Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Đổi đời từ tre

Giang Lam - Lê Duy - 21:51, 21/04/2023

Nhắc đến cây tre, ai cũng liên tưởng đến loài cây gắn liền với thi ca, gắn với câu chuyện thần thoại Thánh Gióng đánh giặc giữ nước. Nay ở Nà Lạ, xã Sơn Phú, huyện Na Hang (Tuyên Quang), cây tre đang là cây giúp người dân thoát nghèo.

Anh Phùng Văn Quang (bên trái) đang giới thiệu về vườn măng Bát Độ của gia đình.
Anh Phùng Văn Quang (bên trái) đang giới thiệu về vườn măng Bát Độ của gia đình

Dám nghĩ, dám làm

Bí thư Chi bộ thôn Nà Lạ Phùng Xuân Sơn đưa tôi đến gặp anh Phùng Văn Quang, cán bộ xã Sơn Phú, người có công đưa cây tre về Nà Lạ và phát triển như ngày hôm nay. Anh Quang chia sẻ: Năm 2002, khi làm Bí thư Chi đoàn thôn, tôi được nghe về việc trồng cây măng Bát Độ ở xã Năng Khả, tôi và anh Bàn Hữu Chiêu là Phó thôn đã đạp xe gần 40 km đến để “mục sở thị” giống cây mới. Sau đó, bên dự án cho 8 gốc tre về trồng. Tôi và anh Chiêu chia nhau mỗi người 4 gốc trồng trên thửa đất nhỏ gần nhà.

Thuận khí hậu, thuận công người chăm sóc, cây tre Bát Độ lớn nhanh như thổi, đến năm 2005, cây được thu những lứa măng đầu tiên. Chỉ 4 gốc tre mà anh bán được hơn 2 triệu đồng. Thấy thế, anh Quang đầu tư toàn bộ số tiền mua 100 gốc tre Bát Độ về trồng. Đồng thời, cải tạo 1 ha đất trồng cà phê kém hiệu quả của gia đình để phủ toàn bộ diện tích. Đến năm 2007, anh Quang được thu những lứa măng đầu tiên, lãi hơn 30 triệu đồng.

Năm 2012, toàn thôn Nà Lạ đã có 70ha tre xanh rì khắp các triền đồi, khe suối, kinh tế cũng từ đó đi lên, nhà trồng nhiều có tới 4, 5 ha tre, nhà nào cũng lấy tre làm cây chủ lực để phát triển kinh tế.

Ông Bàn Văn Hới, người dân thôn Nà Lạ là một trong những hộ mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ cây trồng kém hiệu quả sang trồng tre. Từ 1ha tre, rồi phát triển đến 5 ha như hôm nay, ông trở thành hộ dân trồng tre nhiều nhất và là một trong những người có thu nhập ổn định nhất thôn Nà Lạ với mức thu nhập 150 triệu đồng/năm.

“Cây tre nó hiền, chả cần chăm sóc, đến mùa là cầm gùi lên cắt và bán thôi”, ông Hới bộc bạch.

Đồng bào Mông ở xã Sơn Phú trồng tre để phát triển kinh tế.
Đồng bào Mông ở xã Sơn Phú trồng tre để phát triển kinh tế

Đổi đời từ tre

Nhắc đến cây tre, anh Phùng Xuân Sơn mở sổ sách và dõng dạc, mỗi năm thôn tôi thu hơn 3 tỷ đồng nhờ cây tre, năm nay, nhiều thương lái đến thu mua lá tre, loại lá to thì 13.000 đồng/kg, loại lá bé là 9.000 đồng/kg. “Nhờ đó, đời sống Nhân dân Nà Lạ đã ổn định nhờ cây tre”, anh Sơn chia sẻ.

Sinh năm 1986, anh Phùng Xuân Cường, thôn Nà Lạ đã có gần 2 năm thu mua các sản phẩm từ tre của người dân trong thôn. Anh Cường cho biết: Lúc đầu cũng nghĩ đi làm công ty, nhưng tiềm năng quê mình lớn như vậy sao không thử sức. Nghĩ là làm, tôi đã đứng ra làm đầu mối thu mua măng về bán cho các cơ sở chế biến, hướng dẫn Nhân dân thu hái lá tre để bán cho thương lái Phú Thọ xuất đi Đài Loan làm nguyên liệu gói bánh.

“Tiềm năng cây tre lớn lắm, gần đây nhiều người còn đặt vấn đề bao tiêu toàn bộ sản phẩm nhưng tôi chưa dám nhận, vì phải chăm sóc theo quy trình, thu hái theo vụ, cái này cần phải có thời gian”, anh Cường cho biết thêm.

Trước khi chia tay, Bí thư Chi bộ Phùng Xuân Sơn chỉ tay lên bức ảnh gia đình, nơi có cậu con trai đang làm chiến sĩ Công an, tự hào bảo: Nhờ cây tre đấy nhà báo ạ, Nà Lạ là một trong hai thôn của xã Sơn Phú có tỷ lệ con, cháu học đại học, cao đẳng với hơn 60%. Đồng thời, là thôn có nhiều người làm cán bộ, hiện đang công tác từ Trung ương đến địa phương.

Nà Lạ hôm nay thật khác, ngoài trồng tre, thôn còn nổi tiếng với phong trào nuôi cá lồng, chăn nuôi đại gia súc. Nà Lạ đang từng bước chuyển mình, trở thành thôn khá, giàu của xã Sơn Phú.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.