Ưu tiên ổn định dân cư
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, thực hiện Dự án 2 về “Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết” thuộc Chương trình MTQG 1719, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 07 dự án; với quy mô bố trí, sắp xếp ổn định cho khoảng 466 hộ gia đình, kinh phí đã thực hiện 46,882 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, từ vốn Chương trình MTQG 1719 sẽ giải quyết tình trạng thiếu đất ở cho hơn 1.300 hộ, nhà ở cho hơn 4.800 hộ; hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho hơn 1.400 hộ;...
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Điện Biên được bố trí tổng vốn gần 3.474 tỷ đồng đồng. Trong đó gần 3.162 tỷ đồng là ngân sách Trung ương; ngân sách địa phương là hơn179,2 tỷ đồng; vốn tín dụng chính sách là hơn 114,3 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác hơn 18,4 tỷ đồng.
Do địa hình bị chia cắt mạnh, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp khiến công tác sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn.
Nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 thì có hạn, trong khi chỉ cần một đợt thiên tai đi qua, nhiều địa bàn vốn đã ổn định dân cư lại lâm vào cảnh tan hoang, phải làm lại từ đầu.
Cuối tháng 7/2024, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên xảy ra trận lũ quét lịch sử. Lũ quét đã làm 90 ngôi nhà ở xã Mường Pồn bị thiệt hại; 66 hộ dân buộc phải di dời khẩn cấp. Ngoài ra, 122,475 ha đất sản xuất đã bị lũ bùn vùi lấp.
Để ổn định, sắp xếp dân cư, UBND huyện Điện Biên phải thực hiện khẩn cấp 5 dự án ổn định dân cư tại các bản: Mường Pồn 2, Tin Tốc 1, Tin Tốc 2, Huổi Ké và bản Lĩnh. Với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, hiện các dự án ổn định dân cư ở xã Mường Pồn đang dần hoàn thiện.
Ngày 22/11/2024, Thường trực Huyện ủy Điện Biên đã kiểm tra thực tế các dự án ổn định dân cư sau thiên tai tại xã Mường Pồn.
Báo cáo của đơn vị thi công cho thấy, hiện 10 ngôi nhà đã hoàn thiện và bàn giao cho người dân; các lực lượng đang tiếp tục thi công 10 nhà và chuẩn bị triển khai hỗ trợ 25 nhà ở khác.
Ngoài ra, nhằm sớm ổn định đời sống của nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trong khu vực bị thiệt hại do thiên tai, UBND huyện Điện Biên cũng tập trung, gấp rút triển khai xây dựng 10 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Trong đó, 7 công trình đang thi công, 1 công trình chuẩn bị khởi công; ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp đối với 7 công trình bảo vệ khu dân cư, ổn định đời sống và kịp thời phục vụ sản xuất.
Không riêng Mường Pồn mà trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn rất nhiều điểm có nguy cơ thiên tai cao, cần thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư. Vì vậy, ngày 24/9/2024, UBND tỉnh Điện Biên đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bổ sung 4 dự án cấp bách ổn định đời sống người dân, với tổng mức đầu tư dự kiến 88 tỷ đồng.
Như vậy, đến nay, tổng số dự án mà địa phương đề nghị trình Thủ tướng Chính phủ bố trí ngân sách để ổn định dân cư vùng thiên tai khẩn cấp là 19 dự án; tổng kinh phí đề xuất hỗ trợ là khoảng 686 tỷ đồng.
Quan tâm giảm nghèo bền vững
Theo ông Giàng A Dình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, trong những năm qua, mặc dù đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm tập trung ưu tiên nguồn lực để đầu tư; tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ.
Điều này đã được minh chứng trong Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Điện Biên lần thứ IV, được tổ chức ngày 08/11/2024. Theo đó, toàn tỉnh mới có 96,52% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 78,7% số thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa;...
Ngoài ra, tỷ lệ xã có chợ xã, liên xã trên địa bàn tỉnh mới đạt 18,26%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa mới đạt 79,07%; tỷ lệ thôn, khu dân cư có nhà văn hóa đạt 55,5%; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện sinh hoạt an toàn đạt 93,75%;...
Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoàn còn thiếu khiến công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Ước tính hết năm 2024, mặc dù vẫn vượt chỉ tiêu giảm nghèo của Chương trình MTQG 1719 (giảm 5% so với năm 2023), nhưng tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh theo chuẩn nghèo mới vẫn còn 31,97%.
Ước đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 200 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, ông Giàng A Dình, năm 2019, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của giai đoạn 2016 -2020, toàn tỉnh còn 43.048 hộ nghèo, chiếm 33,05% tổng số hộ. Trong đó, 98,86% số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên là nghèo về thu nhập; gần 99% số hộ nghèo của tỉnh là hộ DTTS.
Trước thực tế đó, những năm qua, tỉnh Điện Biên đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để giảm nghèo về thu nhập cho đồng bào DTTS.
Bên cạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình tạo sinh kế bền vững, từ năm 2021 đến nay, từ nguồn vốn 03 Chương trình MTQG, nhất là Chương trình MTQG 1719, tỉnh đã tập trung hỗ trợ đồng bào học nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm để giảm nghèo bền vững.
“Giai đoạn 2019 – 2024, tổng số lao động tham gia học nghề trên địa bàn tỉnh đạt trên 52.000 người; bình quân đạt trên 8.600 người/năm. Riêng năm 2024, toàn tỉnh có khoảng 9.800 người tham gia học nghề. Đồng thời, trong 05 năm, tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho trên 59.000 lao động, trong đó, lao động vùng đồng bào DTTS chiếm 75 - 78%”, ông Dình chia sẻ.
Cùng với đó, tỉnh Điện Biên đã tập trung triển khai chính sách tín dựng ưu đãi. Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh được phấn bổ hơn 114,3 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách thuộc Chương trình MTQG 1719. Hiện toàn tỉnh đã cho 2.848 hộ vay vốn; dự kiến hết năm 2024, dư nợ tín dụng ưu đãi trên địa ban ước đạt 113,5 tỷ đồng đồng với 2.835 hộ vay vốn...
Với những nỗ lực đó, thu nhập bình quân trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã tăng lên, nhưng vẫn còn đang ở mức trung bình thấp so với cả nước. Ước đến hết năm 2024, thu nhập bình quân trên địa bàn tỉnh đạt 46,51 triệu đồng/người/năm.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, nhất là Chương trình MTQG 1719, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu đến năm 2029 hỗ trợ giải quyết từ 80 - 100% số hộ khó khăn đang thiếu đất ở, đất sản xuất; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% và đào tạo có văn bằng chứng chỉ đạt 40%; giải quyết được việc làm từ 75 - 80% trong số lao động qua đào tạo;... Đây là những giải pháp để tỉnh hướng đến mục tiêu nâng thu nhập bình quân của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đạt 113 triệu đồng/người vào năm 2029.
Tỉnh Điện Biên phấn đấu đến năm 2029 giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 10% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025); cơ bản không còn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; có 35% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỉnh có ít nhất 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.