Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đồng hành cùng đồng bào các dân tộc: Báo Dân tộc và Phát triển với vùng lõm thông tin (Bài 4)

Hiếu Anh - 10:04, 28/10/2020

Vùng DTTS và miền núi hiện vẫn là “lõi nghèo” của cả nước. Ở đây vẫn còn những thôn bản điện còn chưa có, nói chi tới sóng Internet, truyền hình. Cũng chính ở đây, những tờ báo in, trong đó có Báo Dân tộc và Phát triển chính là phương tiện chuyển tải thông tin, là món ăn tinh thần, người bạn không thể thiếu với đồng bào.

Đông đảo bạn đọc người DTTS đón đọc Báo Dân tộc và Phát triển
Đông đảo bạn đọc người DTTS đón đọc Báo Dân tộc và Phát triển


Ngược đường về bản

Mất gần 3 tiếng đồng hồ di chuyển bằng xe máy, từ Hà Nội, chúng tôi về xóm Ngay, một xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc (Hòa Bình), là nơi sinh sống bao đời của gần 300 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mường. Từ trung tâm xã vào đến xóm Ngay chỉ dài hơn 10 cây số, nhưng thời gian di chuyển bằng 1/3 quãng đường từ Hà Nội về đến xã.

Từ đoạn đường bê tông rẽ về xóm Ngay là con đường đất dốc ngược vun vút như có thể lên tới cổng trời. Anh bạn đi cùng tôi mới chuyển công tác về Báo Dân tộc và Phát triển lắc đầu ngao ngán và tỏ ra lo lắng không biết có đi được hay không?

Quả không nằm ngoài dự đoán, đường vào xóm Ngay càng đi càng hun hút, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm. Trên đường thì toàn sống trâu, ổ voi, ổ gà chi chít. Xe cứ đi được vài trăm mét lại phải dừng dắt bộ, phần vì đường quá xấu, phần thì đường dốc, trơn trượt mà tay lái khó ghìm nổi.

Chúng tôi vào đến xóm Ngay thì trời cũng nhá nhem tối. Đang loay hoay chưa biết làm thế nào, thì gặp một người đàn ông ngoài 50 tuổi vừa đi làm nương về. Cũng khá bất ngờ, khi người chúng tôi gặp chính là Trưởng xóm Ngay, ông Bùi Văn Khoa.

Ông Khoa bảo, lâu lắm rồi, xóm mới có “cán bộ” về thăm. Ông mời chúng tôi về nhà nghỉ đêm tại một nhà sàn đặc trưng của người Mường. Đêm đến, nhà không có điện, chỉ có ánh đèn dầu leo lét.

Nói về việc tiếp cận thông tin, Trưởng thôn Bùi Văn Khoa vui vẻ cho biết, ở đây chưa có điện, sóng điện thoại chập chờn nên việc tiếp cận thông tin khó khăn lắm. Chính vì vậy, hằng ngày, người dân mong chờ nhất là nhận được những tờ báo mà Nhà nước cấp phát, trong đó ông rất thích Báo Dân tộc và Phát triển.

Nhà báo Phương Hạ, Báo Dân tộc và Phát triển tác nghiệp ở Trường Sa
Nhà báo Phương Hạ, Báo Dân tộc và Phát triển tác nghiệp ở Trường Sa

Ông Khoa cũng chia sẻ thêm, hình như thấu hiểu nỗi khó khăn của bà con nên bưu tá cố gắng vào đây đưa báo hằng ngày. Rồi ông bảo chúng tôi chờ đến trưa mai thế nào cũng gặp bưu tá mà hỏi chuyện.

Quả như lời của ông Khoa, sáng hôm sau chúng tôi gặp bưu tá xã Mỹ Hòa, chị Đinh Thị An, năm nay đã ngoài 40 tuổi. Chị An chia sẻ, xã Mỹ Hòa hiện có 4 thôn, bản, dân cư đa phần là dân tộc Mường, trong đó xóm Ngay đi lại khó khăn nhất. Thế nhưng, vì đi lại khó khăn, bà con dường như cũng mong chờ thư, báo hơn những nơi khác. Vì thế mà chị luôn cố gắng đưa báo sớm đến với người dân.

Mong mỏi của đồng bào

Xóm Ngay, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) chỉ là một địa phương “khó khăn cỡ vừa” so với một số địa phương khác. Bởi chúng tôi vẫn còn có thể đi được xe máy vào bản. Trong những chuyến công tác của mình về các bản vùng sâu, vùng xa của huyện Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), Si Ma Cai (Lào Cai) hay trên những đỉnh đèo miền đất đỏ Tây Nguyên Đăk Sar, xã Đăk Nuê, huyện Lăk (Đăk Lăk)… chúng tôi còn chứng kiến những cung đường heo hút hơn rất nhiều.

Bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS là đề tài luôn được Báo Dân tộc và Phát triển quan tâm, phản ánh
Bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS là đề tài luôn được Báo Dân tộc và Phát triển quan tâm, phản ánh

Thế nhưng, đối với chúng tôi, đó cũng chỉ là chút trải nghiệm nho nhỏ. Khó khăn này chưa thấm vào đâu so với các bưu tá ở cơ sở. Bởi đây là công việc thường ngày của họ. Việc ngã xe, mắc kẹt trong bản khi đường sụt lún, thậm chí tai nạn nghiêm trọng dường như nằm trong danh mục mà họ thường xuyên phải đối diện.

Ở những nơi chỉ có gió núi mây ngàn này thì hiện nay, báo in nói chung và Báo Dân tộc và Phát triển nói riêng cũng có một may mắn khi được đồng hành cùng đồng bào các DTTS.

Bày tỏ sự cần thiết của tờ báo giấy, ông Lò Văn Ẩy, Người có uy tín của xóm Tòng, xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu (Hòa Bình) đề xuất: Theo tôi, hiện nay, chúng ta vẫn cần duy trì cấp báo giấy, vì báo giấy có khả năng lưu trữ tốt hơn đài, giúp đồng bào dễ theo dõi, tiếp cận và làm tư liệu để áp dụng, phổ biến cho người dân làm theo.

Còn ông Lương Văn Lùng, Người có uy tín bản Nà Pheo, xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) nhấn mạnh: “Báo Dân tộc và Phát triển có nhiều nội dung hay để bà con học tập và áp dụng vào đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, theo tôi, chúng ta cần tăng cường việc cấp Báo Dân tộc và Phát triển cho Người có uy tín”.

Trong một khảo sát gần đây tại 21 tỉnh đông Người có uy tín trên cả nước, Báo Dân tộc và Phát triển ghi nhận, hiện đa số Người có uy tín ở các xã đặc biệt khó khăn thường xuyên nhận được Báo Dân tộc và Phát triển do bưu tá mang tới tận nhà. Cũng theo số liệu mà Báo Dân tộc và Phát triển khảo sát, có tới 80% độc giả khẳng định hình thức tờ báo đẹp, nội dung hay, bổ ích và phù hợp với đồng bào DTTS.

Có thể nói trong dòng chảy thông tin như hiện nay, mặc dù công nghệ thông tin bùng nổ nhưng vẫn còn những góc khuất, những vùng “lõm thông tin” mà các thể loại như báo nói, báo mạng, báo hình không thể phủ sóng tới. Do đó, thời gian tới, báo in vẫn là một loại hình không thể thiếu đối với đồng bào DTTS. Báo in cũng đã, đang và sẽ giúp Chính phủ “lấp đầy” vùng lõm thông tin.

Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019, hiện nay, cả nước vẫn còn 809 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia; 34,2% xã chưa có nhà văn hóa, gần 20% người DTTS từ 15 tuổi trở lên chưa biết đọc chữ phổ thông. Hiện có tới 90% người DTTS chưa biết sử dụng máy vi tính…