Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Điện Biên: Bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc

Hà Anh - 10:58, 06/06/2024

Những năm gần đây, triển khai Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719, tỉnh Điện Biên đã thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai quyết liệt cùng sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Lễ hội Bun Huội Nậm của đồng bào dân tộc Lào ở tỉnh Điện Biên
Lễ hội Bun Huội Nậm của đồng bào dân tộc Lào ở tỉnh Điện Biên

Trong đó, tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn các di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc như: “Lễ Nhảy lửa” của dân tộc Dao, ngành Dao đỏ tại bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ; “Lễ cầu mùa” dân tộc Khơ Mú tại bản Huổi Lốt, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo; “Lễ mừng cơm mới” của dân tộc Lào, tại bản Mường Luân, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông…

Ghi nhận tại Huyện Mường Chà, nơi có 13 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới gần 95% dân số toàn huyện. Theo báo cáo của UBND huyện Mường Chà, trong 2 năm (2022 - 2023), huyện được giao 630 triệu đồng để thực hiện Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình MTQG 1719.

Từ năm 2022 đến nay, huyện đã triển khai thực hiện 2 nội dung trong phạm vi 5 xã gồm: Hừa Ngài, Nậm Nèn, Huổi Mí, Pa Ham, Sá Tổng. Cụ thể, đối với nội dung tổ chức bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số, huyện đã tổ chức trình diễn, tái hiện lễ hội “Kin Pang Then” của dân tộc Thái trắng tại địa bàn xã có chủ thể văn hóa, nghệ nhân ưu tú thực hành then tại xã Nậm Nèn; có sự tham gia của 35 nghệ nhân, diễn viên quần chúng là người dân tộc thiểu số.

Đối với nội dung tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao truyền thống các dân tộc thiểu số trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số, huyện Mường Chà cũng đã tổ chức các hoạt động đầy ý nghĩa, hiệu quả.

Đơn cử, gần đây nhất, cuối tháng 11/2023, huyện Mường Chà đã tổ chức Ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc huyện Mường Chà lần thứ I với sự tham gia của 18 đoàn nghệ thuật quần chúng trên địa bàn huyện. Các đoàn đã mang đến Ngày hội chương trình nghệ thuật đặc sắc trong đêm khai mạc, thu hút đông đảo người dân và du khách tới xem, cổ vũ. Ngoài hội diễn văn nghệ quần chúng, nhiều hoạt động hấp dẫn, độc đáo, như: kéo co, tung còn, đẩy gậy, bắn nỏ, đánh tù lu; trưng bày sản phẩm địa phương và các sản phẩm văn hóa đặc sắc của từng xã…

Ông Nguyễn Quang Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: Ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc huyện Mường Chà là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên các cơ sở gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trình diễn những bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, qua đó góp phần giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần, tạo nên không gian văn hóa đa sắc màu, đầy sức sống của các dân tộc…

Tương tự, tại thị xã Mường Lay, nơi được coi là thủ phủ, trung tâm văn hóa của đồng bào Thái trắng ở Tây Bắc, những di sản văn hóa, nghi thức truyền thống vẫn được chính quyền địa phương và người dân quan tâm, gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ mai sau.

Cụ thể, chính quyền địa phương đã thực hiện bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa như: Xòe Thái cổ, múa Thái cổ của người Thái trắng, cắt khâu trang phục áo Thái cổ, chế tác tính tẩu, nghề đan mây tre, lễ Kin Pang Then, lễ hội Đua thuyền đuôi én, lễ gội đầu của người Thái trắng, lễ tế ta (lễ tế thần sông), các trò chơi dân gian, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn, di tích lịch sử Pú Vạp...

Một tiết mục kết hợp các nhạc cụ dân tộc được biểu diễn tại Ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc huyện Mường Chà lần thứ I
Một tiết mục kết hợp các nhạc cụ dân tộc được biểu diễn tại Ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc huyện Mường Chà lần thứ I

Hằng năm, các cơ quan liên ngành còn phối hợp tổ chức hội thi ẩm thực dân tộc. Đặc biệt, thị xã chỉ đạo thực hiện việc bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với thực hiện tốt các phong trào thi đua: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... Đồng thời, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở, đảm bảo cho mọi người dân được hưởng thụ văn hóa thông tin, tham gia đầy đủ các hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Lớn lên cùng những điệu Then của dân tộc, từ nhỏ, ông Vàng Văn Thức không chỉ được nghe từ ông nội và cha truyền lại mà còn được theo cha đi làm lễ cho cộng đồng người Thái trắng ở khắp các bản, làng trong vùng. Trải qua những năm tháng thăng trầm của đời người, ông càng thêm hiểu và yêu hơn với những câu hát Then. Đến nay, khi đã trở thành Nghệ nhân, ông Vàng Văn Thức là một trong những người có công lớn trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa kết tinh trong những điệu Then cổ ở thị xã Mường Lay với hơn 30 năm thực hành, truyền dạy loại hình nghệ thuật hát Then.

Giờ đây, dù tuổi cao nhưng trong những lễ hội quan trọng của dân tộc như: Lễ hội Kin Pang Then, Lễ hội đua thuyền đuôi Én, bản thân ông Thức vẫn cất cao tiếng hát Then của mình để truyền tải tới mọi người được nét văn hóa độc đáo, riêng có của người Thái trắng Mường Lay. Ông chia sẻ: Tôi chỉ mong muốn là dành hết tâm sức truyền dạy nét văn hóa của dân tộc cho thế hệ trẻ, để sau này, khi những lớp người như tôi già yếu đi, điệu Then vẫn luôn vang mãi, trường tồn cùng đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc…

Qua đó có thể thấy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được các địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, họ là những người nắm giữ, thực hành và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể, am hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống và trao truyền cho thế hệ trẻ nhằm gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh… Từ đó, góp phần cùng với chính quyền bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên mảnh đất này

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.