Mùa lễ hội-khi lòng người phơi phới sắc Xuân, tràn đầy hy vọng về một năm mới thiên thời, địa lợi, đất nước an vui, gia đình no ấm, hạnh phúc-thì cũng là lúc những người làm công tác quản lý phải bắt tay vào cuộc giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm thuần phong mỹ tục, để mỗi lễ hội là điểm đến an lành, may mắn, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi du khách. Tiếp bước những chuyển biến tích cực trong năm 2018, mùa lễ hội năm nay đang cho thấy một diện mạo mới.
Theo báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), một số lễ hội có yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại như nghi thức chém lợn tại Ném Thượng (Bắc Ninh), cướp hoa tre tại đền Sóc (Hà Nội),… đã chủ động thay đổi các hình thức tổ chức để giữ an toàn và không gây phản cảm cho du khách. Đáng mừng hơn, nhiều địa phương đã phục dựng lại nghi lễ, trò chơi dân gian đã từ lâu cứ tưởng bị thất truyền nay lại trở về truyền dạy lại cho con cháu.
Thật thú vị trong cái náo nức của ngày Xuân lại thấy những trò chơi như đánh quay của người Kinh, người Tày, người Sán Chỉ; đi cà kheo của đồng bào miền núi, đồng bào vùng biển. Trong cái chao lượn của cánh én mùa Xuân lại thấy những quả còn với đủ màu sắc bay lượn trên không trung... Những nghi lễ xuống đồng của người Tày, lễ cấp sắc của người Dao được phục dựng lại. Những cô thôn nữ Sán Chỉ khăn áo màu xanh lơ phất phơ theo nhịp chày giã bánh giầy. Những bô lão áo the, khăn đóng, ô đen đi lễ hội ven bờ sóng của biển Trà Cổ (Quảng Ninh)… Thật vui biết bao vì cái hồn cốt, cái bản sắc của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đã được khôi phục.
Một lý do quan trọng dẫn đến sự thay đổi theo hướng tích cực của các lễ hội thời gian gần đây là nằm ở những đổi mới trong các nghị định quản lý lễ hội. Cụ thể, với Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao quyền cấp phép tổ chức lễ hội cho UBND các cấp ở địa phương thay vì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch như trước. Điều này giúp cho các địa phương sâu sát hơn với công tác tổ chức ở địa bàn mình quản lý, đồng thời chịu trách nhiệm về việc cấp phép của mình.
Nhưng trong “bức tranh lễ hội” đang dần tươi sáng đó vẫn còn những “hạt sạn” đáng tiếc. Đó là tình trạng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy để cướp lộc tại một số lễ hội vẫn diễn ra, dù các địa phương đã lên phương án từ trước. Đó là chưa kể, những hiện tượng thường thấy tại các mùa lễ hội như đốt vàng mã bừa bãi, thiếu quản lý hàng rong, đặt tiền lễ tràn lan… vẫn diễn ra ở một số nơi.
Có lẽ chẳng mấy ai vui khi tỉnh Phú Thọ phải vào cuộc yêu cầu không tổ chức cướp phết tại Lễ hội phết Hiền Quan năm nay (tổ chức vào ngày 12-13 tháng Giêng, tức ngày 16-17/02). Dù đã chuẩn bị kỹ càng nhưng trong chiều 16/2, phần đánh phết trong lễ hội đã không đảm bảo được an ninh trật tự, để xảy ra tình trạng người bên ngoài tràn vào sân cướp phết. Tình thế đó buộc địa phương phải lập tức yêu cầu dừng tổ chức đánh phết vào chiều 17/2.
Những chuyển biến mùa lễ hội năm nay là rất đáng mừng, nhưng những “hạt sạn” vẫn chưa được triệt tiêu, không những vậy còn xuất hiện thêm những biến tướng mới. Đi qua miền lễ hội để thấy được một bức tranh đầy màu sắc, nhưng vẫn còn những vấn đề cần các nhà quản lý tiếp tục quan tâm xử lý để lễ hội đầu Xuân thực sự là mùa Xuân tươi đẹp trong mỗi người dân cũng như du khách.
TÙNG NGUYÊN