Đặc sắc cồng chiêng làng
Để tìm hiểu một cách rõ nét về cồng chiêng của làng Plei Rbai, chúng tôi tìm đến nhà già làng Nay Krem, người được đánh giá là am hiểu về cồng chiêng nhất nhì ở làng. Theo già Nay Krem, tại làng Plei Rbai có một số loại chiêng phổ biến là Arap Xoang, Mơ Nhum và chiêng cải tiến. Như chiêng Arap thì được người dân dùng vào những ngày lễ như ma chay, ăn nhà mả. Bộ chiêng này có khoảng 11 chiếc. Chiêng Mơ Nhum thì dùng vào đám cưới, lễ sinh nhật, lễ báo hiếu, cúng thần linh, bộ chiêng này thì có khoảng 7 đến 9 chiếc. Còn chiêng cải tiến thì được người dân làng đánh trong những ngày lễ hội, vui chơi hoặc đi giao lưu với các làng khác.
Nhà tôi cũng còn 1 bộ chiêng Arap cổ từ thời ông bà để lại, đến bây giờ cũng không biết bao nhiêu tuổi rồi. Bộ chiêng này chỉ mang ra đánh trong những ngày quan trọng. Thời ông bà mua nó mất rất nhiều tiền, đến bây giờ chiêng Arap này rất quý vì giờ tìm không ra nữa”, già Nay Krem bộc bạch.
Để tìm hiểu về loại chiêng hiện đại, chúng tôi tìm đến nhà ông Ksor Meo (SN 1970, làng Plei Rbai). Mời chúng tôi vào nhà, ông mang bộ chiêng quý từ thời ông bà ra cho chúng tôi chiêm ngưỡng.
“Bộ chiêng này có 30 chiếc, năm 2015 mình đã bỏ tiền ra để thuê người chỉnh chiêng về chỉnh để cải tiến nó thành loại chiêng hiện đại. Loại chiêng này có thể đánh được các bài nhạc thời nay, phù hợp trong những ngày lễ hội tại làng và có thể đi giao lưu với các làng khác”, ông Ksor Meo chia sẻ.
Giữ gìn văn hóa truyền thống
Làng Plei Rbai có 341 hộ, trong đó có 305 hộ người Jrai. Đối với người dân làng Rbai, chiêng không chỉ có mặt trong những ngày hội hè, chiêng còn thay cho tiếng nói của con người với thần linh. Từng tiếng nhạc vang lên là ước muốn, là nguyện vọng của dân làng mong cho một năm mưa thuận gió hòa để người dân làm ăn, phát triển kinh tế.
Già Nay Krem cho biết: “Tiếng chiêng góp mặt trong tất cả những sự kiện quan trọng, lớn nhỏ của làng. Khi con người ta đi về thế giới Atâu, tiếng chiêng là tiếng tiễn đưa, vĩnh biệt của những người ở lại. Vì vậy, tiếng chiêng luôn là một thứ không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người Jrai ở đây”.
Được biết, đã có rất nhiều người tìm đến mua chiêng ở làng Rbai, nhưng đồng bào kiên quyết không bán, dù được trả giá cao. Người dân làng cho biết họ giữ lại cho con cháu trong nhà, để chúng lưu giữ cho các đời sau. Nhiều nhà sợ mất trộm, khi có người lạ hỏi chiêng họ liền nói không có để bảo tồn chiêng quý cho gia đình.
Được biết, cả làng Rbai hiện còn lưu giữ 27 bộ chiêng. Tại làng có khoảng 82 người biết chơi chiêng. Năm 2018, để lưu giữ và phát triển văn hóa truyền thống, làng Rbai đã thành lập được một đội chiêng thanh, thiếu nhi từ 10-18 tuổi, gồm 25 cháu tham gia. Người trực tiếp giảng dạy là những người đánh chiêng hay của làng.
Ông Phạm Văn Phương, Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar cho biết: Đồng bào Jrai ở đây tâm niệm rằng, ông bà đã trao truyền lại cồng chiêng thì họ phải có trách nhiệm giữ gìn. Vì vậy, đời sống của người dân nơi đây rất phong phú, điều này không chỉ giúp gắn kết cộng đồng làng mà còn giúp người đồng bào Jrai nơi đây giữ gìn và phát huy được văn hóa cồng chiêng cho các thế hệ sau.
“Năm 2018 chúng tôi đã phối hợp với những người đánh chiêng hay của làng, mở được một lớp chiêng cho thanh, thiếu nhi để đánh các loại chiêng cải tiến với hy vọng giới trẻ có thể kế thừa và duy trì văn hóa cồng chiêng nơi đây”, ông Phương khẳng định đầy tin tưởng.
THÙY DUNG