Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Đồng bào Gia Rai ở Ia Mơ Nông bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng

Ngọc Thu - 10:59, 22/12/2022

Với lợi thế về truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú cùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh (Gia Lai), đang ưu tiên triển khai xây dựng và thực hiện các kế hoạch giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống.

Mỗi người dân trong làng ở xã Ia Mơ Nông đều là một hướng dẫn viên tích cực để giới thiệu đến du khách về văn hóa của dân tộc mình
Mỗi người dân ở xã Ia Mơ Nông đều là một hướng dẫn viên tích cực để giới thiệu đến du khách về văn hóa của dân tộc mình

Theo đó, các ngành chức năng của huyện đã tranh thủ nguồn lực từ các chương trình MTQG và mới đây nhất, là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 để bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, lịch sử gắn với phát triển du lịch, nâng cao đời sống cho người dân.

Phát huy bản sắc văn hóa

Xã Ia Mơ Nông có 6 thôn, làng với hơn 80% dân số là người Gia Rai, trong đó, 5 làng đồng bào Gia Rai đã được quy hoạch bài bản, đường làng ngăn nắp, sạch sẽ, tạo ấn tượng tốt với khách tham quan. Một số điểm du lịch văn hóa, như nhà rông, nhà mồ làng Phung; khu nhà mồ làng Kép 1, Kép 2 tồn tại qua nhiều thế hệ, có nhiều tượng nhà mồ được tạc từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân trong làng.

Mặc cho sự ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống hiện đại, làng Phung vẫn yên bình, mộc mạc. Với 100% người dân là đồng bào Gia Rai, làng Phung đã có gần 30 năm đón khách du lịch. Mỗi người dân trong làng, đều là một hướng dẫn viên tích cực để giới thiệu đến du khách về văn hóa của dân tộc mình. Giữa làng là ngôi nhà rông văn hóa cao vút, nơi diễn ra những buổi sinh hoạt chung của du khách và người dân, giúp du khách được hòa mình cùng các phong tục truyền thống của làng. Làng còn có các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa như: Mừng lúa mới, cúng bến nước...

Nằm trên cung đường nhựa phẳng lỳ dẫn vào công trình thủy điện Ialy, chúng tôi đến với làng Kép 1. Nơi đây còn lưu giữ tương đối nguyên vẹn những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Gia Rai như nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, giọt nước... 

Những ngôi nhà mồ đã tồn tại hàng chục năm nay, đem đến cho du khách một cảm giác khác lạ. Du khách như lạc vào một thế giới tâm linh trong không gian trầm mặc của núi rừng. Quanh khu nhà mồ là gần 40 bức tượng gỗ với đủ hình dáng, tư thế. Giữa những cây cổ thụ cỡ 2 - 3 người ôm không xuể, khu nhà mồ càng thêm phần huyền bí.

Lễ Pơ thi - nét văn hóa độc đáo của đồng bào Gia Rai
Lễ Pơ thi - nét văn hóa độc đáo của đồng bào Gia Rai

Bà Rơ Châm H’Xuyết, người dân làng Kép 1, cho biết: “Lễ Pơ thi được tổ chức tại nhà mồ có nhiều người tham gia, bà con trong làng cũng góp công, góp của. Đặc biệt, có những người ở nơi khác đến cùng tham dự, mình thấy vui lắm. Ở làng mình, mỗi lần có khách du lịch về, mọi người ai cũng vui vẻ hướng dẫn khách tham quan, sẵn sàng mời khách ở lại nhà nếu họ có nhu cầu và muốn trải nghiệm cuộc sống của dân làng”.

Bên hiên nhà rông, hình ảnh những người phụ nữ đang miệt mài bên khung cửi tạo ra các sản phẩm thổ cẩm độc đáo hay những người đàn ông đang chăm chú đan gùi cũng khiến cho du khách phải nán lại tìm hiểu. Trong số đó, có người mua về làm quà, có người muốn trực tiếp tận hưởng cảm giác thú vị khi được trải nghiệm trực tiếp cách làm ra các sản phẩm truyền thống.

Cùng với bản sắc văn hóa đặc sắc, Ia Mơ Nông còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, với những khu rừng nguyên sinh cùng cánh rừng cao su, cà phê bạt ngàn. Bên cạnh đó, là những dòng sông chảy xiết, thác Công Chúa dịu dàng, e ấp uốn lượn quanh núi đồi, thôn làng. Đây là những điểm nhấn thú vị trong hành trình khám phá của du khách.

Thác Công chúa hiền hòa uốn lượn quanh núi đồi, thôn làng tạo nên khung cảnh đẹp nên thơ của xã Ia Mơ Nông
Thác Công chúa hiền hòa uốn lượn quanh núi đồi, thôn làng tạo nên khung cảnh đẹp nên thơ của xã Ia Mơ Nông

Phát triển du lịch cộng đồng - tạo sinh kế bền vững

 Bà H’Uyên Niê, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Mơ Nông cho biết: Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Mơ Nông đã thành lập Tổ liên kiết “đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng” đã tạo được ấn tượng lớn đối với khách phương xa. Những thành viên trong câu lạc bộ, luôn sẵn sàng hướng dẫn du khách cách dệt thổ cẩm và thử tài khéo léo của mình.

Cùng với đó, xã có đội văn nghệ tại làng Phung để biểu diễn phục vụ lễ hội và khách tham quan. Việc làm này, không chỉ giúp giữ gìn nghề truyền thống mà còn phục vụ du khách muốn tìm hiểu về văn hóa địa phương. Một lần trải nghiệm dệt thổ cẩm hoặc đan lát, hay thưởng thức cồng chiêng và múa xoang, thì du khách trả phí 100.000 đồng/người. Từ đó, giúp dân làng có thêm điều kiện cải thiện thu nhập.

Đã quen dần với việc có nhiều du khách đến tìm hiểu văn hóa, tham quan du lịch, thế nên người dân nơi đây rất thân thiện, sẵn sàng trở thành hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Ông Rơ Châm Hết, làng Kép 1 - thành viên Tổ liên kết đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng bày tỏ: "Nhà mình đàn ông ai cũng biết đan. Mình đan được nhiều gùi lắm, từ nhỏ đến giờ không biết bao nhiêu cái gùi đã theo mình lên rẫy đựng lúa, mang nước, cái nia theo mình từng bữa ăn. Thấy gùi của mình đẹp, bà con trong làng cùng du khách đến tham quan đều mua về sử dụng hay làm quà. Những ai muốn thử học cách đan gùi, mình sẵn sàng bày để mọi người biết về nghề truyền thống của dân tộc Gia Rai mình".

Các thành viên là đồng bào Gia Rai tích cực đan gùi, giữ gìn nghề truyền thống trong Tổ liên kết “đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng” xã Ia Mơ Nông
Các thành viên là đồng bào Gia Rai tích cực đan gùi, giữ gìn nghề truyền thống trong Tổ liên kết “đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng” xã Ia Mơ Nông

Từ những tiềm năng sẵn có, chính quyền địa phương đã quan tâm tạo điều kiện và ưu tiên phát triển du lịch dựa vào cộng đồng. Từ đó, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho bà con 5 làng đồng bào DTTS. Ông Rơ Châm Hyũp, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơ Nông, thông tin: Khách du lịch sau khi tham dự lễ hội sẽ tham quan, trải nghiệm theo trình tự nhà rông, nhà mồ tại làng Phung, làng Kép 1 rồi đến các địa điểm đẹp, cảnh đẹp để chụp hình. Xã đã thành lập Hợp tác xã, các câu lạc bộ nghề truyền thống... Qua đó, định hướng, bày bán các sản vật của địa phương, phát triển du lịch cộng đồng, hướng dẫn khách du lịch tham quan các điểm du lịch trên địa bàn. 

Bên cạnh đó, lắp đặt các biển báo, hướng dẫn khách du lịch đường đến các điểm tham quan. Đồng thời, hàng năm trích kinh phí hỗ trợ mỗi làng 5 triệu đồng để duy trì các lễ hội, thu hút khách tham quan. Ngoài ra, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân dọn vệ sinh môi trường tạo cảnh quan sạch đẹp tại các làng, kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái ở thác Công chúa.

Địa phương đang có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà trưng bày sản phẩm thổ cẩm của cộng đồng, nâng cấp đường giao thông dẫn vào thác Công Chúa và các làng nhằm thu hút nhiều hơn nữa du khách đến tham quan. Hiện nay, đang đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm quảng bá hình ảnh về con người, nhất là du lịch cộng đồng khám phá thiên nhiên và bản sắc văn hóa của địa phương.

"Xã cũng đã tổ chức các đoàn tập huấn, tham quan thực tế để dân làng có thêm kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng, nâng cao nhận thức thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, góp phần tạo môi trường thân thiện để hút khách thập phương. Qua đó, góp phần phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS tại địa phương", ông Rơ Châm Hyũp thông tin thêm.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, ngày 24/10/2024, tại Tp. Thái Nguyên, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024 đã được tổ chức long trọng. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đến dự và chỉ đạo Đại hội.