NTM kiểu mẫu ở vùng giáo
Dưới nắng thu, thôn giáo Thanh Hải thuộc xã Thanh Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) như bừng sáng hơn với nhiều gam màu tươi mới. Đây là thôn có đến 80% hộ dân theo đạo, nhưng là một trong những khu dân cư đầu tiên ở vùng đồng bào Công giáo đạt các tiêu chuẩn về khu dân cư NTM kiểu mẫu của huyện Bố Trạch.
Những tiêu chí khó trong xây dựng NTM như thu nhập, đường giao thông, tỉ lệ hộ nghèo thì thôn Thanh Hải đã cán đích đáng nể. Nay, 100% tuyến đường giao thông thôn, xóm đã bê tông hóa, trồng hoa, cây xanh dọc các tuyến… Còn tiêu chí thu nhập, đạt bình quân 65 triệu đồng/người/năm, đó là con số đáng mơ ước của nhiều địa phương.
Thu nhập cao nên tiêu chí hộ nghèo cũng đạt mức bền vững. Hiện thôn không có hộ nghèo, chỉ có một hộ cận nghèo theo tiêu chí đa chiều giai đoạn 2022-2025. Các tiêu chí về cơ sở vật chất, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường cũng đạt theo quy định.
Ông Phạm Đức Huấn, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Trạch (Bố Trạch) chia sẻ kinh nghiệm: Chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy lòng tự hào, truyền thống yêu quê hương đến cộng đồng thôn, xóm nên đã nhận được sự đồng thuận cao của bà con giáo dân. Chính quyền xã còn tạo điều kiện để lãnh đạo thôn được đi tham quan thực tế ở các địa phương khác, nhằm học hỏi kinh nghiệm xây dựng NTM, từ đó tạo được niềm tin vào chương trình và ý chí vươn lên của đồng bào.
Trên hành trình của con đường bê tông rộng rãi chạy dọc thôn Văn Phú, xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn), nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng. Bởi mới chỉ vài năm trước, con đường này rất hẹp, lại là đường đất... Nhưng khi xã có chủ trương làm đường, vấn đề khó khăn nhất là kinh phí. Tuy nhiên, chủ trương vừa đưa ra, đã được bà con giáo dân nơi đây đồng tình ủng hộ, tình nguyện hiến đất, góp tiền, góp công.
Một trong những việc quan trọng mà cấp ủy thôn Văn Phú triển khai, là củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các đoàn thể vùng giáo, tọa đàm với chức sắc tôn giáo, vận động giáo dân xây dựng xứ đạo bình yên. Vì thế, đời sống của gần 700 hộ, với 2.648 khẩu giáo dân sinh hoạt tại nhà thờ Văn Phú ngày một nâng cao. Đường làng, ngõ xóm trong thôn sạch đẹp; cây xanh, hệ thống chiếu sáng được đầu tư đồng bộ.
Linh mục Nguyễn Văn Hữu, quản xứ giáo xứ Văn Phú, xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn) tâm sự: Tôi đã cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền bà con giáo dân, tích cực tham gia các phong trào của địa phương; tham gia thực hiện các mô hình kiểu mẫu như: Mô hình toàn dân nói không với pháo; mô hình kết hợp Hội đồng mục vụ phối hợp với cơ quan an ninh, Công an để ổn định an ninh trật tự trên địa bàn; mô hình nông thôn mới. Từ các phong trào và mô hình triển khai, đã góp phần xây dựng thôn Văn Phú ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, vệ sinh môi trường được đảm bảo, an ninh trật tự được giữ vững.
Khi phong trào là động lực phát triển
Quảng Bình là một trong những địa phương có rất đông đồng bào giáo dân. Hiện nay, số lượng người theo đạo Công giáo chiếm đến 11% dân số của tỉnh, với hơn 101.500 người có đạo sinh hoạt ở 30 giáo xứ, 91 họ giáo. Trong những năm qua, bà con giáo dân luôn thực hiện đời sống “Tốt đời, đẹp đạo”, “Kính chúa yêu nước” góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương.
Bà con giáo dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình luôn phát huy truyền thống yêu quê hương, đất nước, chịu thương chịu khó lao động sản xuất nên đời sống ngày một ấm no. Nhiều phong trào, mô hình, tổ chức quần chúng bà con giáo dân tham gia rất đông và phát huy tác dụng tốt như: “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”; “Họ đạo bình yên, gia đình giáo dân gương mẫu”; “Họ giáo an ninh, văn minh tiên tiến”; “Khu giáo dân 6 không, 3 phòng”; “Tiếng kẻng an ninh”…
Các mô hình trên được lồng ghép với các phong trào khác ở địa phương như, “Thanh niên lập nghiệp”; “Tuổi trẻ giữ nước”, đồng thời cũng gắn với cuộc vận động lớn “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào “Cả nước chung tay xây dựng NTM”; phong trào “Người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”…
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cũng đã được bà con hưởng ứng tích cực, như, mô hình “Giáo xứ tự quản về an ninh trật tự (ANTT)” của giáo xứ Kim Lũ, xã Kim Hóa (huyện Tuyên Hóa), đang góp phần tích cực giữ vững ổn định chính trị và ANTT tại địa phương; mô hình phối hợp “Công an xã-Hội đồng mục vụ giáo xứ” bảo đảm ANTT và mô hình: “Thôn, tổ dân phố nói không với pháo” giữa Công an Thị xã Ba Đồn và giáo xứ Văn Phú, xã Quảng Văn, được giáo dân đồng tình ủng hộ; hầu như 100% người dân đều nghiêm túc chấp hành…
Từ những mô hình, phong trào ấy, đời sống bà con giáo dân ngày một ấm no, khắp nơi trên địa bàn bà con giáo dân đang thi đua sống "tốt đời đẹp đạo". Nhiều mô hình phát triển kinh tế ở các vùng giáo đang đem lại hiệu quả cao như: Họ giáo Thanh Hải ở huyện Bố Trạch, đã góp vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng để đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Nhiều điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở vùng giáo như: hộ gia đình ông Nguyễn Văn Bảy, giáo dân xứ Khe Ngang, xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch), với mô hình chăn nuôi lợn rừng trên 100 con.
Hay hộ giáo dân Nguyễn Thị Nguyện, giáo xứ Troóc, xã Phúc Trạch, từ một hộ nghèo đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng mới 800 gốc tiêu, nuôi 60 con lợn thịt, 300 con gà thả vườn/lứa nay đã vươn lên trở thành hộ khá.
Giáo dân Trần Văn Bường, giáo xứ Chợ Sàng (xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch), được nhiều người biết đến, nhờ thành công từ mô hình ươm cây giống và trồng rau quả sạch VietGAP, mở ra hướng cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương, với tổng doanh thu mỗi năm gần 700 triệu đồng.
Tại thị xã Ba Đồn, các tổ hợp tác trồng sim lấy quả, trồng nghệ vàng và chế biến tinh bột nghệ thương phẩm thuộc giáo hạt Nguồn Son, làng trồng hoa thuộc giáo họ Tượng Sơn, phường Quảng Long đang từng ngày phát triển, cho thu nhập khá.
Bên cạnh việc bà con giáo dân thi đua sống “tốt đời đẹp đạo” trên địa bàn vùng cát Quảng Bình là những linh mục, mục vụ luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để chăm lo cho đời sống bà con lương, giáo trên địa phận mình phụ trách.