Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Điều đọng lại từ Liên hoan nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS Nghệ An

An Yên - 18:11, 26/10/2024

Chương trình Liên hoan nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS Nghệ An năm 2024 đã khép lại. Cộng đồng không bàn nhiều đến danh hiệu mà các đội đã đạt được từ sự đánh giá của Ban Tổ chức; điều đọng lại trong cảm nhận mỗi người chứng kiến, chính là bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc ngày càng tỏa sáng; được gìn giữ, phát huy tốt hơn; trở thành di sản thiêng liêng cho hậu thế mai sau. Đó cũng là mạch nguồn văn hóa chảy mãi cùng sự trường tồn phát triển của mỗi dân tộc trên mảnh đất xứ Nghệ.

Liên hoan nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS Nghệ An năm 2024 chính là ngày hội văn hóa của đồng bào các DTTS xứ Nghệ (Trong ảnh: Một tiết mục trình diễn tại Liên hoan)
Liên hoan nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS Nghệ An năm 2024 chính là ngày hội văn hóa của đồng bào các DTTS xứ Nghệ. (Trong ảnh: Một tiết mục trình diễn tại Liên hoan)

Khán phòng tổ chức Liên hoan nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS Nghệ An, sáng 25/10 trở nên sôi động, náo nhiệt. 11 đoàn nghệ thuật quần chúng của 11 huyện, thị miền Tây xứ Nghệ vượt quãng đường xa ngái, hội tụ đông đủ tại Nhà khách tỉnh Nghệ An.

Có mặt từ sớm, anh Xồng Bá Cha ở bản Na Niếng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong cười rõ tươi: Mình rất vui khi cùng các anh chị trong Đoàn nghệ thuật huyện Quế Phong về tham dự kỳ Liên hoan nghệ thuật trình diễn dân gian lần này. Cảm giác rất hồi hộp, háo hức. Mình nghĩ, đây sẽ là dịp tốt để giao lưu với các đoàn nghệ thuật của các huyện khác.

Trong đoàn người rực rỡ sắc màu, chúng tôi để ý đến một lão nông vai khoác khèn bè, hối hả bước nhanh. Ấy là Nghệ nhân dân gian Vừ Lầu Phổng ở bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn cùng Đoàn của huyện về thành phố Vinh giao lưu trình diễn nghệ thuật dân gian. 

Ông Phổng bảo: Tôi rất háo hức với chương trình do UBND tỉnh tổ chức lần này. Nhiều tháng trước, tôi đã tập luyện bài hát múa khèn mừng lấy vợ để kịp phục vụ khán giả hôm nay. Tôi rất muốn cho mọi người được biết rõ hơn về bản sắc văn hóa của người Mông nơi miền Tây xứ Nghệ.

Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng ở bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn huyện Kỳ Sơn cùng bạn diễn tại Liên hoan nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS Nghệ An năm 2024
Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng ở bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn huyện Kỳ Sơn cùng bạn diễn tại Liên hoan nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS Nghệ An năm 2024

Chương trình Liên hoan nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS Nghệ An được tổ lần này, được bà con đón nhận như là ngày hội văn hóa của các DTTS. Do vậy, từ nghệ nhân, cho đến đồng bào các DTTS đến chung vui, đều rất háo hức, ai nấy đều tự hào mặc những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất tham gia Liên hoan. Đó là áo trắng, mũ trắng, váy hoa nâu của người Thổ ở Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn; là sắc màu bắt mắt từ váy áo của người Thái ở Quỳ Châu, Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương; còn người Mông mang đến màu sắc sặc sỡ, lộng lẫy nhất, ngập tràn màu đỏ, màu hồng. Một không gian văn hóa đậm đà bản sắc, vừa độc đáo, vừa cuốn hút và mời gọi…

Ông Hoàng Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn chia sẻ: Chúng tôi đến tham dự Liên hoan nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS lần này với tâm thế giao lưu, học hỏi. Giao lưu để biết nhiều hơn đến bản sắc văn hóa của các dân tộc khác để thêm gắn kết; học hỏi để biết nhiều hơn đến cách thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của các địa phương khác trên toàn tỉnh.

Trong những năm qua, cùng với việc ban hành các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An đã đặc biệt quan tâm đến chính sách phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn. Một trong những chính sách ấy là hoạt động bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS.

Anh Xồng Bá Cha ở bản Na Niếng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong: Mình nghĩ, đây sẽ là dịp tốt để giao lưu với các đoàn nghệ thuật của các huyện khác.
Anh Xồng Bá Cha ở bản Na Niếng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong: "Mình nghĩ, đây sẽ là dịp tốt để giao lưu với các đoàn nghệ thuật của các huyện khác."

Qua đó, đã thúc đẩy các phong trào văn hóa văn nghệ nói chung, các hoạt động bảo tồn, kế thừa, phát huy và hưởng thụ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Việc phát hiện, bồi dưỡng, phát huy đội ngũ hạt nhân văn hóa văn nghệ các DTTS; tổ chức điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS tỉnh Nghệ An... đã được các tổ chức trong hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

Nằm trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS nơi miền Tây, bao năm qua tỉnh Nghệ An cũng đã định kỳ tổ chức Hội diễn văn nghệ - giao lưu văn hóa các DTTS toàn tỉnh. Theo đó, lần thứ nhất được tổ chức tại huyện Con Cuông vào năm 2008, lần thứ II được tổ chức tại huyện Quỳ Hợp vào năm 2011, lần thứ III tổ chức năm 2014 tại thành phố Vinh; lần thứ IV tổ chức năm 2016 nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc.

Điều thấy rõ nhất, Hội diễn văn nghệ - giao lưu văn hóa, vừa là dịp các DTTS tỉnh Nghệ An thể hiện sâu sắc các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc mình với cộng đồng các dân tộc Việt Nam; vừa là dịp thể hiện phong trào văn hóa, văn nghệ của các DTTS trên địa bàn; thể hiện tình đoàn kết, giao lưu, học tập lẫn nhau giữa các dân tộc của các huyện; cũng là dịp để các nghệ nhân, các hạt nhân văn hóa, văn nghệ các dân tộc của các huyện thể hiện các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ và truyền thụ các giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc anh em đến công chúng tỉnh nhà, đồng thời truyền nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ biết tôn trọng, nâng niu, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Tiết mục biểu diễn của đoàn nghệ thuật huyện Tân Kỳ
Tiết mục biểu diễn của Đoàn nghệ thuật huyện Tân Kỳ

Phát biểu tại buổi Lễ khai mạc chương trình Liên hoan nghệ thuật trình diễn dân gia các DTTS Nghệ An năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long cho biết: Thực hiện Quyết định 4638/QĐ-UBND ngày 09/10/2017 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành Đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2025 được thực hiện rất có hiệu quả. Phong trào văn hóa văn nghệ nói chung, các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến tích cực. Việc phát hiện, bồi dưỡng, phát huy đội ngũ hạt nhân văn hóa văn nghệ các DTTS được các tổ chức trong hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm và đạt được nhiều kết quả.

"Cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Nghệ An về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS, chương trình Liên hoan nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS Nghệ An năm 2024, thêm một lần nữa khẳng định: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn xã hội. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS cần được tôn vinh, khích lệ sáng tạo, nhất là trong giai đoạn hiện nay", Phó Chủ tịch tỉnh Bùi Đình Long nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Bát Xát “về đích” sớm mục tiêu hỗ trợ nước sinh hoạt từ Chương trình MTQG 1719

Bát Xát “về đích” sớm mục tiêu hỗ trợ nước sinh hoạt từ Chương trình MTQG 1719

Để triển khai có hiệu quả nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719); thời gian qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã có nhiều giải pháp chủ động, linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế bảo đảm tiến độ giải ngân theo kế hoạch. Trong đó, có nội dung cấp bồn chứa nước sinh hoạt cho người dân.