Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ban Dân tộc tỉnh Bình Định: Phát huy vai trò trong việc thực hiện chính sách dân tộc

PV - 10:40, 10/09/2019

Những năm qua, tỉnh Bình Định được đánh giá là một trong những địa phương triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách dân tộc. Nhờ đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trong tỉnh có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng nâng cao.

Khởi sắc vùng DTTS, miền núi

Địa bàn vùng DTTS tỉnh Bình Định có ý nghĩa quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và môi trường sinh thái; đây là vùng căn cứ địa cách mạng của 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Toàn tỉnh có 33 xã, thị trấn có đồng bào các DTTS sinh sống tập trung theo cộng đồng làng, thôn thuộc 6 huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát. Có 3 huyện thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; có 26 xã khu vực III và 5 xã, thị trấn khu vực II có thôn đặc biệt khó khăn thụ hưởng Chương trình 135.

Đồng bào Ba Na huyện Vĩnh Thạnh vui mừng khi nhận được cồng chiêng do UBND tỉnh Bình Định cấp. Đồng bào Ba Na huyện Vĩnh Thạnh vui mừng khi nhận được cồng chiêng do UBND tỉnh Bình Định cấp.

Ông Trần Quốc Lại, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định chia sẻ: Việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc đã góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở vùng cao từng bước hoàn chỉnh, nhất là hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở văn hóa, trạm y tế... Thu nhập bình quân đạt 21,9 triệu đồng/người/năm (chỉ tiêu 21 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm bình quân 5,57%/năm; từ năm 2014 đến năm 2019 đã tư vấn nghề và giới thiệu việc làm cho hơn 5.000 lượt người; bồi dưỡng, tập huấn cho người DTTS trong độ tuổi lao động đạt 80% (chỉ tiêu 50%), trong đó có 20% đào tạo nghề (chỉ tiêu 20%); có 167 người lao động đồng bào DTTS tham gia xuất khẩu lao động. Đến nay, các huyện miền núi đã có quy hoạch phát triển giao thông vận tải; các tuyến đường đến các huyện miền núi cơ bản đã được đầu tư hoàn thiện, các xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã thông suốt.

Hiện nay, tỷ lệ dân sử dụng điện ở vùng đồng bào DTTS đạt trên 90%. Tất cả các huyện miền núi đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho đồng bào được duy trì thường xuyên; 100% trạm y tế có bác sĩ trực 24/24; 100% người đồng bào DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí...

Đòn bẩy từ chính sách

Góp phần làm nên kết quả trên có vai trò quan trọng của Ban Dân tộc tỉnh. Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Ban Dân tộc tỉnh đã trực tiếp chủ trì tham mưu UBND tỉnh ban hành, xây dựng kế hoạch thực hiện các chính sách liên quan đến vùng DTTS và miền núi trong giai đoạn 2014–2019 đạt hiệu quả cao.

Trong giai đoạn 2014–2019, đơn vị đã chủ trì, thực hiện Dự án 2 Chương trình 135; theo dõi, giám sát, tổng hợp kết quả dự án, sơ kết, tổng kết theo quy định; Chủ trì, rà soát báo cáo UBND tỉnh, trình Ủy ban Dân tộc, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án thực hiện Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017–2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 4604/QĐ-UBND ngày 12/12/2017; ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định...

Giai đoạn 2013-2017 có 40 danh mục đề án, dự án, chính sách được UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện Chiến lược công tác Dân tộc liên quan tới tất cả các lĩnh vực: Phát triển kinh tế đảm bảo an sinh xã hội; hỗ trợ pháp lý; giáo dục, đào tạo, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; y tế, chăm sóc sức khỏe; văn hóa; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; tuyên truyền, thông tin truyền thông; khoa học công nghệ... Đặc biệt, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định thực hiện chính sách cấp cồng chiêng cho các làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Chính sách này thể hiện sự quan tâm của tỉnh Bình Định dành cho đồng bào DTTS, tạo động lực để đồng bào gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc.

Theo ông Trần Quốc Lại, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định: Năm 2017, Ban Dân tộc tỉnh Bình Định bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ cồng chiêng cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện chương trình này, Ban Dân tộc tỉnh đã khảo sát thực tế từng địa phương vùng đồng bào DTTS nhằm nắm tình hình cụ thể về số lượng cồng chiêng. Kết quả, Ban Dân tộc đã trao 133 bộ cồng chiêng cho 119 thôn, làng và 13 bộ cho các trường phổ thông dân tộc nội trú–bán trú trên địa bàn tỉnh. Sau khi tiếp nhận cồng chiêng, bà con đã thường xuyên sử dụng, truyền dạy cho con cháu và có cách bảo quản tốt để cồng chiêng phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng.

Một chương trình cũng mang nhiều ý nghĩa nữa mà Ban Dân tộc đóng vai trò chủ đạo, là triển khai kết nghĩa giữa các cơ quan đơn vị với các làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của các ngành chức năng, trong 5 năm qua, các đơn vị kết nghĩa đã phối hợp với các địa phương tổ chức hơn 1.000 lượt tuyên truyền, vận động với nhiều lượt cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và Nhân dân tham dự. Đáng chú ý, các đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh đã vận động đồng bào DTTS giải quyết các vụ việc phức tạp, không tham gia sinh hoạt đạo trái phép, không phá rừng làm nương rẫy, vận động học sinh bỏ học trở lại trường…

Có thể nói, sự phát triển của vùng đồng bào DTTS tỉnh Bình Định hôm nay là sự chung tay của nhiều cấp ngành. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh đã thể hiện vai trò của mình trong việc tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành những chính sách phù hợp, tạo sức bật cho miền núi. “Tuy nhiên, do đặc thù địa hình, tập quán sản xuất nên quá trình phát triển bền vững của vùng dân tộc, miền núi của tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Thời gian tới, Ban Dân tộc sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các chính sách hỗ trợ đồng bào; huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS theo hướng bền vững”, ông Trần Quốc Lại cho biết thêm.

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.