Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Đồng bào DTTS ở Hướng Hóa làm lúa nước năng suất cao

Nguyễn Đình Phục - 05:40, 02/11/2022

Những năm qua, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi và hỗ trợ khai hoang đất bằng. Chính quyền các xã, thị trấn đã tích cực tuyên truyền vận động người dân, nhất là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư công sức, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ruộng nước 2 vụ. Qua đó đã góp phần đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ cho người dân.

Sản xuất ruộng nước ở xã Hướng Sơn đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ cho người dân
Sản xuất lúa nước ở xã Hướng Sơn đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ cho người dân

Từ lâu, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã biết trồng lúa nước. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa nước trước đây chủ yếu “nhờ trời”, ít quan tâm đầu tư chăm bón, nên năng suất lúa thu được không cao. Do vậy, những năm qua lãnh đạo huyện Hướng Hóa đặt ra mục tiêu từng bước hỗ trợ người dân mở rộng diện tích lúa nước, giúp người dân nắm vững quy trình kỹ thuật sản xuất, sử dụng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao nhằm nâng cao trình độ thâm canh, tăng hiệu quả sản xuất, chủ động lương thực tại chỗ.

Thông qua các chương trình dự án, chính sách dân tộc, huyện Hướng Hóa đã hỗ trợ người dân khai hoang đất bằng gieo cấy lúa nước 2 vụ; các phòng, trạm, đơn vị liên quan đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật làm đất, gieo cấy, chăm sóc, xây dựng các mô hình sản xuất lúa nước và hỗ trợ các giống lúa mới cho bà con nông dân các xã, thị trấn, nên diện tích và năng suất lúa nước hằng năm của huyện đều tăng. Bình quân giai đoạn 2016 – 2020, toàn huyện gieo cấy gần 1.600 ha lúa nước, với sản lượng 7.484 tấn lúa.

Là 1 trong 11 xã biên giới của huyện, trong những năm qua, cùng với tập trung chỉ đạo và khuyến khích các hộ dân phát triển một số cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh, đem lại hiệu quả kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, gừng, nghệ… xã Hướng Phùng tích cực tuyên truyền vận động nông dân các thôn khai hoang đất bằng, làm thủy lợi sản xuất lúa nước 2 vụ nhằm giải quyết nguồn lương thực tại chỗ cho người dân.

Đồng bào Bru Vân Kiều khai hoang nhiều diện tích để đất trồng lúa nước, nhờ đó cuộc sống ngày càng ấm no
Đồng bào Bru Vân Kiều khai hoang nhiều diện tích để đất trồng lúa nước, nhờ đó cuộc sống ngày càng ấm no

Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng, Phan Ngọc Long cho biết, từ lâu người dân ở xã Hướng Phùng đã biết trồng lúa nước nhưng năng suất không cao. Kể từ năm 2016, khi Trung tâm Khuyến nông của tỉnh triển khai xây dựng thành công mô hình trồng lúa nước ở các thôn Cheng, Bụt Việt, kết hợp với việc địa phương được đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi thì đến nay, toàn xã đã có 105 ha lúa, với năng suất đạt từ 45 - 50 tạ/ha, sản lương 525 tấn.

Là một trong 45 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều được di dời đến nơi ở mới tại khu tái định cư Ra Lỳ - Rào, xã Hướng Sơn, ông Hồ Văn Trai chia sẻ. “Trước đây, gia đình mình làm lúa chủ yếu là “nhờ trời”, cứ đến vụ thì gieo lúa xuống, khi nào thấy lúa chín thì cắt về. Không bón phân, không chăm sóc chi hết nên cây lúa còi cọc, hay bị sâu bệnh. Năm nào được mùa lắm thì thu được khoảng vài ba tạ. Nhưng nay, được xã cho giống lúa mới, được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật làm đất, bón phân, chăm sóc nên cây lúa phát triển tốt. Vụ lúa này gia đình mình thu được hơn 1 tấn lúa. Từ nay, gia đình không còn phải lo thiếu ăn nữa rồi”...

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa, Hồ Quốc Trung cho biết, toàn huyện Hướng Hóa có gần 900 ha lúa nước, tập trung chủ yếu ở các xã Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn, Húc, Ba Tầng, Hướng Tân, Hướng Phùng, Hướng Linh… Những năm qua, thông qua các chương trình dự án, các công trình thủy lợi trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng, sửa chữa. Hiện toàn huyện có 84 công trình thủy lợi cung cấp nguồn nước cho sản xuất lúa nước 2 vụ của người dân.

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 giúp dân xã Hướng Sơn phục hồi diện tích ruộng nước bị vùi lấp do mưa lũ năm 2020
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 giúp dân xã Hướng Sơn phục hồi diện tích ruộng nước bị vùi lấp do mưa lũ năm 2020

Huyện cũng đã phân bổ hơn 5,6 tỉ đồng hỗ trợ người dân thực hiện phục hóa, cải tạo ruộng lúa bị bồi lấp (do thiên tai năm 2020), đồng thời cấp phát kịp thời các giống lúa mới như: Thiên Ưu 8, HT1, Bắc Thơm 7, An Sinh 1399... cho nông dân các xã, thị trấn đưa vào gieo cấy. Thực tế cho thấy, các giống lúa mới rất ít sâu bệnh, năng suất năm sau cao hơn năm trước, hiện năng suất lúa nước đạt bình quân 46 tạ/ha.

Nhằm đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ cho người dân, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hướng Hóa lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra chỉ tiêu phát triển diện tích lúa nước trên 2.000 ha, với sản lượng 8.500 tấn. Theo đó, huyện sẽ huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, sửa chữa các công trình bị hư hỏng; quản lý, khai thác có hiệu quả các công trình đã xây dựng để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu sản xuất lúa nước; tiếp tục phục hóa, cải tạo ruộng nước bị bồi lấp do thiên tai; chuyển giao kỹ thuật về sản xuất lúa nước, đưa các giống lúa mới vào gieo cấy để tăng năng suất và sản lượng…

      

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.