Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đổi danh hiệu cho di sản văn hóa phi vật thể - Điều không dễ !?

Sỹ Hào - 22:28, 25/04/2024

Cùng với Ca trù và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được UNESCO ghi vào Danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp”, hồ sơ Mo Mường đã được Chính phủ đồng ý đệ trình UNESCO xem xét, đưa vào danh sách này. Nhưng sau khi được đưa vào danh sách thì cần phải làm gì, làm như thế nào để đổi danh hiệu cho di sản, từ “cần được bảo vệ khẩn cấp” sang “đại diện của nhân loại” là điều không dễ.

Gian nan đổi danh hiệu cho di sản văn hóa phi vật thể
Với các giải pháp đồng bộ, năm 2017, Hát Xoan được UNESCO rút khỏi Danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”, chuyển sang Danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP, ngày 16/4/2024 quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) trong các Danh sách của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) và Danh mục DSVHPVT quốc gia.

Nghị định này quy định biện pháp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các loại hình DSVHPVT ở Việt Nam. Nghị định được áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cộng đồng, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các loại hình DSVHPVT ở Việt Nam trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia.

Trong Nghị định số 39/2024/NĐ-CP, ngày 16/4/2024, một trong những nguyên tắc được xác lập là ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền; di sản của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc có khó khăn, đặc thù, di sản có giá trị toàn cộng đồng, xã hội.

Trên thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm đưa nội dung về DSVHPVT vào Luật Di sản văn hóa (2001, 2009). Nhiều nội dung về DSVHPVT đã được đưa vào luật. Luật Di sản văn hóa dành riêng một chương để quy định về bảo vệ DSVHPVT.

Theo PGS. TS. Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, các nội dung về DSVHPVT quy định trong Luật Di sản văn hóa đã góp phần quan trọng vào thành quả bảo vệ di sản văn hóa nói chung trong suốt hơn 20 năm qua, kể từ khi UNESCO thông qua Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể năm 2003. Qua đó, cân bằng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, được quốc tế đánh giá cao, góp phần bảo vệ DSVHPVT, tạo bức tranh chung, đa dạng văn hóa của nhân loại.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề được các chuyên gia, nhà khoa học cùng các nhà quản lý quan tâm là, làm gì, làm như thế nào để tạo sinh lực mới cho các DSVHPVT đã được UNESCO ghi vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp?

Gian nan đổi danh hiệu cho di sản văn hóa phi vật thể 1
Ngày 29/11/2022, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.

Nói tới mối quan tâm này thì không thể không nhắc tới Ca trù – di sản được UNESCO đưa vào danh sách DSPVT cần bảo vệ khẩn cấp từ năm 2009. Đã 15 năm trôi qua, dù các địa phương liên quan đã tổ chức nhiều hoạt động để phục hưng, nhưng Ca trù vẫn chưa thoát khỏi ranh giới bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Gian nan “đổi danh hiệu”

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc, để bảo tồn, phát huy, tạo sức sống bền vững cho nghệ thuật Ca trù, bên cạnh nỗ lực của các cộng đồng nắm giữ di sản, thì rất cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương. 

Đặc biệt, trước nguy cơ các nghệ nhân, người giữ hồn cốt, gốc của di sản dần ra đi, công tác truyền dạy cần chú ý đào tạo ca nương, kép đàn đúng chuẩn mực, không chạy theo số lượng, phong trào để bảo đảm về chất lượng.

Hành trình gian nan phục hưng Ca trù có thể sẽ gặp phải trong quá trình bảo tồn, phát triển Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, được UNESCO ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp năm 2022. 

Hay với Mo Mường, khi được UNESCO ghi vào danh sách này, thì phải làm thế nào để sớm đưa di sản ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, chuyển sang danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” là câu chuyện cần được tính đến.

Gian nan đổi danh hiệu cho di sản văn hóa phi vật thể 2
Ca trù được ghi vào Danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” năm 2009, đến nay vẫn chưa thể đổi được danh hiệu do đây là loại hình nghệ thuật “khó học, khó hành”.

Trước thực tế này, trong Nghị định số 39/2024/NĐ-CP, ngày 16/4/2024 của Chính phủ đã quy định những giải pháp về cơ chế, chính sách quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT. Đặc biệt là những quy định cụ thể về chương trình hành động quốc gia, kế hoạch hành động, đề án, dự án và các báo cáo định kỳ quốc gia đối với các di sản được ghi danh trong các danh sách của UNESCO - những nội dung chưa từng được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật về di sản trước đây.

Cũng cần thấy rằng, Nghị định số 39/2024/NĐ-CP, ngày 16/4/2024 là hành lang pháp lý để đẩy mạnh công tác bảo tồn các DSVHPVT trong danh sách cần bảo vệ khẩn cấp. Nhưng cách làm của địa phương trong việc triển khai các cơ chế, chính sách mới có ý nghĩa quyết định.

Lấy cách làm của tỉnh Phú Thọ trong việc phục hưng nghệ thuật Hát Xoan làm dẫn chứng. Năm 2011, UNESCO ghi danh hát Xoan Phú Thọ vào Danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Nhận thức được tầm quan trọng phải bảo vệ di sản, Phú Thọ nhanh chóng xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013-2020”.

Gian nan đổi danh hiệu cho di sản văn hóa phi vật thể 3
Hồ sơ Mo Mường đã được Chính phủ đồng ý tại Văn bản số 2082/VPCP-KGVX, ngày 2/3/2024, đệ trình UNESCO xem xét, đưa vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.

Triển khai Đề án, tỉnh Phú Thọ đã đồng loạt thực hiện các biện pháp, trong đó chú trọng chăm lo bồi dưỡng nghệ nhân và đào tạo các lớp “nghệ nhân kế cận”; đồng thời tiến hành phục hồi các nghi thức, tục lệ liên quan đến hát Xoan. Với nỗ lực đó, năm 2017, UNESCO chính thức rút Hát Xoan khỏi Danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và ghi danh tại Danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Không dừng lại ở đó, tỉnh Phú Thọ tiếp tục xây dựng đề án bảo vệ DSVHPVT với các giải pháp mang tính bền vững, như: Số hóa di sản hát Xoan; ký âm các bài bản hát Xoan, ghi âm, ghi hình diễn xướng của các nghệ nhân; phổ biến tài liệu được số hóa trong cộng đồng phường Xoan gốc và các không gian lan toả của hát Xoan...

Rõ ràng, kinh nghiệm “đổi danh hiệu” cho Hát Xoan của Phú Thọ từ DSVHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp sang DSPVT đại diện nhân loại có thể là hình mẫu để các địa phương có loại hình di sản trong tình trạng này tham khảo.

Theo quy định Nghị định số 39/2024/NĐ-CP, để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT thì công tác kiểm kế được quan tâm thực hiện. Theo đó, thời gian kiểm kê từ 3 - 6 năm được thực hiện: Đối với DSVHPVT trong Danh sách đại diện là 6 năm một lần hoặc theo quy định khác của UNESCO; đối với DSVHPVT trong Danh sách cần bảo vệ khẩn cấp là 4 năm một lần hoặc theo quy định khác của UNESCO; đối với DSVHPVT trong Danh mục của quốc gia là 3 năm một lần tính từ thời điểm được ghi danh.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.