Bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc từng một thời khó khăn giờ đây đang từng ngày đổi mới. Những tuyến đường đất lầy lội ngày nào được thay bằng các con đường nhựa hóa, nhiều ngôi nhà mới mọc lên khang trang. Sự đổi thay của các phum sóc cho thấy đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm nay, nhiều hộ đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đón Tết sung túc và đầm ấm.
Đời sống đồng bào đổi thay từng ngày
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long Thạch Dương, tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Trung ương và đặc thù của địa phương nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào Khmer. Qua thực hiện, một số chính sách như hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vay tín dụng ưu đãi… đã phát huy tính tích cực, đồng bào chủ động lao động sản xuất, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh Vĩnh Long giảm còn 9,2%, nhiều hộ chí thú làm ăn vươn lên khá, giàu.
Xã Trà Côn, huyện Trà Ôn là một trong những xã có đông đồng bào Khmer sinh sống. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và Nhân dân, xã Trà Côn đã thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo với 153 hộ thoát nghèo, trong đó có 107 hộ dân tộc Khmer. Một trong những yếu tố giúp địa phương thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo là tận dụng các chính sách được hỗ trợ, thông qua các mô hình phù hợp với điều kiện của đồng bào như: hỗ trợ bò sinh sản, hỗ trợ kinh phí nuôi gà, nuôi cá trê vàng, nuôi vịt xiêm... Nhờ sự chuyển dịch đúng hướng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 42,5 triệu đồng/năm.
Được địa phương hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà và vay vốn 15 triệu đồng để phát triển chăn nuôi, chị Neang Kim Đẹp ở xã Trà Côn đã chí thú làm ăn, không chỉ giúp cải thiện kinh tế gia đình mà còn tiết kiệm hiệu quả để sớm hoàn lại số vốn đã vay. Chị Neang Kim Đẹp cho biết, với số vốn được hỗ trợ ban đầu, chị đầu tư chăn nuôi lợn, kết hợp thêm nuôi gà, vịt, cá. Mỗi khi tới lứa bán, chị đều để lại con giống để tái đàn mới. Từ cảnh khó khăn chỉ có thu nhập từ nghề phụ hồ, sau 3 năm được hỗ trợ vốn, gia đình chị đã hoàn vốn, vươn lên thoát nghèo, cuộc sống giờ đã ổn định.
Cùng với việc hỗ trợ đồng bào Khmer phát triển sản xuất, từ các nguồn vốn, xã Trà Côn còn tập trung nâng chất cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển đời sống và kinh tế xã hội của người dân. Địa phương triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình cầu, đường giao thông nông thôn, xóa nhà tạm, hỗ trợ người dân có nước sạch và điện an toàn để sử dụng.
Gia đình ông Thạch Út (xã Trà Côn) nhiều năm qua phải sử dụng nguồn điện không ổn định, rất bất tiện. Nay gia đình ông phấn khởi khi được đầu tư đường điện an toàn. Ông Thạch Út chia sẻ, do nhà ở xa trục lộ chính nên không có điều kiện để kéo điện về sử dụng, ông và hơn chục hộ dân lân cận phải sử dụng nguồn điện nhờ các hộ khác. Nhiều hộ sử dụng, đường dây lại xa nên hàng tháng phải trả tiền nhiều, nguồn điện không ổn định, mỗi lần mưa gió lại phập phồng lo sợ. “Được hỗ trợ đầu tư đường điện, bà con ở đây rất mừng. Hai tháng nay, gia đình rất yên tâm khi sử dụng các thiết bị điện. Sử dụng điện cũng như trước đây mà chỉ tốn có 40.000 đồng/tháng, ít hơn và an toàn hơn nhiều so với trước”, ông Thạch Út nói.
Vui Tết sung túc, an toàn
Bộ mặt phum sóc từng ngày đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần người dân đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long ngày càng được nâng lên. Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây càng phấn khởi hơn khi bà con vừa kết thúc một vụ mùa bội thu. Niềm hân hoan đón năm mới hòa cùng niềm vui được mùa đã tạo khí thế tươi vui trong đồng bào, hứa hẹn một năm mới sung túc, ấm no.
Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Sóc Rừng, xã Loan Mỹ (huyện Tam Bình) Trần Văn Thảo cho biết, toàn ấp có 155 hộ đồng bào Khmer sinh sống. Nhờ các nguồn vốn khác nhau, người dân Khmer nghèo đã được hỗ trợ cơ bản về nhà ở. Địa phương cũng tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc được học tập, tham gia xuất khẩu lao động, giúp nâng cao thu nhập, nhiều hộ thoát nghèo, cuộc sống ổn định hơn. Hiện nay, toàn xã chỉ còn 12 hộ Khmer nghèo, 49 hộ cận nghèo.
Ông Trần Văn Thảo chia sẻ: Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay, đồng bào Khmer tại địa phương đón Tết sung túc hơn khi vụ lúa vừa thu hoạch trúng mùa, lại được giá. Nhờ có những chính sách của Đảng, Nhà nước, bà con có điều kiện trồng trọt chăn nuôi, kỹ thuật canh tác ngày càng tiến bộ, thu nhập từ nghề nông cũng tăng lên, đời sống ngày càng sung túc. Năm mới, ai cũng mong thời tiết thuận lợi, làm ăn trúng mùa để cuộc sống cải thiện hơn.
Chị Thạch Thị Pha Linh, xã Loan Mỹ cho biết, từ khi thoát nghèo, cuộc sống gia đình chị ổn định hơn. Tận dụng nguồn vốn có được chị phát triển chăn nuôi và mua bán nhỏ nên có thu nhập ổn định. Tết năm nay, điều kiện cũng khá hơn. Đón Tết, gia đình chuẩn bị đầy đủ hoa quả, lễ vật cúng và bánh, thức ăn cho các con.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Vĩnh Long kết hợp tuyên truyền, vận động để bà con Khmer đón Tết cổ truyền vui tươi, đoàn kết, an toàn và tiết kiệm trong điều kiện đảm bảo tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19… Ông Trần Văn Thảo cho biết thêm, địa phương đã tăng cường tuyên truyền đến người dân vừa chuẩn bị đón Tết tươm tất, đầy đủ nghi thức, đồng thời cũng lưu ý thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Mỗi gia đình chỉ nên cử một người đến chùa thực hiện các nghi thức cúng để hạn chế tập trung đông người, nhớ đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay sát khuẩn, các gia đình chủ động khai báo y tế khi có con từ các địa phương khác hay ở nước ngoài trở về đón Tết để địa phương biết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Theo Thượng tọa Sơn Ngọc Huynh, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là lễ đón năm mới, là lễ lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Khmer. Vào dịp này, đồng bào thường đến chùa thực hiện các nghi thức cúng lễ. Do dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tại 13 chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, Ban Quản trị chùa tuyên truyền người dân đón Tết cổ truyền vui tươi, đoàn kết, an toàn và tiết kiệm; khuyến khích người dân đến chùa thực hiện nghiêm Thông điệp “5K” theo khuyến cáo của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long Thạch Dương cho biết, dịp Tết năm nay, cùng với sự chuẩn bị chu đáo, tích cực từ người dân, các địa phương, ban ngành, đoàn thể của tỉnh Vĩnh Long quan tâm, đồng hành để hỗ trợ đồng bào Khmer, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện đón Tết vui tươi, ý nghĩa. Với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, hàng ngàn phần quà Tết đã được trao tận tay cho các hộ nghèo, các em học sinh Khmer. Những phần quà không chỉ giúp các hộ đón Tết vui tươi, đầm ấm mà còn là động lực để họ vươn lên trong cuộc sống.
Với mục tiêu đẩy mạnh giảm nghèo, nâng cao các mặt đời sống vật chất, tinh thần cho người dân Khmer, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục rà soát nắm lại những khó khăn, nhu cầu đồng bào, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương và địa phương. Thông qua vai trò của những Người có uy tín trong đồng bào Khmer, tuyên truyền để bà con thực hành tiết kiệm, tạo động lực học tập, lao động sản xuất, tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, để mỗi dịp năm mới đồng bào Khmer lại đón Tết vui tươi hơn, sung túc hơn.