Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đồng bằng sông Cửu Long: Nâng tầm sản phẩm OCOP từ mô hình kinh tế tập thể

Phương Nghi - 17:14, 31/08/2023

Thời gian qua, việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều HTX đã nâng tầm sản phẩm đặc trưng, thế mạnh tại các địa phương để tạo ra giá trị gia tăng, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên trong tổ hợp tác, HTX, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

Sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp được giới thiệu trưng bày tại một sự kiện ở Cần Thơ.
Sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp được giới thiệu trưng bày tại một sự kiện ở Cần Thơ.

Phát huy lợi thế sản phẩm OCOP của các HTX

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, vùng ĐBSCL có số lượng sản phẩm OCOP đứng thứ 3 cả nước, với 1.270 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Các địa phương trong vùng đã phát huy lợi thế của các sản phẩm vùng miền, gắn với thế mạnh của vùng như lúa gạo, trái cây, thủy sản, du lịch sinh thái... để lựa chọn, tập trung phát triển các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của từng địa phương. Sản phẩm OCOP của vùng từng bước hình thành chuỗi liên kết bền vững giữa nông dân và HTX, giữa HTX và các siêu thị, doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tại tỉnh Đồng Tháp hiện có 382 sản phẩm OCOP, trong đó có 93 sản phẩm đạt 4 sao, 289 sản phẩm đạt 3 sao. Tỉnh Đồng Tháp đang là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP được công nhận dẫn đầu vùng ĐBSCL.

Ông Nguyễn Phú Hiệp, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất dịch vụ xoài Bà Két, (xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) sản xuất xoài theo hướng hữu cơ góp phần xây dựng nền nông nghiệp sạch.
Ông Nguyễn Phú Hiệp, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất dịch vụ xoài Bà Két (xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) giới thiệu sản phẩm xoài sản xuất theo hướng hữu cơ, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sạch.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã tập trung chỉ đạo phát triển các sản phẩm OCOP là kết tinh của chuỗi giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng trên nền tảng tài nguyên bản địa. Theo đó, nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp được vào được hệ thống siêu thị như: Co.op Mart, Big C, Vin Mart, Bách Hóa Xanh. Cùng với đó, có hơn 300 sản phẩm của 60 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất lên sàn thương mại điện tử như: Voso, Postmart, Lazada, Shopee, Sendo...”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ: “Để tạo được sức lan tỏa trong triển khai Chương trình OCOP, các địa phương từng bước chuyển đổi sản xuất từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp... Hiện tại, việc thay đổi tư duy sản xuất cho người dân đang mang lại nhiều tín hiệu tích cực”.

Ông Mohamad-thành viên HTX dệt thổ cẩm Châu Phong (xã Châu Phong, TX. Tân Châu, An Giang) giới thiệu với du khách những sản phẩm thổ cẩm của HTX.
Ông Mohamad-thành viên HTX dệt thổ cẩm Châu Phong (xã Châu Phong, TX. Tân Châu, An Giang) giới thiệu với du khách những sản phẩm thổ cẩm của HTX.

Đưa sản phẩm OCOP cất cánh vươn xa

Với lợi thế phát triển trên vùng đất giàu tiềm năng, ÐBSCL đã xây dựng và phát triển các mặt hàng nông sản, thực phẩm đặc sản, tạo thương hiệu, tăng giá trị kinh tế cho hàng hóa địa phương, để từ đó, các sản phẩm OCOP chiếm lĩnh thị trường.

Thời gian qua, tỉnh An Giang đã tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh từ các sản phẩm làng nghề như: Sà rông của HTX Dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo (Tịnh Biên); Nước Ép xoài của HTX Sản xuất - Kinh doanh - Dịch vụ nông nghiệp Chợ Mới (Chợ Mới); thổ cẩm của HTX Dệt thêu Châu Giang và lụa lãnh Mỹ A của HTX làng nghề dệt Tân Châu cùng ở thị xã Tân Châu, Nhãn Xuồng của HTX Thương mại - Dịch vụ - Du lịch - Nông nghiệp Khánh Hòa (huyện Châu Phú); Khô ếch một nắng của HTX Thương mại - Dịch vụ - Chăn nuôi Ếch Khánh Hoà (Châu Phú); Xoài Keo của HTX nông nghiệp Long Bình (An Phú); đường thốt nốt của HTX Sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt Nhơn Hưng…

Sản phẩm nghề dệt thổ cẩm của HTX dệt thổ cẩm Châu Phong (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang)
Sản phẩm nghề dệt thổ cẩm của HTX dệt thổ cẩm Châu Phong (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang)

Đến nay, thị xã Tân Châu có 6 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó có 2 sản phẩm là sản phẩm riêng của đồng bào Chăm xã Châu Phong (TX. Tân Châu) là Tung lò mò (lạp xưởng bò) và Lò mò Pđăm (khô bò) của cơ sở sản xuất kinh doanh lạp xưởng bò Anas đều đạt tiêu chuẩn 3 sao. Hiện, hai sản phẩm của người Chăm đã được nhiều người trong và tỉnh biết đến.

“Từ ngày hai sản phẩm được được công nhận OCOP thì giá trị tiêu thụ càng tăng, cụ thể qua hỗ trợ tư vấn, ông đã thiết kế mẫu mã bao bì cho sản phẩm đẹp hơn, cài mã QR trên bao bì nên khách quét mã truy xuất nhanh được nguồn gốc, trên bao bì còn giới thiệu công dụng của sản phẩm, cách chế biến bảo quản…”, ông Hứa Hoàng Vũ, chủ hộ kinh doanh Anas Vũ nói.

Sản phẩm thổ cẩm của HTX Dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo (Tịnh Biên, An Giang)
Sản phẩm thổ cẩm của HTX Dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo (Tịnh Biên, An Giang)

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết: “Để sản phẩm OCOP của các HTX, tổ hợp tác, làng nghề trên địa bàn tỉnh được bay xa hơn, thời gian qua, tỉnh An Giang đã triển khai giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng tham gia các chương trình như: Bán hàng trên “Gian hàng Việt trực tuyến”, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử... Từ đó đã giới thiệu một số sản phẩm đạt OCOP của tỉnh như Đường thốt nốt Palmania, trà xạ đen, trà mãng cầu, mắm cá chao cá mè vinh Ông Ba Lộc, xoài cát hòa lộc sấy dẻo, Mật ong tại điểm bán sản phẩm OCOP tại khu Grand World Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)...”.

Để vùng ÐBSCL có thêm nhiều sản phẩm OCOP và định vị được trên thị trường trong và ngoài nước, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và sự tham gia tích cực của các chủ thể HTX, tổ hợp tác trong việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thương mại hóa. Các sản phẩm cần được thiết kế bao bì, nhãn mác bắt mắt, chất lượng tốt, thông tin chỉ dẫn địa lý cụ thể để tạo sự hấp dẫn.

Thành viên HTX sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ cây thốt nốt An Phú (huyện Tịnh Biên) thực hiện các công đoạn đóng gói sản phẩm
Thành viên HTX sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ cây thốt nốt An Phú (huyện Tịnh Biên) thực hiện các công đoạn đóng gói sản phẩm
Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.