Tri ân các anh hùng liệt sĩ
Tháng 8 năm 1976, trước yêu cầu bảo vệ biên giới, nhằm tăng cường lực lượng, nâng cao sức chiến đấu, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân Vũ trang đã ra quyết định thành lập Đồn 136 Na Lốc (thuộc Công an Vũ trang Lào Cai-tiền thân của Đồn Biên phòng Bản Lầu ngày nay) với trên 20 đồng chí được điều động từ các đơn vị trên tuyến biên phòng huyện Mường Khương và Tiểu khu 66 Công an nhân dân Vũ trang Lào Cai.
Nhớ lại những ngày chiến đấu oanh liệt để bảo vệ biên giới của Tổ quốc, ông Nguyễn Minh Phúc, nguyên là chiến sĩ Đồn 136 Na Lốc (hiện cư trú tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết: Vào hồi 14 giờ ngày 16/2/1979, trong khi làm nhiệm vụ, Đồn 136 Na Lốc phát hiện một Đại đội địch xâm nhập vào khu vực Đội 4, hợp tác xã Na Lốc, xã Bản Lầu. Giáp mặt với quân địch, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã chiến đấu dũng cảm, buộc chúng phải rút lui về bên kia biên giới…
“Trong những ngày chiến tranh diễn ra ác liệt ở khu vực địa bàn đơn vị đóng quân, Đồn 136 Na Lốc đã đẩy lùi các đợt tấn công của địch. Tuy nhiên, hai đồng chí chỉ huy là Thượng úy Nhạc Văn Công (Đồn trưởng), Thượng úy Nguyễn Thái Chu (Chính trị viên) với hơn 20 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tại Đồn 136 Na Lốc”, ông Phúc trầm tư kể lại.
Ngày 5/3/1979, chiến tranh kết thúc, Ban Chỉ huy Công an Vũ trang tỉnh Hoàng Liên Sơn chỉ đạo lực lượng vào đưa thi thể của các liệt sĩ về khu vực Khu đồi Pháp (giáp cầu Trắng xã Bản Lầu) để mai táng cho các liệt sĩ Trung đoàn 254 và cán bộ lâm sinh thuộc Lâm trường xã Bản Lầu.
Năm 1992, nghĩa trang liệt sĩ xã Bản Lầu được xây dựng quy mô. Phần mộ của các liệt sĩ được quy tập về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Bản Lầu. Trong quá trình di chuyển có 7 phần mộ bị thất lạc thông tin (mộ vô danh), trong đó có phần mộ của Đồn trưởng Nhạc Văn Công.
“Sau nhiều năm tháng kiếm tìm, với sự đồng lòng thống nhất của Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Bản Lầu, bằng phương pháp giám định AND, chúng tôi đã tìm được phần mộ chí của liệt sĩ Nhạc Văn Công. Ngày 12/12/2018 vừa qua, tại buổi Lễ tri ân các Anh hùng liệt sĩ, thông tin về liệt sĩ Nhạc Văn Công đã được điền đầy đủ trên phần mộ số 5, hàng số 8, lô 1, Nghĩa trang Liệt sĩ Bản Lầu”, Thượng tá Thiệu chia sẻ.
Đổi thay vùng đất chiến trường xưa
40 năm đã trôi qua, kể từ ngày cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc kết thúc, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc đã bắt tay hợp tác cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong đó, mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” trên tuyến biên giới Việt-Trung đang là minh chứng rõ nét cho chủ trương này.
Thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu là nơi ghi dấu điểm kết nghĩa đầu tiên trên tuyến biên giới Việt-Trung và cũng là một điểm sáng trong thực hiện Kết nghĩa Thôn-bản hai bên biên giới. Ông Thào Sẩu, Người có uy tín ở thôn Cốc Phương cho biết: Từ khi thực hiện kết nghĩa (tháng 8/2013) giữa thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá (thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bà con nhân dân hai bên biên giới coi nhau như người trong nhà, tình hữu hảo anh em, dòng họ được thắt chặt hơn. Đặc biệt, nhân dân hai bên thường xuyên động viên nhau tự giác chấp hành các Quy chế (Quy chế hay Quy ước) biên giới, khi xảy ra vụ việc liên quan, cùng ngồi lại với nhau để thỏa thuận, giải quyết trên tinh thần xây dựng và hợp tác; vừa giữ được tình làng nghĩa xóm, vừa thắt chặt hơn mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị hai bên.
“Sau khi kết nghĩa, việc trao đổi hàng hóa giữa nhân dân hai bên diễn ra thuận lợi hơn trước. Bên bạn hỗ trợ nhiều trong trồng trọt, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp các loại giống cây trồng như dứa, chuối... Bà con mình làm ra sản phẩm được phía bạn nhận bao tiêu đầu ra nên yên tâm sản xuất. Nhờ có sự đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế mà giờ đây cả thôn Cốc Phương có 45 hộ với 256 khẩu thì hiện chỉ còn 2 hộ nghèo, số hộ khá, giàu chiếm trên 70%. Đời sống người dân được nâng lên, tình hình an ninh trật tự, tệ nạn xã hội cũng không còn, người dân nhiệt tình tham gia cùng với bộ đội biên phòng bảo vệ đường biên, mốc giới”, ông Sẩu tâm sự.
Biên giới bình yên, bà con nhân dân an tâm phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Xã Bản Lầu hiện nay được coi là “vựa” chuối, dứa của tỉnh Lào Cai, hiện toàn xã có 700ha dứa, gần 800ha chuối, hàng năm từ việc xuất bán chuối, dứa qua biên giới giúp cho đồng bào các dân tộc nơi đây thu về gần 2 trăm tỷ đồng. Nhờ đó, đời sống người dân cũng từng bước được cải thiện; nếu như năm 2015 (thời điểm Bản Lầu đạt xã nông thôn mới), tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 11,5% thì hết năm 2018 con số này chỉ còn 0,65%.
TRỌNG BẢO