Những năm gần đây, diện tích CAQCM của tỉnh Hòa Bình tăng trưởng nhanh, được xác định là nông sản chủ lực của tỉnh, có khả năng chi phối thị trường các tỉnh phía Bắc. Năm 2021, diện tích toàn tỉnh là 10.840ha, trong đó, gần 8.000ha ở thời kỳ kinh doanh, sản lượng dự kiến 155.000 tấn; thu nhập bình quân đạt 300 - 350 triệu đồng/ha. Sản xuất được chuyên canh rõ nét theo từng vùng, nhóm sản phẩm, như: Vùng cam, quýt tập trung chủ yếu ở huyện Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi; vùng bưởi tại huyện Tân Lạc, Yên Thủy, Lương Sơn.
Đến nay, toàn tỉnh có gần 2.120ha CAQCM được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ… với 38 cơ sở được chứng nhận. Đã xác nhận sở hữu trí tuệ Chỉ dẫn địa lý cho cam Cao Phong, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc, cam Lạc Thủy, cam, bưởi Mường Động (Kim Bôi). Công nhận sản phẩm OCOP 3, 4 sao cho 19 sản phẩm hoa quả tươi, sản phẩm chế biến từ quả có múi.
Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị tỉnh Hòa Bình tập trung một số nhiệm vụ: Tái canh cây có múi, phục hồi đất và thâm canh; Đối với vườn chất lượng tốt tập trung thâm canh; Trong tái canh cây có múi làm tốt khâu chọn giống, xác định giống có chất lượng tốt, sạch, khỏe; thực hiện xét nghiệm, xử lý, cải tạo, phục hồi đất; đảm bảo quy trình thâm canh bền vững; Nâng cao hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm, xây dựng liên kết tổ hợp tác…