Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển bền vững trước biến đổi khí hậu

Tùng Nguyên - 16:00, 04/12/2020

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trở nên mong manh trước biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng phức tạp, nhất là tình trạng sụt lún, sạt lở đất đang có chiều hướng gia tăng. Để phát triển bền vững khu vực đồng bằng, cần thiết phải có một tầm nhìn chiến lược.

Tình trạng sạt lở, sụt lún bờ sông, bờ biển đang có chiều hướng gia tăng ở ĐBSCL. (Ảnh minh họa)
Tình trạng sạt lở, sụt lún bờ sông, bờ biển đang có chiều hướng gia tăng ở ĐBSCL. (Ảnh minh họa)

Sạt lở, sụt lún bủa vây

Hiện nay, bên cạnh hạn mặn, sạt lở và sụt lún đất đang là nỗi lo lớn ở ĐBSCL. Sạt lở, sụt lún ngày càng mở rộng, từ bờ biển kéo vào bờ sông và xâm phá đến cả vùng nội đồng, đẩy người dân vào cảnh đất mất, nhà tan, nhiều địa phương căng mình ứng phó.

So với các tỉnh thành trong khu vực, Cà Mau là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của loại hình thiên tai sạt lở, sụt lún. Bởi đây là tỉnh duy nhất trong khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung có 3 mặt giáp biển.

Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, từ đầu mùa khô 2020 đến ngày 19/11, sạt lở đất đã làm hư hỏng trên 46km đường giao thông nông thôn, trong đó có 371m đường do cấp tỉnh quản lý. Nghiêm trọng nhất là tình trạng sụt lún, sạt lở trên tuyến đê biển Tây; đến mức UBND tỉnh Cà Mau đã phải 2 lần quyết định công bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở đê biển Tây, vào các ngày 26/8/2020 và 21/10/2020.

Không chỉ riêng Cà Mau, tình trạng sạt lở, sụt lún đã xảy ra ở toàn bộ 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực ÐBSCL. Trong đó, loại hình thiên tai này xảy ra đặc biệt nghiêm trọng là ở các tỉnh, thành phố: An Giang, Ðồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang.

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hiện khu vực ĐBSCL có 564 điểm sạt lở, sụt lún với tổng chiều dài trên 834km. Trong đó, sạt lở, sụt lún bờ sông có 512 điểm, với tổng chiều dài khoảng 566km (chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch); sạt lở, sụt lún bờ biển 52 điểm, với tổng chiều dài 268km. Trong số các điểm sạt lở, sụt lún nêu trên, hiện có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm trực tiếp đến khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng, tổng chiều dài 170km, bao gồm bờ sông 39 điểm với tổng chiều dài 85km, bờ biển 18 điểm với tổng chiều dài 85km.

Thủy sản – 1 trong 2 “trụ cột” kinh tế của vùng ĐBSCL rất “mẫn cảm” trước biến đổi khí hậu.
Thủy sản – 1 trong 2 “trụ cột” kinh tế của vùng ĐBSCL rất “mẫn cảm” trước biến đổi khí hậu.

Giải pháp nào cứu “vựa lúa’?

Tại Hội thảo tham vấn “Định hướng phát triển vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức ở TP. Cần Thơ ngày 21/11/2020, các chuyên gia tham dự đều thống nhất nhận định, BĐKH - nước biển dâng và tác động do phát triển nội tại đã gây lún sụt, sạt lở đất, hạ thấp đồng bằng với mức độ rất nghiêm trọng. Đáng chú ý, theo GS.TS. Tăng Đức Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, ĐBSCL đang bị hạ thấp với mức độ rất nghiêm trọng, nhất là vùng ven biển, tỷ lệ hạ thấp một số nơi từ 1,5 - 2,5 cm/năm.

Ông Thắng cho rằng, để phát triển ĐBSCL cần theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong các hoạt động kinh tế - xã hội, nhất là các ngành Nông nghiệp. Đây cũng là giải pháp quan trọng để khai thác tối ưu nguồn tài nguyên thiên nhiên đất - nước - ánh sáng và phát triển nền nông nghiệp (trồng trọt - thủy sản - chăn nuôi) theo hướng sinh thái hữu cơ chất lượng cao.

Còn theo PGS.TS. Doãn Hà Phong, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (Bộ TN&MT), cần phải tăng cường thông tin, số liệu và lập bản đồ sụt lún toàn vùng. Trong đó, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống theo dõi, giám sát diễn biến sụt lún tại một số khu vực có mức độ sụt lún cao cho giai đoạn đến năm 2050; lập bản đồ phân vùng sụt lún cho toàn vùng qua các thời kỳ và tích hợp cùng với bản đồ ngập mặn do tác động của nước biển dâng làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp thích nghi, ứng phó với nguy cơ ngập mặn do tác động kép của nước biển dâng và sụt, lún đất...

Thực tế cho thấy, vùng ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn quả của cả nước, góp phần quan trọng vào an toàn lương thực của quốc gia và đóng góp to lớn vào xuất khẩu nông sản, thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL hiện đang đứng trước nhiều thách thức bởi BĐKH, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống người dân, đến phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.

Mặc dù các ngành, các cấp đã ban hành và thực thi nhiều chương trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch, song những biện pháp này chủ yếu để ứng phó mang tính riêng rẽ theo ngành, lĩnh vực và từng địa phương, thiếu tính tổng thể, liên kết giữa ngành, địa phương một cách dài hạn trên toàn vùng nên chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Do đó, việc giải quyết các vấn đề của vùng ĐBSCL cần phải đặt trên quan điểm tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, trên cơ sở xử lý đồng bộ bài toán tổng thể với một tầm nhìn dài hạn trong sự phối hợp tham gia của tất cả các ngành kỹ thuật, kinh tế và xã hội bằng những công cụ xác đáng, mang tính kết nối cao.

Khu vực ÐBSCL có vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Với diện tích khoảng 4 triệu ha, ÐBSCL sản xuất 50% sản lượng lương thực, 65% sản lượng trái cây, 75% sản lượng thủy sản và đóng góp 20% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước. Hai “trụ cột” kinh tế chính của vùng là nông nghiệp và thủy sản đều rất “mẫn cảm” trước BĐKH.


Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.