Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Phạm Phụng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định đã báo cáo với Đoàn công tác về một số kết quả đạt được trong thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Chương trình 135 và Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK).
Tính đến nay, Bình Định có 95/159 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, chiếm tỷ lệ 59,7%. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 114 khu sinh hoạt văn hóa - thể thao cấp xã; 140 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Học tập cộng đồng lồng ghép một số hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Trong số địa phương có thiết chế nhà văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có 77 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Về thiết chế ở khu dân cư, toàn tỉnh có 840 nhà văn hóa thôn, khu phố, 82 nhà Rông làng Bana và làng Chăm, 49 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng H’rê, chiếm tỷ lệ 86,54% (971/1.123) trên tổng số thôn, khu phố, làng toàn tỉnh.
Về việc thực hiện Chương trình 135, tổng kinh phí được giao cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng là 35.629 triệu đồng, nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất là 8.389 triệu đồng; Đã thực hiện và giải ngân đạt 100% kế hoạch. Từ nguồn vốn Chương trình 135, các địa phương đã chủ động thực hiện lồng ghép các nguồn vốn như: Chương trình 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới,... Qua đó góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng ở các xã, thôn ĐBKK, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân, là tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng DTTS và miền núi.
Các ấn phẩm báo, tạp chí được cấp về vùng đồng bào DTTS, vùng ĐBKK theo Quyết định 45 của Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời tuyên truyền những nhiệm vụ trọng tâm về công tác dân tộc và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cùng thảo luận các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, tiến độ giải ngân vốn, công tác tuyên truyền và giải pháp khắc phục tình trạng tảo hôn…
Trước đó, Đoàn công tác đã làm việc với huyện Vĩnh Thạnh, thăm một số làng văn hóa và một số mô hình kinh tế của huyện để nắm bắt thực tế từ cơ sở. Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Thạnh, toàn huyện có 8.524 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 96,6%, tăng 0,69 so với năm 2017; Có 100% thôn, làng đăng ký xây dựng danh hiệu văn hóa. Năm 2018 có 38 làng, thôn được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt 64,4%, tăng 6,8% so với năm 2017; tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn huyện giảm đáng kể.
Chương trình 135 được huyện triển khai kịp thời, đúng đối tượng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi. Năm 2018 và 9 tháng đầu năm 2019, kế hoạch vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng duy tu bảo dưỡng công trình là hơn 22 tỷ đồng.
Đoàn cũng đã đến thăm và làm việc với bà con của làng M2, ngôi làng 12 năm được công nhận ngôi làng Văn hóa của tỉnh; thăm mô hình trồng rau sạch, nuôi cá tầm ở xã Vĩnh Sơn.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh vui mừng trước những đổi thay của các làng đồng bào DTTS đã đến thăm và đánh giá cao sự đoàn kết của bà con trong làng. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm mong muốn địa phương nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện chương trình, chính sách để vùng đồng bào DTTS phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bình Định, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh đã ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh Bình Định trong việc thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Chương trình 135 giai đoạn từ năm 2018 đến 9 tháng đầu năm 2019. Thứ trưởng nhấn mạnh, dù có khó khăn, địa phương phải có trách nhiệm đưa các ấn phẩm báo, tạp chí đến cơ sở để chính sách của Nhà nước đến với vùng đồng bào DTTS thiết thực và hiệu quả hơn.
Dịp này, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh đã tặng quà cho người dân làng M2 và 20 suất quà cho những gia đình khó khăn ở xã Vĩnh Sơn.