguyên - với những tên đất, tên người đã đi vào lịch sử của cả dân tộc. Đó là đồi Chư Pao, làng STơr, chiến thắng Đăk Pơ, Plei Me, Buôn Ma Thuột…; là tên tuổi của những Anh hùng như: Đinh Núp, Nơ Trang Long, Kơ Pa Kơ Lơng, A Sanh…

Sau giải phóng, Tây Nguyên cũng đã trải qua những thời điểm khó khăn, bất ổn. Nhất là trong 5 năm đầu thế kỷ XXI (2001 - 2005), các thế lực thù địch liên tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo đã gây ra 2 cuộc biểu tình, bạo loạn (tháng 2/2001 và tháng 4/2004).

Cùng với cả hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí, Báo Dân tộc và Phát triển đã có những tuyến bài vạch trần các âm mưu của các thế lực thù địch, giúp đồng bào Tây Nguyên nâng cao cảnh giác. Nhưng thời điểm đó, Báo chưa có phóng viên thường trú tại địa bàn, nên phải cử phóng viên biệt phái từ Hà Nội vào Tây Nguyên. Nắm vững chủ trương, đường lối về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, phóng viên được cử biệt phái trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong những cuộc tiếp xúc với đồng bào.

Một đặc thù khác nữa, là Báo đã phản ánh đậm nét những tấm gương già làng, Người có uy tín cũng như những mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hiếu học… ở Tây Nguyên. Đây chính là những hạt nhân để tạo sức lan tỏa, từ đó củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.

Những Người có uy tín nơi đây được ví như những “cây Kơnia vững chãi” giữa đại ngàn, đúng như những gì trong bài viết “Già làng trên đất cao nguyên: Như cây Kơnia vững chãi…” của nhà báo Phương Hạ (hiện là Phó Tổng Biên tập báo Dân tộc và Phát triển) đã viết.

Những “cây Kơnia vững chãi” giữa đại ngàn một khi được biểu dương, tôn vinh kịp thời đã trở thành chỗ dựa cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đóng góp công sức cho sự phát triển ổn định của khu vực. Ghi nhận những đóng góp của họ, tháng 3/2009, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lãnh đạo các tỉnh tổ chức Hội nghị biểu dương Già làng tiêu biểu tại TP. Pleiku (Gia Lai). Tại Hội nghị này, các già làng Tây Nguyên đã ký Quyết tâm thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước khẳng định sự thủy chung của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với Đảng, Bác Hồ và bày tỏ quyết tâm đồng lòng xây dựng buôn làng phát triển đi lên.

Sắc mới buôn làng Tây Nguyên
Sắc mới buôn làng Tây Nguyên

Sắt son niềm tin

Tiếp tục sứ mệnh “truyền lửa”, Báo Dân tộc và Phát triển đã đồng hành cùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên xây dựng buôn làng. Từ một vùng đất bom cày, đạn xới, Tây Nguyên từng ngày trỗi dậy với chim Chơ Rao tung cánh, hoa Pơ Lang thắm đỏ, tiếng cồng chiêng trầm hùng, ngân vang khắp núi rừng.

Nhưng không vì thế mà ngơi nghỉ công tác tuyên truyền. Bởi, đồng bào chỉ thực sự tin khi được mắt thấy, tai nghe. Vì thế, những tác phẩm đăng tải trên Báo Dân tộc và Phát triển phải “nói cho được, phản ánh cho rõ” sự đổi thay của buôn làng.

Trở lại năm 2006, đạo trái phép Hà Mòn “quét” qua nhiều buôn làng ở Tây Nguyên đã gây ra nhiều hệ lụy. Nhằm ngăn chặn đạo Hà Mòn, cả hệ thống chính trị đã vận động lão thành cách mạng, già làng, Người có uy tín tuyên truyền người dân hiểu rõ đạo Hà Mòn, nâng cao nhận thức, ổn định tư tưởng. Đồng thời, triển khai nhiều dự án, chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giúp bà con làm ăn hiệu quả, phát triển kinh tế.

Nhưng các buôn làng Tây Nguyên thay đổi, phát triển như thế nào? Trong tác phẩm “Cuộc sống mới ở Kuk Kôn, Kuk Đăk” đăng trên Báo Dân tộc và Phát triển ngày 29/5/2018 chỉ rõ: Gần 10 năm trước, 2 làng Kuk Kôn và Kuk Đăk (xã An Thành, huyện Đăk Pơ, Gia Lai) do theo đạo Hà Mòn, người dân bỏ bê ruộng đồng để ở nhà đọc kinh. Nhiều người cuồng tín còn bỏ nhà lên núi cầu nguyện. Trẻ con không được đi học chữ, ốm đau thì cầu cúng thay vì đến bệnh viện…

“Nhưng nay, làng Kuk Kôn đã được Nhà nước đầu tư làm đường bê tông từ Quốc lộ 19 vào nên đi lại rất thuận tiện, điện, nước sạch, trường học được đầu tư xây dựng. UBND xã còn hỗ trợ cây giống, con giống, giúp dân làng phát triển kinh tế. Dân làng cũng đã khôi phục lại các phong tục truyền thống tốt đẹp”, bài báo nêu.

Cũng như làng Kuk Kôn, Kuk Đăk, các buôn làng Tây Nguyên nay đã “thay màu áo mới”. Hiện toàn vùng có 100% xã và 99,39% thôn, buôn có điện; 100% các tỉnh trong khu vực đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt gần 95%. 100% số xã có trạm y tế, trong đó 67% số xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế…

Những đổi thay đó đã được Báo Dân tộc và Phát triển phản ánh chân thực, đầy đủ trên các số báo, tiếp thêm niềm tin son sắt cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng, đồng bào các dân tộc ở các vùng miền trên cả nước nói chung. Đồng bào các dân tộc vốn chất phác và thuần hậu. Nhưng bên trong sự thuần hậu, chất phác ấy là sự thông tuệ, bản lĩnh. Viết về đồng bào, viết cho đồng bào để làm sâu sắc thêm sự thông tuệ, bản lĩnh ấy trước các âm mưu kích động là sứ mệnh mà Báo Dân tộc và Phát triển đã, đang và sẽ đảm đương.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.