Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Điện Biên: Từng bước đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết

PV - 10:40, 26/02/2019

Trước đây Điện Biên là địa phương “nóng” về vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Tình trạng này diễn ra phổ biến trong cộng đồng dân cư sinh sống ở vùng cao, vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, thực hiện Đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết (gọi là Đề án) theo Quyết định số 498 của Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương triển khai nhiều hoạt động phong phú, thiết thực đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác này.

Đội ngũ tuyên truyền viên là người DTTS có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Đội ngũ tuyên truyền viên là người DTTS có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Chuyển biến rõ nét

Thống kê của toàn tỉnh trong năm 2017, có đến 3.062 trường hợp tảo hôn và 94 cặp hôn nhân cận huyết; trong số đó phần lớn tập trung vào bộ phận dân cư, đồng bào DTTS sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thuộc các huyện, như: Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Tuần Giáo…

Bắt tay vào thực hiện Đề án, Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên (cơ quan thường trực Đề án) đã đẩy mạnh tổ chức các hội nghị tuyên truyền tại các xã đặc biệt khó khăn, điển hình về vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho 100% cán bộ các xã, bản; những Người có uy tín, trưởng dòng họ, già làng, trưởng bản; các bậc cha mẹ, những người trong độ tuổi kết hôn, vị thành niên, đại diện đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn các xã tham gia.

Đồng thời Ban còn chủ động phối hợp với UBND các huyện, cơ quan tư pháp, lực lượng biên phòng tỉnh và các tổ chức đoàn thể xã hội địa phương thành lập các câu lạc bộ, biên soạn tài liệu, tờ rơi tuyên truyền kiến thức gần gũi, dễ hiểu nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho các xã có nguy cơ cao.

Sau 3 năm tích cực triển khai Đề án, với những cách làm phù hợp với thực tiễn các địa phương, vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn đã từng bước được đẩy lùi, tạo chuyển biến rõ nét. Cụ thể, theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, tính đến hết 9/2018, tỉnh Điện Biên chỉ còn 984/3.534 cặp tảo hôn (chiếm 27,8% tổng số cặp kết hôn và giảm gần 2/3 số cặp tảo hôn so với năm 2017). Đặc biệt, tình trạng hôn nhân cận huyết gần như đã được ngăn chặn kịp thời, chỉ còn tồn tại 12 cặp (chiếm tỷ lệ 0,3% tổng số người kết hôn và giảm 82 cặp so với năm 2017).

Phát huy cách làm hiệu quả

Là một trong những cán bộ được giao phụ trách thực hiện Đề án, bà Chu Thùy Liên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên luôn trăn trở, tìm ra những cách làm phù hợp và mang lại hiệu quả nhất. Bà Liên cho biết: “Làm công tác này ngoài hiểu biết kiến thức về pháp luật dân số -kế hóa gia đình, hôn nhân… thì rất cần am hiểu về phong tục tập quán, lối sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc. Tỉnh Điện Biên có đến 19 dân tộc cùng sinh sống, do vậy trước khi thực hiện tuyên truyền ở địa phương hay ở cộng đồng dân cư nào đó cán bộ đều phải tìm hiểu kỹ về lối sống, sinh hoạt, tập quán của dân tộc đó, từ đó đưa ra cách làm phù hợp trong tuyên truyền, vận động, lấy dẫn chứng những kiến thức gần gũi, dể hiểu, linh hoạt trong cách tuyên truyền thì bà con sẽ nghe và làm theo”.

Ghi nhận tại huyện Nậm Pồ cho thấy, những năm qua Nậm Pồ là một trong những huyện thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân không tảo hôn và kết hôn cận huyết nhờ cách làm rất quyết liệt của cấp ủy chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho hay: Trước vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, cấp ủy chính quyền rất quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằn hạn chế và từng bước đẩy lùi. Ngoài đưa vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, huyện còn soạn thảo cam kết yêu cầu các Chủ tịch UBND các xã phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để địa bàn xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Nhờ sự linh hoạt trong công tác chỉ đạo, giao việc cụ thể và gắn với trách nhiệm của từng địa phương, từng cán bộ nên trong năm vừa qua nạn tảo hôn trên địa bàn huyện đã giảm đi còn một nửa so với trước. Đặc biệt, tình trạng hôn nhân cận huyết đã được đẩy lùi hoàn toàn, không còn trường hợp nào vi phạm.

“Trong những năm qua, khi thực hiện công tác tuyên truyền tại địa bàn các huyện và các xã đặc biệt khó khăn, Ban Dân tộc Điện Biên ngoài phối hợp chặt chẽ với lực lượng cán bộ tư pháp, bộ đội biên phòng tỉnh, còn phát triển mạnh mẽ đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên là cán bộ các xã, chính trị viên các đồn biên phòng, Người có uy tín trong đồng bào các DTTS. Đây là lực lượng luôn sâu sát, gần dân, am hiểu phong tục tập quán, lối sống của người dân và dễ phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền…”, bà Chu Thùy Liên cho biết thêm.

NAM HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục