Dự buổi làm việc về phía tỉnh Lạng Sơn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và lãnh đạo huyện Tràng Định.
Báo cáo việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình MTQG, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định Vũ Đức Thiện cho biết: Thời gian qua, triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, huyện Tràng Định đã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của từng Chương trình; công tác lập, thẩm định, ban hành kế hoạch vốn và xác định các chủ thể đáp ứng yêu cầu đúng đối tượng và nhiệm vụ đề ra.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025 huyện được giao tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước là: 438,531 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương là 427,148 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh là 20,836 tỷ đồng; vốn ngân sách huyện đối ứng theo quy định là 43,617 tỷ đồng). UBND huyện đã tổ chức thực hiện các nội dung lập, thẩm định, trình HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 315/NQ-HĐND ngày 31/8/2022 về việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình MTQG huyện Tràng Định giai đoạn 2021 - 2025.
Sau 3 năm triển khai thực hiện các Chương trình MTQG nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư đồng bộ, đời sống Nhân dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm trên 3%. Trong năm 2022, Tràng Định có xã Quốc Việt đạt chuẩn nông thôn mới, xã Chi Lăng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn huyện là 9/21 xã, đạt 42,86%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao toàn huyện là 1/21 xã, đạt 4,7%.
Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, năm 2022 - 2023, huyện đã triển khai 2 dự án bố trí ổn định dân cư; thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS và miền núi; cải tạo, bổ sung các phòng công vụ giáo viên, phòng ở học sinh. Cùng đó, triển khai hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong năm 2023, huyện phân bổ vốn thực hiện 53 dự án trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn.
Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, năm 2022, huyện đã đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 3% (3,55%). Năm 2023, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều từ 2% trở lên, tập trung giảm hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các xã đã về đích nông thôn mới, các xã xây dựng nông thôn mới…
Từ thực tế triển khai thực hiện, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định đề nghị, Bộ Tài chính xem xét sửa đổi Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, bổ sung định mức chi hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng đối với Chương trình này. Xem xét sửa đổi Quyết định số 318/QĐ - TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, điều chỉnh một số nội dung phù hợp với từng vùng, miền như tiêu chí tăng thu nhập, tỷ lệ người dân tham gia khám chữa bệnh từ xa, tiêu chí môi trường…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao UBND huyện Tràng Định đã giải ngân tốt vốn đầu tư phát triển các Chương trình MTQG. Cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Tràng Định là huyện vùng cao, biên giới, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, yêu cầu đặt ra phải giảm nghèo bền vững. Trong khi đó, áp lực vốn đối ứng cao, huyện rất khó đáp ứng. Qua giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên xem xét tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương trong thực hiện các Chương trình MTQG phù hợp với thực tế địa bàn.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thời gian tới, UBND huyện Tràng Định tiếp tục rà soát, đánh giá thực chất kết quả đạt được, các mục tiêu, chỉ tiêu của các Chương trình MTQG. Xác định rõ trọng tâm thực hiện, từ đó lồng ghép nguồn vốn của các Chương trình. Thực hiện tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tính toán lại việc quy hoạch, bố trí, giải quyết nhu cầu nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho người dân.