Chọn nơi khó để làm
Theo cái lẽ thông thường, giới doanh nhân khi chọn nơi đầu tư thường tìm chỗ… phong thủy tốt. Thứ nhất là thuận lợi về điều kiện về hạ tầng kinh tế, rồi cả nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng được chiến lược kinh doanh; rồi còn cơ chế, chính sách của địa phương,…
Nói dễ hiểu hơn là, với doanh nhân, đa số đều chọn nơi “màu mỡ”, mấy ai chọn nơi khó khăn để đầu tư, bởi khó sinh lợi ngay tức thì. Cũng bởi thế mà các tỉnh miền núi rất khó tìm được nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tầm cỡ, với những dự án có thể tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đi ngược với cái lẽ thường đó, nữ doanh nhân Thái Hương lại chọn một lối đi riêng, đó là bắt đầu ở những nơi khó khăn nhất. Còn nhờ năm 2008, Thái Hương bắt đầu gây dựng thương hiệu TH True Milk, khi đó, bà là Tổng Giám đốc của Ngân hàng Bắc Á, một trong những ngân hàng mà bà và cổ đồng sáng lập.
TH True Milk của Thái Hương khởi phát trên mảnh đất Nghĩa Đàn (Nghệ An), nơi đất đai thuận lợi nhưng điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn. Sau hơn 10 năm thực hiện dự án, Nghĩa Đàn đã trở thành “thủ phủ bò sữa” của cả nước. Trang trại TH ở đây có quy mô đàn hơn 45.000 con; đã được xác nhận kỷ lục là “Cụm trang trại bò sữa chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn nhất châu Á" vào năm 2015.
Sau thành công của mô hình ở Nghệ An, Tập đoàn TH tiếp tục chinh phục những vùng đất mới, những nơi tưởng như không có nhiều điều kiện lý tưởng cho nghề chăn nuôi bò sữa. Đó là các dự án đầu tư vào những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn như: Hà Giang, Cao Bằng, An Giang, Phú Yên, Kon Tum, Thanh Hóa… Ở mỗi địa bàn thực hiện dự án, nữ doanh nhân Thái Hương đều thể hiện quyết tâm đầu tư để làm thay đổi những vùng đất khó này.
Việc triển khai các dự án ở Hà Giang, Cao Bằng,… Tập đoàn TH thể hiện chiến lược đón đầu dư địa thị trường trong nước và khu vực, đặc biệt là Trung Quốc - thị trường 1,5 tỷ dân. Tháng 10/2019, TH True Milk trở thành thương hiệu sữa đầu tiên của Việt Nam được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm sữa tươi vào thị trường này.
Còn nhớ, lần đầu tiên bước chân tới mảnh đất bốn bề núi dựng ở xã Quang Phong (Vị Xuyên, Hà Giang) để dự lễ động thổ dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao có tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng, quy mô trạng trại hơn 1.000 con vào ngày 27/11/2017, bà Thái Hương đã vô cùng hào hứng. Phát biểu trước Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo tỉnh, bà đã chia sẻ rằng:
“Đặt chân lên vùng đất này, tôi nhớ lại cảm giác khi lần đầu về Nghệ An làm dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao. Thành công đó đã đưa ly sữa Nghệ An ra thế giới. Mảnh đất Hà Giang đầy khó khăn, chỉ bước qua một dòng sông, qua con đường 10km là đến cửa khẩu quốc tế. Thế nhưng, nơi này sẽ hiện thực hóa định hướng ngành sữa mà tôi muốn vươn xa”.
Sự tự tin và khát vọng vươn xa của “người đàn bà thép” tiếp tục được khẳng định tại Lễ động thổ Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại xã Vĩnh Gia và Vĩnh Phước, huyện biên giới Tri Tôn (An Giang) diễn ra ngày 27/2/2021.
“Tôi muốn bày tỏ quyết tâm đưa vùng đất tươi đẹp này ngày càng trở nên xinh tươi đẹp đẽ hơn. Tôi muốn nơi đây sẽ có những cánh đồng hoa. Trồng hoa nhưng không chỉ để ngắm mà sẽ là những cánh đồng hoa để từ đó chiết xuất thành mỹ phẩm, thực phẩm và dược phẩm. Tôi đang tiến hành dự án liên kết với một doanh nghiệp chiết xuất hoa hồng của Bulgaria... Đó là con đường tiếp theo của tôi”, bà Thái Hương tự tin khẳng định.
Đánh thức tiềm năng đồng đất Việt
Điều gì đã giúp Tập đoàn TH hóa giải được những thách thức về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp cũng như những khó khăn về điều kiện hạ tầng kinh tế để triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao ở những nơi chỉ có gió và nắng khắc nghiệt như Phú Yên, Nghệ An, Cao bằng, Hà Giang hay Thanh Hóa?
Bà Thái Hương, Nhà sáng lập - Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH khẳng định trong Lễ Động thổ Dự án Chăn nuôi bò sữa và Chế biến Sữa ở Cao Bằng (ngày 17/10/2020) rằng, chiếc “chìa khóa vàng” công nghệ cao tiếp tục được Tập đoàn TH sử dụng. Đó là quy trình chăn nuôi, quản lý đàn bò, chuồng trại công nghệ đầu cuối hiện đại, trong đó là hệ thống quản lý bò sữa tiên tiến nhất thế giới Afimilk (Israel); Quy trình quản lý dịch bệnh, thú y của New Zealand; Quy trình, thiết bị xử lý nước, chất thải của Nhật, Israel, Hà Lan…
10 năm trước, khi Tập đoàn TH bắt đầu ứng dụng công nghệ cao và đưa khoa học quản trị vào chăn nuôi đàn bò và sản xuất sữa ở Nghĩa Đàn, nhiều người cảm thấy xa vời, chưa tin tưởng sự đột phá này. Thế nhưng khi sản phẩm ra đời đạt chất lượng đồng nhất, người ta mới thấy công nghệ cao thực sự là “chìa khóa vàng” giúp nâng cao năng suất chất lượng trong sản xuất chăn nuôi.
Theo bà Thái Hương, mô hình này đã được Tập đoàn TH triển khai thành công ở Nghĩa Đàn (Nghệ An). Đến nay, sản phẩm sữa tươi sạch mang thương hiệu TH true MILK đã chiếm hơn 40% thị phần trong phân khúc sữa tươi tại thị trường Việt Nam.
Một điểm nhấn đặc biệt là, dù áp dụng mô hình chăn nuôi khép kín tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 nhưng các Dự án của TH vẫn liên kết chặt chẽ với nông dân, tạo việc làm - đảm bảo an sinh xã hội ở vùng biên giới khi thực hiện liên kết với người dân trồng ngô, cỏ nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi bò sữa. Như chia sẻ của nữ doanh nhân Thái Hương rằng, Tập đoàn TH mong muốn đồng hành giúp bà con nông dân làm giàu từ việc chăn nuôi bò sữa, đồng thời giúp họ tạo ra ly sữa tươi chuẩn hóa để phục vụ sức khỏe cộng đồng và hướng đến xuất khẩu.
“Chúng ta phải làm một ly sữa chiến thắng từ chính đồng đất của mình, mà muốn vậy thì ly sữa phải đồng nhất về chất lượng”, nhà sáng lập Tập đoàn TH nhấn mạnh.
Với đóng góp quan trọng, mang tính cách mạng đối với nền nông nghiệp Việt Nam và cộng đồng, doanh nhân Thái Hương là một trong 13 Anh hùng Lao động của phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, với bản lĩnh, trí tuệ, tài năng, nhiệt huyết của người phụ nữ Việt, cùng uy tín, kinh nghiệm phát triển thị trường nước ngoài, bà được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam liến tiếp 2 nhiệm kỳ (2016 – 2021; 2021 – 2026).