Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Đoàn công tác của Trung ương làm việc với huyện Con Cuông (Nghệ An) về thực hiện công tác dân tộc

Lê Việt - An Yên - 19:36, 30/10/2024

Chiều ngày 30/10, Đoàn công tác của Trung ương do Phó ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh dẫn đầu, đã có buổi làm việc về sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 13/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới trên địa bàn huyện Con Cuông (Nghệ An). Tham dự với Đoàn công tác, về phía Ủy ban Dân tộc (UBDT) có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông. Về phía tỉnh Nghệ An có Phó ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Thanh Đoài, Phó ban Dân tộc Lương Văn Khánh và các thành viên trong Đoàn.

Trưởng đoàn công tác của Trung ương - Phó Trưởng ban Dân vận Triệu Tài Vinh phát biểu tại cuộc làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Con Cuông
Ông Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng ban Dân vận, Trưởng đoàn công tác của Trung ương phát biểu về những nội dung làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Con Cuông

Trước khi làm việc với huyện Con Cuông, Đoàn công tác đã về làm việc, khảo sát tình hình thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 13/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới tại xã Mậu Đức.

Tại địa phương, Đoàn công tác của Trung ương đã được nghe những chia sẻ, những trao đổi của lãnh đạo xã Mậu Đức về tình hình thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trong việc phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, gìn giữ bản sắc văn hóa trên địa bàn…

Sau khi đi thực tế cơ sở, Đoàn công tác đã dành nhiều thời gian làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Con Cuông. Qua báo cáo của lãnh đạo huyện, Con Cuông hiện có 13 đơn vị hành chính; trong đó, có 09 xã thuộc xã khó khăn và đặc biệt khó khăn, 02 xã biên giới; 82 thôn, bản khó khăn và đặc biệt khó khăn. Dân số toàn huyện là 78.146 người, với 7 dân tộc chính cùng sinh sống; trong đó, dân tộc Thái chiếm 69,62% dân số toàn huyện.

Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Lô Văn Thao báo cáo ngắn gọn với đoàn công tác về tình hình thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn
Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Lô Văn Thao báo cáo những vấn đề cơ bản với Đoàn công tác về tình hình thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn

Những năm qua, việc thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc; cũng như phát huy vai trò của Người có uy tín trong việc vận động Nhân dân phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN luôn được các ban, ngành ở địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng. 

Kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS được đẩy mạnh đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện; việc thực hiện an sinh, phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, giảm nghèo bền vững được chú trọng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 6,97%/năm, giá trị gia tăng bình quân đầu người đến năm 2023 đạt 41,2 triệu đồng/năm. 

Đến nay, toàn huyện đã có đường giao thông nhựa hóa, bê tông hóa với quy mô cấp IV-V đến trung tâm xã đạt 100%; tỷ lệ người dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97,5%, có 80/115 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn, 3 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí NTM…

Công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị được quan tâm. Đội ngũ cán bộ đồng bào DTTS không ngừng nâng lên cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo. Khối đại đoàn kết các dân tộc ngày được tăng cường, đồng bào các dân tộc tuyệt đối tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm UBND Y Thông đề nghị địa phương làm rõ thêm một số vấn đề trong việc thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông đề nghị địa phương làm rõ thêm một số vấn đề trong việc thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025

Khả năng thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thu nhập, điều kiện sống, văn hóa, giáo dục, y tế trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 sẽ khả quan hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo là người DTTS so với tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn huyện hiện còn cao (hộ nghèo người là DTTS chiếm 94,9%, hộ cận nghèo là DTTS chiếm 97,5%), chênh lệch giàu nghèo giữa các xã, thị trấn và dân tộc còn lớn; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Đại bộ phận đồng bào DTTS chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, tham gia tích cực các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do các cấp phát động; đồng bào DTTS phấn khởi trước sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, chủ động đầu tư, áp dụng các tiến bộ KHKT, tập trung phương thức mới vào sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Đoàn kết hòa đồng, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Tình hình kinh tế-xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS được đảm bảo.

Thành viên Đoàn công tác của Trung ương phát biểu, đề nghị huyện Con Cuông cần làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn
Thành viên Đoàn công tác của Trung ương phát biểu, đề nghị huyện Con Cuông cần làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn

Kiến nghị với Đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Lô Văn Thao đề xuất 5 nội dung. Đó là, Trung ương cần nghiên cứu, xem xét ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. 

Xem xét xây dựng và ban hành Luật Dân tộc hoặc Luật Dân tộc thiểu số. Xem xét công nhận tộc người Đan Lai thành một dân tộc thiểu số, vì điều kiện sinh hoạt và đời sống của bà con rất khó khăn, nguồn gốc lịch sử hình thành đặc biệt, vị trí địa lý thuộc vùng đặc biệt khó khăn (vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát), có số lượng người ít (hơn 3.000 người), hiện nay chỉ được hưởng các chế độ chính sách như dân tộc Thổ.

Đề nghị Trung ương sớm phê duyệt đề nghị của huyện Con Cuông về việc thu hồi 401,32ha đất quy hoạch ngoài lâm nghiệp nằm trên địa bàn huyện Con Cuông được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 2288/QĐ-UBND, ngày 04/8/2022. Trong đó, có 360,60ha đất ở và đất sản xuất của đồng bào Đan Lai tại 02 bản Co Phạt và Bản Búng, xã Môn Sơn và 40,72ha đất khác tại Khu du lịch Thác Kèm xã Lục Dạ để huyện quản lý theo đúng quy hoạch, kế hoạch và quy định của pháp luật. 

Vấn đề cuối cùng là về việc xây dựng nhà ở cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở tại bản Co Phạt, Bản Búng thuộc vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát, UBND huyện cũng đã có Công văn số 609/UBND-TN, ngày 02/5/2023 gửi UBND tỉnh Nghệ An, vấn đề này vượt thẩm quyền quyết định của địa phương, đề nghị Trung ương sớm có ý kiến.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông Lương Viết Tùng làm rõ hơn các vấn đề mà Đoàn công tác của Trung ương đã đề cập
Ông Lương Viết Tùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông làm rõ hơn các vấn đề mà Đoàn công tác của Trung ương đã đề cập

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông đề nghị, địa phương báo cáo thêm những vướng mắc, khó khăn về thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719); những nội dung cần điều chỉnh từ thực hiện cơ chế chính sách đặc thù cho phù hợp với thực tế địa phương…

Các thành viên trong Đoàn công tác của Trung ương cũng đã nêu lên một số nội dung, đề nghị huyện Con Cuông bổ sung: Đó là tình hình cụ thể về số lượng các DTTS cư trú trên địa bàn, đánh giá thêm sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác đội ngũ cán bộ người DTTS trên địa bàn. Về điều kiện phát triển sản xuất khó khăn, có nguyên nhân nào từ con người hay không; đánh giá sâu hơn về sự giám sát, kiểm tra của MTTQ các cấp trong tham gia thực hiện Chương trình MTQG 1719...; Làm rõ hơn các chỉ tiêu, tiêu chí thay đổi sau khi thực hiện Chương trình MTQG 1719. Những thay đổi về thực hiện chiến lược công tác dân tộc. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có tiềm ẩn nguy cơ hay không?

Làm rõ hơn các nội dung mà các thành viên của Đoàn công tác nêu, ông Lương Viết Tùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông cho biết: Một số chỉ tiêu về giao thông, nhà văn hóa, giáo dục…, nhưng nhiều công trình hiện đã xuống cấp. Về Chương trình MTQG 1719 nhiều chỉ tiêu, mục tiêu khó triển khai trong giai đoạn đầu; nhiều nội dung có định mức hỗ trợ thấp, như vay vốn phát triển sản xuất, làm nhà, nước sinh hoạt phân tán. Nội dung bảo vệ rừng, nguồn thì nhiều nhưng đối tượng ít nên khó giải ngân. Nếu chuyển nguồn theo Nghị quyết 111 về cơ chế đặc thù, thì lại ảnh hưởng đến tiêu chí tính điểm của các nội dung.

Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Con Cuông Lương Đình Việt phát biểu tại cuộc làm việc với Đoàn công tác của Trung ương
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Con Cuông Lương Đình Việt phát biểu tại cuộc làm việc với Đoàn công tác của Trung ương

Các phòng ban Tổ chức, văn hóa, giáo dục, MTTQ, công an… cũng chia sẻ thêm nhiều vấn đề: Trung ương cần có các giải pháp mang tính đồng bộ để đưa Chương trình MTQG 1719 đi vào cuộc sống. Một số quy định tại thông tư 55 của Bộ Tài chính không quy định hỗ trợ chi, dẫn tới nhiều nội dung thực hiện Dự án 6 khó khăn.

Quan tâm sửa đổi Thông tư 55 để việc thực hiện không chồng chéo. Việc bố trí sắp xếp cán bộ đoàn, cụ thể là bí thư đoàn xã đã quá tuổi còn khó khăn… Các hoạt động giám sát thực hiện Chương trình MTQG 1719 được thực hiện nghiêm túc qua nhiều kênh, nhiều hình thức và biện pháp và hiện chưa phát hiện sai sót nào, tuy nhiên việc giám sát của MTTQ ở cấp xã rất khó khăn. Hiện nay, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện Con Cuông được giữ vững, các tổ an ninh trật tự cơ sở, công tác trấn áp các loại tội phạm được tăng cường, tiêu chí xã sạch về ma túy ngày càng tăng...

Phát biểu tại cuộc làm việc với Đoàn công tác của Trung ương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Con Cuông Lương Đình Việt cảm ơn Đoàn, bởi đây là điều kiện, cơ hội để huyện, xã có cơ hội được trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác dân tộc tại cơ sở. 

"Con Cuông sẽ nỗ lực, cố gắng để thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Trước mắt, huyện sẽ đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả 3 chương trình MTQG. Về lâu dài, mong muốn có một chính sách toàn diện hơn về công tác dân tộc, để đồng bào có cuộc sống ấm no hơn, rút ngắn khoảng cách về mức sống với các vùng miền khác", ông Lương Đình Việt nêu ý kiến.


Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.