Tham dự Diễn đàn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải; Trần Quang Phương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo các ban, bộ, ngành và đoàn thể ở Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các địa phương; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số ủy ban của Quốc hội.
Về phía khách mời quốc tế có: ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam; ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam; ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Bà Mashimot Makiko, chuyên gia về Việc làm, Văn phòng ILO khu vực châu Á-Thái Bình Dương; cùng các vị đại diện Đại sứ quán một số nước, các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp, cán bộ của các tổ chức quốc tế các bộ, ban, ngành cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh tế tại các điểm cầu trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh ''Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững'' có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm góp phần làm rõ thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết các gói chính sách, giải pháp về tài khóa và tiền tệ, vừa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, vừa hỗ trợ cho mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế và xã hội, nhằm cụ thể hóa chủ trương đã được nêu tại Văn kiện Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII của Đảng và Nghị quyết Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, không chỉ góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội của năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm theo những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cả về kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và duy trì được tăng trưởng kinh tế với tốc độ 2,91%, là một trong số những quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương cao nhất thế giới. Năm 2021, với nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ kép, phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế nên 6 tháng đầu năm, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 5,96%.
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Diễn đàn tiến hành phiên họp toàn thể đầu tiên.
Các chuyên gia kinh tế thảo luận, gợi ý chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Theo các đại biểu, khủng hoảng kinh tế - xã hội lần này xuất phát từ dịch bệnh Covid-19, không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế - tài chính nên để xử lý triệt để thì các giải pháp chuyên môn về y tế vẫn mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ. Trong ngắn hạn, mục tiêu của gói hỗ trợ tài khóa là kiềm chế đại dịch, giảm thiểu tác động về y tế và kinh tế nên sẽ cần dành ưu tiên cho chi tiêu y tế, đảm bảo an sinh xã; hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp.
Trong Phiên tọa đàm cấp cao tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận những giải pháp thiết thực trong thời gian tới, giúp cho Việt Nam sớm khắc phục những khó khăn do dịch Covid-19 và nhanh chóng phục hồi nền kinh tế. Các đại biểu nhấn mạnh đến việc tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu mà hiện nay nền kinh tế còn đang rất yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và đặc biệt bám sát chủ trương của Đảng về điều chỉnh chính sách tài chính-tiền tệ hiệu quả, có quy mô đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm vì nếu không đủ liều lượng thì có thể không giải quyết những vấn đề cấp bách, không tạo ra sự thay đổi, thậm chí lãng phí hơn. Trong đó, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế là yêu cầu bắt buộc và rất quan trọng.
Việc sử dụng các chính sách đều phải bảo đảm tính an toàn cho nền kinh tế. Do vậy, cần tính toán kỹ lưỡng tác động đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, khả năng cân đối và trả nợ, có thể chấp nhận một số chỉ tiêu thay đổi trong ngắn hạn nhưng phấn đấu bảo đảm các mục tiêu cho cả giai đoạn.
Tiếp tục chương trình Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, các đại biểu nghe trình bày tham luận và thảo luận các chuyên đề “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”; chuyên đề “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.
Bế mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết những thông tin của diễn đàn với những giải pháp kiến nghị rõ ràng, cụ thể sẽ là đầu vào tư liệu hết sức quan trọng cho Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và cơ quan hữu quan xây dựng hoàn thiện Chương trình tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và đề xuất các gói chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ cho phòng chống dịch Covid-19 và Chương trình tổng thể phát triển kinh tế xã hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, giải quyết các tồn tại, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế trong thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cần tích cực khẩn trương nghiên cứu, căn cứ ý kiến rất quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức trong nước và quốc tế để đưa ra các giải pháp kịp thời và phù hợp; đồng thời hoàn thiện chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong đó lưu ý đến vấn đề cải cách và hoàn thiện về thể chế.