Ông Lâm Văn Đông ở thôn Giữa, xã Kiên Lao năm nay đã 80 tuổi, hiện vẫn còn lưu giữ được khá nhiều các bài hát, câu hát dân ca cổ của người Sán Chí. Ông Đông cho biết: “Hầu hết người Sán Chí nào cũng biết hát các làn điệu dân ca Sán Chí. Đa phần các làn điệu hát dân ca Sán Chí bắt nguồn từ trong lao động, sản xuất. Năm 18 tuổi, tôi đã dịch những bài hát dân ca Sán Chí từ chữ Hán cổ ra chữ Quốc ngữ để dạy cho những người dân trong bản, làng”.
Các làn điệu, câu hát cổ của người Sán Chí không có nhạc cụ đệm. Các bài hát, làn điệu câu hát của người Sán Chí đều có nhịp phách, luyến láy, nhả chữ, lên bổng xuống trầm, ngân dài nhấn mạnh từ ngữ trong câu hát đã tạo nên giai điệu, phách nhịp và thể hiện tình cảm của người hát trong từng hoàn cảnh cụ thể. Người hát dân ca Sán Chí giỏi không chỉ thuộc nhiều lời hát, thể loại hát mà còn phải thông minh, sâu sắc, giỏi ứng đối trong giao lưu, hát đối.
Về thể loại, hầu hết các bài hát dân ca Sán Chí xuất phát từ thơ Đường, thường viết theo thể “thất ngôn tứ tuyệt” (thể thơ 4 câu, mỗi câu có 7 chữ). Bên cạnh đó, trong một số bài, câu đầu chỉ có 5 từ, do vậy người Sán Chí phải dùng từ láy để ngâm đệm khi hát.
Về nội dung, các bài hát dân ca Sán Chí phong phú và đượm chất trữ tình; ca từ vừa mộc mạc, vừa tinh tế, gần gũi với đời sống của người dân, thường có ý nghĩa ca ngợi quê hương, ca ngợi lao động, mong muốn cuộc sống hạnh phúc và tình yêu đôi lứa. Theo tổng hợp của các công trình nghiên cứu, dân ca Sán Chí chia làm 4 hình thức chính: hát ban ngày (Chục Côộ) - hát giao duyên hay hát ghẹo, hát ban đêm (Cnắng Côộ), hát đám cưới (Chắu Côộ) và hát đổi danh (Zoóng Hôồ Côộ). Trong đó, hát “Cnắng Côộ” là loại hình phong phú nhất nên khi nhắc đến dân ca Sán Chí, đồng bào thường gọi theo tên chung là “Cnắng Côộ”.
Ông Lâm Minh Sập, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát dân ca Sán Chí, xã Kiên Lao cho biết: “Nhận thức được việc bảo tồn các nét văn hóa quý giá của đồng bào Sán Chí, năm 2010, tôi đã cùng các già làng trong bản tập hợp, sưu tầm những bài hát, làn điệu dân ca Sán Chí rồi cùng nhau tập hát và truyền dạy cho lớp trẻ. Hiện nay, trong xã có 7 thôn, đều có Câu lạc bộ. Hầu hết, ai cũng biết hát và đã đi giao lưu với rất nhiều bà con Sán Chí ở Đăk Lăk, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng…”.
Ông Nguyễn Bá Đạt, nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện Lục Ngạn cho biết, hiện nay, ở xã Kiên Lao còn bảo tồn hơn 1.000 bài hát, làn điệu câu hát dân ca cổ của người Sán Chí qua các giai đoạn. Người Sán Chí khi hát đối đáp giao duyên thường từng đôi, từng cặp có nam có nữ. Tuy không sử dụng nhạc cụ nhưng những lời ca, làn điệu trầm bổng, ngân nga, lên xuống day dứt, tha thiết, nồng nàn là điểm độc đáo nhất mà các làn điệu, câu hát dân cá Sán Chí mang lại.
Với sự độc đáo cả về nội dung lẫn hình thức, dân ca Sán Chí ở Lục Ngạn, Bắc Giang đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Hy vọng rằng, với sự đóng góp nhiệt tình của những người như ông Đạt, ông Sập và những thành viên trong Câu lạc bộ hát dân ca Sán Chí ở xã Kiên Lao, các làn điệu, câu hát dân ca của người Sán Chí sẽ được bảo tồn, phát huy. Đây cũng là một nhiệm vụ đặt ra cho các ban ngành ở địa phương trong việc bảo tồn nét văn hóa của người Sán Chí ở xã Kiên Lao nói riêng và văn hóa các dân tộc ở huyện Lục Ngạn nói chung.