Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

“Đồng hành, chia sẻ, đoàn kết, nhất trí hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, công tác dân tộc”

Thúy Hồng - 20:09, 09/03/2022

Đó là phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Hội nghị Tổng kết quy chế phối hợp công tác giữa Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2016 - 2021 và Ký kết quy chế phối hợp giai đoạn 2022 - 2026, tổ chức chiều ngày 9/3, tại Hà Nội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị Tổng kết
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị Tổng kết

Phát biểu khai mạc Hội nghị Tổng kết, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết: Để thực hiện tốt  nhiệm vụ  cần phải có sự phối hợp, vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền các cấp, đặc biệt là các cơ quan làm công tác dân tộc, ngày 12/8/2016, Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc đã thống nhất xây dựng, ký kết và ban hành Quy chế số 01, Quy chế phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc của Quốc hội với Ủy ban Dân tộc của Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan làm công tác dân tộc của Quốc hội với cơ quan làm công tác dân tộc của Chính phủ trong việc tham mưu hoạch định, ban hành và triển khai thực hiện các chương trình chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Hai cơ quan đã xác định các hoạt động phối hợp trọng tâm là: Xây dựng chính sách, pháp luật; hoạt động giám sát, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc; hoạt động thẩm tra, đánh giá, triển khai chính sách dân tộc; công tác bồi dưỡng cán bộ, trao đổi, cung cấp thông tin; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về công tác dân tộc.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị

Sau 5 năm triển khai thực hiện Quy chế đã đạt được kết quả thiết thực, đó là: Các chủ trương, chính sách đối với đồng bào các DTTS được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tế. Công tác tổ chức thực hiện chính sách dân tộc đã có chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước được chú trọng; nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về công tác dân tộc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng DTTS và miền núi; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, khối Đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường.

Trong đó dấu ấn nổi bật nhất của quá trình phối hợp là đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội khóa XIV phê duyệt đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, thực hiện từ năm 2021 - 2030. Đây là một quyết định có ý nghĩa lịch sử, chính trị xã hội và nhân văn sâu sắc.

Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết, giai đoạn 2016 - 2021 hai Cơ quan đã phối hợp nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân tộc. Dự án Luật Dân tộc đã được Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 trình Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII. 

Giai đoạn 2016 - 2021, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ 38 đề án, chính sách đối với vùng DTTS và miền núi; được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 27 đề án, chính sách. Các chính sách được ban hành nhằm phát triển đồng bộ vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; ưu tiên phát triển đối với các DTTS rất ít người...Đặc biệt phối hợp xây dựng Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Y Thanh Hà, Niê Kđăm phát biểu tại Hội nghị
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại Hội nghị

Từ việc theo dõi, giám sát, đánh giá chính sách dân tộc, Hội đồng Dân tộc đã đề xuất Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2018. Qua báo cáo thẩm tra, Hội đồng Dân tộc đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách dân tộc như một Chương trình mục tiêu quốc gia mang tính tổng thể, toàn diện, lâu dài để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Quốc hội có Nghị quyết số 74 ngày 20/11/2018, giao Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) để thực hiện từ năm 2021.

Chính phủ đã giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án trình Quốc hội. Ngày 18/11/2019, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Nghị quyết đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG). Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội chủ trương đầu tư Chương trình MTQG và ngày 19/6/2020 tại kỳ họp thứ 9, với 100% đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia.

Năm 2020, trước tình hình phức tạp của dịch COVID-19, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội đã chủ động, tạo điều kiện để Chính phủ hoàn thành hồ sơ, thủ tục trình Quốc hội quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp thứ 9. Đây là quyết định mang tính lịch sử, lần đầu tiên Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về lĩnh vực dân tộc, cũng là lần đầu tiên Hội đồng Dân tộc thực hiện nhiệm vụ chủ trì thẩm tra Đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia.

Dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Chưa tổ chức được nhiều hoạt động tham vấn, đề xuất, kiến nghị xây dựng luật về lĩnh vực dân tộc; hai bên chưa chủ động phối hợp, trao đổi, xây dựng kế hoạch cụ thể cho hoạt động phối hợp hằng năm; chưa tổ chức sơ kết, đánh giá công tác phối hợp thường xuyên để có kế hoạch, chỉ đạo cho hoạt động phối hợp tiếp theo; một số nội dung của Quy chế phối hợp chưa được triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả…

Về giải pháp hoạt động phối hợp công tác giai đoạn 2022 - 2026, hai cơ quan thống nhất sẽ thực hiện Quy chế phối hợp nhằm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao cho về xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật; giám sát, kiểm tra; tổ chức thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Nhiệm kỳ này, sự phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc chặt chẽ, hiệu quả hơn. Chương trình phối hợp giai đoạn 2016 - 2020 đã được hai cơ quan nghiêm túc quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện. Sự phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên kịp thời hơn. Nhờ vậy, công tác tham mưu cho Đảng và nhà nước, trực tiếp là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hiệu quả hơn. Tại nhiệm kỳ này, hai cơ quan đã đạt được nhiều nhiệm vụ quan trọng làm nền tảng triển khai công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2030.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh mong muốn thời gian tới được đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội quan tâm giám sát, giúp đỡ, cho ý kiến để thực hiện đạt kết quả các nhiệm vụ như: Xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc; đề án xác định thành phần tên gọi một số dân tộc và bảng danh mục thành phần các DTTS Việt Nam, hiện đang trình xin ý kiến Bộ Chính trị; Giám sát, kiểm tra, đề xuất xây dựng cơ chế bảo đảm điều kiện thực thi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; tổng kết Nghị định số 05/NĐ-CP về công tác dân tộc; xây dựng chiến lược dân tộc và chương trình hành động thực hiện chiến lược về công tác dân tộc giai đoạn 2022 - 2030, định hướng đến năm 2045... để có thêm căn cứ tham mưu cho Chính phủ và Trung ương.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ghi nhận, biểu dương công tác phối hợp giữa hai cơ quan đã mang lại hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, như: Công tác xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoạt động giám sát, khảo sát, giải trình. Đặc biệt, hai bên đã xuất sắc tham mưu cho Quốc hội lần đầu tiên trong lịch sử công tác dân tộc ban hành Nghị quyết 88/2019/NQ-QH phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết 120/2020/NQ-QH phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Kết thúc Hội nghị, hai bên đã ký kết quy chế phối hợp giai đoạn 2022 - 2026
Kết thúc Hội nghị, hai bên đã ký kết quy chế phối hợp giai đoạn 2022 - 2026

Thời gian tới, nhiệm vụ, công việc còn rất nặng nề, ngoài phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai cơ quan, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị hai bên cần thường xuyên trao đổi, bàn bạc, thống nhất để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 88/2019/NQ-QH và Nghị quyết 120/2020/NQ-QH của Quốc hội; nghiên cứu tham mưu, đề xuất với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quốc hội xây dựng luật về lĩnh vực dân tộc nhằm điều chỉnh toàn diện, đầy đủ các chính sách dân tộc, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp năm 2013 về dân tộc và chính sách dân tộc...

“Hai cơ quan cần tiếp tục phát huy, đồng hành, chia sẻ, đoàn kết, nhất trí hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, công tác dân tộc trong năm 2022 là tiền đề triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự của hai cơ quan đã thảo luận thống nhất Quy chế phối hợp phù hợp, bám sát các nội dung, chương trình, nhiệm vụ của 2 cơ quan trong giai đoạn 2022 - 2026 và của từng năm. Theo đó, hai cơ quan sẽ tiến hành phối hợp xây dựng các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, rà soát đánh giá hiệu lực hiệu quả, hoàn thành các chính sách dân tộc, hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng DTTS và miền núi…

Kết thúc Hội nghị, hai bên đã ký kết quy chế phối hợp giai đoạn 2022 - 2026.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.