Trung tuần tháng ba, chúng tôi lên với Điện Biên khi sắc hoa ban đang nở trắng núi đồi vùng Tây Bắc. Mấy anh bạn ở TP Điện Biên Phủ thông tin, tỉnh Điện Biên đang tổ chức Lễ hội Hoa ban. Đây là lễ hội thường niên của Điện Biên mang nhiều ý nghĩa, nhưng ý nghĩa nổi bật vẫn là lưu giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên miền Tây Bắc trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của Điện Biên hôm nay. Ngoài những hoạt động đã có truyền thống, như: Giới thiệu những di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Bắc; hội chợ, triển lãm, quảng bá các sản phẩm du lịch... lễ hội còn có nhiều tiết mục, trò chơi dân gian, trong đó có tiết mục đua xe đạp thồ. Đây là tiết mục mô phỏng lại hình ảnh, công việc mà thế hệ cha anh đã làm phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chị Lò Thị Trang, trú tại phường Him Lam, tham gia cuộc đua nói với chúng tôi: “Chúng tôi lớn lên thì chiến tranh đã lùi xa. Thế nhưng qua sử sách, chúng tôi vẫn hiểu được diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hôm nay, tham gia đội đua, chúng tôi càng rõ hơn về cách thức mà cha ông ta đã làm để vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược... cho chiến dịch. Được tái hiện lại hình ảnh của cha anh năm xưa là điều quan trọng nhất đối với chúng tôi...”.

 

Một góc thành phố Điện Biên Phủ hôm nay. Ảnh: Hải Lan. Một góc thành phố Điện Biên Phủ hôm nay. Ảnh: Hải Lan.

 

Chúng tôi đi qua đồi A1, đồi D, Him Lam, Bản Kéo... những địa danh trở nên nổi tiếng từ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm nào. Dấu vết của chiến tranh gần như được khỏa lấp bởi sự phát triển của kết cấu hạ tầng KT-XH trên mảnh đất Điện Biên. Hố bộc phá nghìn cân năm xưa trên đỉnh đồi A1; tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ... trở thành những địa điểm tham quan thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Theo thống kê của UBND tỉnh, năm 2017 dịch vụ du lịch trên địa bàn thu hút hơn 600.000 lượt khách tới tham quan, lưu trú. Doanh thu từ du lịch đem về cho Điện Biên hơn 950 tỷ đồng. Trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác quân sự, quốc phòng trên địa bàn tỉnh cuối năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn, cho biết: “Năm 2017, dự ước tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt hơn 9.719 tỷ đồng, tăng gần 7,1% so với thực hiện năm 2016, vượt chỉ tiêu mà nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển đổi mạnh. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) ước đạt 24,15 triệu đồng/người/năm, tăng 9,96% so với năm 2016...”.

Đi đến các huyện của Điện Biên, như: Mường Nhé, Tủa Chùa, Tuần Giáo... chúng tôi nhận thấy rõ sự đổi thay, phát triển về hạ tầng KT-XH. Hệ thống điện, đường, trường, trạm tuy còn khó khăn, nhưng được phủ kín tới các xã. Đến hết năm 2017, trẻ em trong độ tuổi đến trường ở các cấp học đều vượt mục tiêu nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra từ 0,3% đến 0,5%. Hệ thống cơ sở y tế đáp ứng cơ bản nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Toàn tỉnh có 129/130 xã được phủ sóng điện thoại di động 3G...

KT-XH phát triển tạo nền tảng để củng cố thế trận quân sự, quốc phòng trên địa bàn toàn tỉnh. Đại tá Mùa A Lồng, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Điện Biên, cho biết: “Năm 2017, lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia trên địa bàn Điện Biên được giữ vững và ổn định. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; củng cố xây dựng khu vực phòng thủ, tăng cường khả năng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. LLVT tỉnh đã tham gia bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội và các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra trên địa bàn tỉnh. Cơ quan quân sự các cấp đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp về công tác quân sự địa phương, trong đó tổ chức thành công cuộc diễn tập khu vực phòng thủ 1 bên 3 cấp tại huyện Điện Biên Đông và tỉnh Điện Biên...”.

Với sự vào cuộc thực sự của các cấp, các ngành ở Điện Biên, thế trận phòng thủ của tỉnh, các huyện và cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Công tác xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, tuyển quân thực hiện theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng cao. Lực lượng quân sự chủ động phối hợp với công an theo tinh thần Nghị định 77/NĐ-CP của Chính phủ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn từ tỉnh đến cơ sở. Hoạt động đấu tranh với các hành vi lợi dụng truyền đạo trái phép, thành lập "Vương quốc Mông"... được các lực lượng chức năng vận động nhân dân tích cực thực hiện. Sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn dân trong phòng, chống tội phạm góp phần tích cực giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện phát triển KT-XH.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn: Năm 2018 Điện Biên tiếp tục rà soát khắc phục những hạn chế trong phát triển KT-XH, quyết tâm duy trì ổn định tốc độ phát triển kinh tế, đồng thời tìm ra những khâu đột phá để tạo đột biến thúc đẩy nhanh hơn tốc độ tăng trưởng. Tỉnh tích cực huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, nhất là các chương trình mục tiêu và chương trình mục tiêu quốc gia, nâng cao hiệu quả thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đa dạng hóa các hình thức thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế cho phát triển KT-XH. Tỉnh phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP 7,15%; GRDP bình quân đầu người đạt 26,37 triệu đồng/năm, tăng 8,41% so với năm 2017. Bên cạnh đó quyết liệt thực hiện công tác cải cách hành chính, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh trật tự và khối đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Trong kháng chiến, đồng bào các dân tộc Điện Biên đã hăng hái, dũng cảm vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, cùng với LLVT làm nên thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ở Điện Biên Phủ. Hôm nay, họ lại tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương viết tiếp những trang sử mới cho mảnh đất Điện Biên, quyết tâm đưa Điện Biên thành điểm sáng trên miền Tây Bắc của Tổ quốc.

Theo Quân đội Nhân dân