Có phải vì "cái điện gió”?
Sau những năm nhọc nhằn khai phá, đồng bào Bru Vân Kiều ở thôn Húc Thượng mới có được những thửa ruộng lúa màu mỡ. Hàng năm vào mùa thu hoạch, bà con có được lượng lúa nhất định không lo thiếu đói. Thế nhưng, từ năm 2020, 2021, không biết bao nhiêu đất đá từ trên đồi theo con suối trôi về lấp hơn 3 ha ruộng lúa nước của người dân. Do lượng đất đá bồi lấp quá nhiều, nên người dân không thể cải tạo, đành lâm vào cảnh thiếu đói nhìn ruộng của mình nằm sâu dưới đống đất đá.
Toàn thôn Húc Thượng có trên 100 hộ đồng bào DTTS, thì có tới 49 hộ dân có ruộng bị bồi lấp với diện tích lên đến 3,37 ha. Điều đáng nói, trong số 49 hộ dân nói trên, chỉ có 19 hộ có ruộng bị bồi lấp, được UBND huyện Hướng Hóa báo cáo do các bãi đắp của công trình Nhà máy điện gió Tài Tâm trôi trượt, vùi lấp (tại văn bản số 190/BC-UBND, ngày 29/3). Số còn lại cho đến thời điểm này vẫn chưa xác định được nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ruộng lúa nước bị bồi lấp. Về phía Công ty Tài Tâm không đồng ý hỗ trợ vì cho rằng “khu vực thửa lúa nằm xa bãi thải của dự án.
Khi trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Hồ Văn Ka Rai - Chủ tịch UBND xã Húc lại cho rằng: Mỗi lần mưa lớn đất đá từ bãi thải của điện gió trôi xuống vùi lấp ruộng của của đồng bào ở 3 thôn Tà Nục, Húc Thượng, Tà Ri II, với tổng diện tích khoảng 4 ha. "Riêng ở thôn Húc Thượng, phần ruộng lúa bà con sản xuất từ bao đời nay có bị vùi lấp thế đâu, từ khi có điện gió về mới bị nhiều như vậy".
Có mặt tại thôn Húc Thượng, dọc theo con suốt từ đồi chảy qua cánh đồng lúa nước của thôn, phần diện tích hai bên suối đã bị bồi lấp hết. Diện tích bồi lấp kéo dài xuống tận đầu bản. Một phần diện tích lúa nước bị bồi lấp đã trở thành sân bóng.
Theo người dân ở thôn Húc Thượng, phần diện tích này trước đây là ruộng lúa nước. Kế bên phần bị bồi lấp, là diện tích ruộng lúa nước của đồng bào còn sót lại bà con vẫn canh tác tốt, lúa vụ Xuân đang thời kỳ làm đòng xanh mướt.
Chỉ tay về phía khu ruộng đã bị bồi lấp, chị Hồ Thị Hạnh ngậm ngùi: “3 thửa ruộng nhà chị bị bồi lấp từ năm 2020 - 2021. Từ đó đến nay không trồng lúa được nữa, nên gia đình thiếu gạo để ăn”. Khi được hỏi do đâu mà ruộng bị bồi lấp, chị Hạnh quả quyết: “Do cái điện gió. Do họ đổ bãi thải trời mưa thì bãi thải sạt lở trôi xuống dưới ni” (nó trôi xuống dưới ruộng - Pv).
“Bất nhất” về xác định nguyên nhân
Trước thực tế, đất đá vùi lấp ruộng lúa nước của người dân ở xã Húc nói chung và thôn Húc Thượng nói riêng, UBND tỉnh Quảng Trị đã phát đi văn bản yêu cầu các bên liên quan có báo cáo cụ thể, cũng như tìm phương án giải quyết. Thế nhưng, ngành chức năng cũng chưa đồng nhất trong việc xác định rõ ràng phần diện tích lúa nước nào bị bồi lấp do lũ, phần nào bị bồi lấp do các bãi thải của các công ty điện gió. Do đó còn lúng túng trong việc quy trách nhiệm, chậm đưa ra phương án khắc phục ruộng lúa nước cho đồng bào sản xuất.
Trong khi chị Hồ Thị Hạnh và chị Hồ Thị Mun ở thôn Húc Thượng và Chủ tịch UBND xã Húc cũng khẳng định “do cái điện gió”, thì tại văn bản số 26/TB- UBND ngày 29/3/2023 UBND huyện Hướng Hóa lại có đoạn “Đối với diện tích ruộng nước của 30 hộ dọc theo khe sối thôn Húc Thượng, xã Húc bị đất đá vùi lấp do mưa lũ từ năm 2020; đề nghị công Công ty TNHH MTV ĐTNL Tài Tâm - Quảng Trị quan tâm, đồng hành, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ và chung tay khôi phục lại cho Nhân dân chuẩn bị canh tác sản xuất mùa vụ sắp tới”.
Phải chăng chính sự bất nhất và thiếu một kết luận cụ thể, khách quan của ngành chức năng mà ruộng lúa của người dân bị vùi lấp chậm được khắc phục và hệ lụy là đồng bào rơi vào cảnh thiếu đói trong nhiều năm qua.
Đối với đồng bào DTTS, địa bàn cư trú thường là ở vùng núi, vùng sâu vùng xa, đất sản xuất, đặc biệt là đất làm lúa nước có ý nghĩa rất lớn trong việc chủ động lương thực của đồng bào. Thế nhưng, ở thôn Húc Thượng, hơn 3 ha lúa nước “quý hiếm” bị vùi lấp trong nhiều năm qua lại chậm được cải tạo để đồng bào sản xuất. Đó là một sự lãng phí cần phải kiểm tra, xác minh quy trách nhiệm cụ thể cho những cá nhân, tập thể liên quan.
Một động thái mới là, sau khi có ý kiến của chính quyền Hướng Hóa, Công ty TNHH MTV ĐTNL Tài Tâm đã đưa máy múc vào cải tạo lại ruộng lúa nước ở thôn Húc Thượng bị vùi lấp.
Có mặt tại thôn Húc Thượng vào ngày 6/4, theo quan sát của phóng viên, đã có khoảng 2/3 diện tích ruộng bị vùi lấp được khắc phục. Các bờ thửa đã được đắp, mặt bằng ruộng đã được san gạt. Hiện nay, Công ty vẫn đang tiến hàng cải tạo phần ruộng lúa nước bị vùi lấp còn lại ở thôn Húc Thượng. Đó là tín hiệu tích cực của nhà đầu tư điện gió này đối với đồng bào ở vùng có dự án.
Khảo sát từ thực tế cho thấy, không riêng ở xã Húc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) hiện có 12 xã thị trấn có công trình điện gió. Trong đó, có nhiều vùng được xếp vào vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống lũ quét. Trên, thực tế đã có những nhà máy điện gió có bãi thải trôi trượt, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân như ở thôn Húc Thượng, xã Húc; hay như chủ đầu tư Nhà máy điện gió Amaccao Quảng Trị 1 liên quan đến 6 hộ ở xã Tân Liên (Hướng Hóa) và 5 hộ ở thị trấn Khe Sanh (Hướng Hóa).
Để tránh tình trạng các nhà máy điện gió ảnh hưởng đến sinh kế của Nhân dân, thậm chí cả tài sản và tính mạng của người dân bị đe dọa, thiết nghĩ, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần phải quan tâm, kiểm tra kịp thời để có phương án giải quyết, trả lời thỏa đáng những vướng mắc phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội, tránh tình trạng nghi ngờ, bức xúc trong Nhân dân.