Lộc Ninh là huyện biên giới giáp ranh với Campuchia - đất nước đang có dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp. Các cấp chính quyền huyện Lộc Ninh đã thống nhất phương án tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer trong khuôn khổ kiểm soát của ngành y tế.
Tại chùa Sóc Lớn, bà con gói 700 bánh tét phục vụ Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Neak Ta, Sene Thvai (cúng ông bà, tổ tiên) diễn ra từng phum, sóc của xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh… Cùng với đó, các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc diễn ra tại các địa phương như: Lễ hội Dua Tpeng (hay còn gọi Lễ hội Phá Bàu) tại bàu Kapot (Kro Pout), xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh.
Đặc biệt, Lễ hội Phá Bàu của đồng bào Khmer tại Bình Phước vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là lễ hội truyền thống lâu đời, là một loại hình văn hóa dân gian tổng hợp, chứa đựng nhiều giá trị độc đáo.
Lễ hội được tổ chức để cầu mưa thuận, gió hòa, bà con sản xuất thuận lợi, dân làng đoàn kết, yên vui. Lễ hội còn có ý nghĩa tuyên truyền giữ gìn và bảo vệ bàu nước, để cá tôm sinh sôi phát triển, cuộc sống dân làng ngày càng no đủ.
Lễ hội Phá bàu phản ánh rõ nét đời sống của cư dân nông nghiệp. Thông qua lễ hội, người dân mong muốn được bình an, khỏe mạnh, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở.