Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Đổi mới tiếp cận hỗ trợ giáo dục cho học sinh DTTS: Thống nhất nội dung hỗ trợ (Bài 3)

Khánh Thi - 06:31, 12/12/2023

Hiện có rất nhiều chính sách hỗ trợ giáo dục được triển khai ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; tuy nhiên chưa có sự nhất quán trong nội dung chính sách, nhất là về mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, hình thức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ. Do đó, việc thống nhất quy định về nội dung chính sách là cần thiết để phát triển giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, bảo đảm sự công bằng trong thực thi chính sách.

Thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, trong 445 văn bản chính sách được ban hành để triển khai đầu tư, hỗ trợ trên tất cả các lĩnh vực ở vùng đồng bào DTTS và miền núi thì có 94 văn bản chính sách phát triển GD&ĐT. (Ảnh minh họa)
Thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, trong 445 văn bản chính sách được ban hành để triển khai đầu tư, hỗ trợ trên tất cả các lĩnh vực ở vùng đồng bào DTTS và miền núi thì có 94 văn bản chính sách phát triển GD&ĐT. (Ảnh minh họa)

Thiếu nhất quán

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc (UBDT), sau 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc, trong 445 văn bản chính sách được ban hành để triển khai đầu tư, hỗ trợ trên tất cả các lĩnh vực ở vùng đồng bào DTTS và miền núi thì có 94 văn bản chính sách phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Hệ thống chính sách phát triển giáo dục đối với vùng DTTS và miền núi đã được ban hành khá đầy đủ cho các nhóm đối tượng học sinh (HS) và giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trong đó, trẻ em, HS, sinh viên người DTTS được thụ hưởng các chính sách như: học bổng; miễn giảm học phí; trợ cấp xã hội, hỗ trợ học tập; chính sách ưu tiên tuyển sinh vào đại học, cao đẳng; chính sách phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người; chính sách tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, HS vùng DTTS, triển khai thực hiện chế độ cử tuyển… Với việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong lĩnh vực GD&ĐT ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tuy nhiên, một hạn chế là các chính sách hiện hành quy định mức, thời gian hỗ trợ khác nhau. Đơn cử, cùng là trẻ mầm non người DTTS, nhưng Nghị định số 57/2017/NĐ – CP quy định hỗ trợ 30% lương cơ sở/HS/tháng còn Nghị định 06/2018/NĐ-CP lại hỗ trợ 10%, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP lại hỗ trợ 160 nghìn đồng/HS/tháng (tương đương 10,7%)…

Nghị định số 57/2017/NĐ – CP quy định thời gian HS được hưởng chính sách hỗ trợ học tập 12 tháng, còn Nghị định 105/2020/NĐ-CP, Nghị định 06/2018/NĐ-CP và Nghị định 116/2016/NĐ-CP quy định chỉ có 9 tháng/năm học. (Trong ảnh: HS người dân tộc mảng ở Lai Châu được hỗ trợ theo Nghị định số 57/2017/NĐ – CP - Ảnh: Trọng Bảo)
Nghị định số 57/2017/NĐ – CP quy định thời gian HS được hưởng chính sách hỗ trợ học tập 12 tháng, còn Nghị định 105/2020/NĐ-CP, Nghị định 06/2018/NĐ-CP và Nghị định 116/2016/NĐ-CP quy định chỉ có 9 tháng/năm học. (Trong ảnh: HS người dân tộc mảng ở Lai Châu được hỗ trợ theo Nghị định số 57/2017/NĐ – CP - Ảnh: Trọng Bảo)

Thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ tại các chính sách cũng khác nhau. Trong khi Nghị định số 57/2017/NĐ – CP thời gian được hưởng là 12 tháng thì Nghị định 105/2020/NĐ-CP, Nghị định 06/2018/NĐ-CP và Nghị định 116/2016/NĐ-CP quy định chỉ có 9 tháng/năm học. Điều này, đã gây không ít khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện ở các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ngay trong cùng một chính sách, có những quy định cũng gây nên tâm lý so bì của người dân. Đơn cử là Nghị định 116/2016/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ HS và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Theo đó, để được thụ hưởng chính sách (hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở, hỗ trợ gạo) thì nhà của HS phải xa trường từ 4km trở lên đối với HS tiểu học và từ 7km trở lên đối với HS THCS.

Với quy định “cứng” này, việc thực thi chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP đã gặp không ít khó khăn. Thực tế là, với quy định này, cùng ở địa bàn đặc biệt khó khăn, hai hộ gia đình có con học tiểu học có điều kiện kinh tế như nhau, nhưng một hộ đáp ứng đủ điều kiện là 4km trở lên thì được hỗ trợ, còn một hộ dưới 4km thì không được tiếp cận chính sách; điều này cũng xảy ra tương tự với HS cấp THCS.

Với việc định lượng khoảng cách từ nhà tới trường, Nghị định 116/2016/NĐ-CP gây nên tâm lý so bì của người dân. (Ảnh minh họa)
Với việc định lượng khoảng cách từ nhà tới trường, Nghị định 116/2016/NĐ-CP gây nên tâm lý so bì của người dân. (Ảnh minh họa)

Thống nhất quy định

Theo đánh giá của UBDT tại Dự thảo Đề án “Hỗ trợ giáo dục học tập theo vòng đời cho trẻ em, học sinh, sinh viên người DTTS tại vùng DTTS và miền núi” (gọi tắt là Dự thảo Đề án), qui định trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa có sự thống nhất về mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, hình thức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ đã gây khó khăn cho cán bộ quản lý các cấp cũng như đối tượng thụ hưởng chính sách trong quá trình thực thi chính sách. Điều này dẫn đến tình trạng so bì giữa các nhóm dân tộc, các hộ gia đình khi triển khai chính sách tại địa phương, gây mất đoàn kết trong cộng đồng các DTTS.

Vì vậy, trong Dự thảo Đề án, UBDT đề xuất thống nhất các quy định trong chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; đầu tiên là về thời gian thực hiện. Theo đó, khi chính sách tổng thể được thông qua thì HS, sinh viên sẽ được thụ hưởng 12 tháng/năm, với điều kiện có thời gian học đủ 9 tháng/năm trở lên; trường hợp học không đủ 9 tháng/năm thì được hưởng theo thời gian học thực tế.

Dự thảo Đề án cũng xây dựng nội dung thống nhất của chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo đó, chính sách hỗ trợ sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn học tập của HS người DTTS, từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học và sau đại học.

Ở bậc mầm non, trẻ em DTTS, không phân biệt thành phần dân tộc, sẽ được hỗ trợ tiền ăn trưa (dự kiến bằng 30% mức lương cơ sở/HS/tháng) và chính sách hỗ trợ học phẩm (dự kiến bằng 5% mức lương cơ sở/HS/tháng). Đối với HS bậc THCS được miễn giảm học phí trong suốt thời gian học tập tại trường, không phân biệt trình độ phát triển giữa các dân tộc.

Riêng ở cấp THPT, Dự thảo Đề án đề xuất miễn giảm 100% học phí cho HS thuộc các dân tộc rất ít người, có khó khăn đặc thù trong suốt thời gian học tập tại trường; còn HS thuộc các dân tộc còn nhiều khó khăn được miễn giảm 70%, HS các DTTS còn lại là 50%. Ở bậc học phổ thông, tất cả HS người DTTS được hưởng chính sách hỗ trợ học phẩm, với định mức dự kiến bằng 5% mức lương cơ sở/HS/tháng.

HS người DTTS được hưởng chính sách hỗ trợ học phẩm, với định mức dự kiến bằng 5% mức lương cơ sở/HS/tháng. (Ảnh minh họa)
HS người DTTS được hưởng chính sách hỗ trợ học phẩm, với định mức dự kiến bằng 5% mức lương cơ sở/HS/tháng. (Ảnh minh họa)

Dự thảo Đề án cũng đề xuất thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa. Trong đó, ở cấp Tiểu học, HS thuộc các dân tộc rất ít người, có khó khăn đặc thù được hỗ trợ tiền ăn hàng tháng bằng 40% mức lương cơ sở; HS thuộc các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn được hỗ trợ tiền ăn hàng tháng bằng 30% mức lương cơ sở; HS thuộc các DTTS còn lại được hỗ trợ tiền ăn hàng tháng bằng 20% mức lương cơ sở.

Ở cấp THCS và THPT, HS thuộc các dân tộc rất ít người, có khó khăn đặc thù được hỗ trợ tiền ăn hàng tháng bằng 100% mức lương cơ sở. HS các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn được hỗ trợ tiền ăn hàng tháng bằng 60% mức lương cơ sở; HS các DTTS còn lại được hỗ trợ tiền ăn hàng tháng bằng 40% mức lương cơ sở.

Việc thống nhất nội dung chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục là nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao cơ hội học tập cho HS, sinh viên DTTS tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi, để các em yên tâm học tập theo từng giai đoạn; từ đó xóa bỏ khoảng cách chênh lệch giáo dục giưa các vùng miền và các nhóm dân tộc. Để đạt mục tiêu này, Dự thảo Đề án cũng đề xuất cách tiếp cận mới về tiêu chí thụ hưởng chính sách liên quan đến kết quả bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Trong Dự thảo Đề án, UBDT cũng xây dựng các chính sách cho HS Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục đại học; gồm chính sách hỗ trợ học phí, hỗ trợ tiền ăn, chính sách vay vốn tín dụng. Các chính sách bảo đảm nguyên tắc hỗ trợ bình đẳng, có ưu tiên đối với HS, SV thuộc các dân tộc rất ít người, có khó khăn đặc thù.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong bài viết tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.