Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao với 21,3%; gần 60% số trẻ em bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm, ước tính khoảng 68,4% trẻ em từ 1 đến 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt về thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình. Tính chất vụ việc bạo lực xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội; hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức.
Do đó, những con số được nêu trên có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, con số này còn rất lớn vì trẻ em và gia đình của nạn nhân không tố giác vì e ngại ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm: Các văn bản quy phạm pháp luật còn có những khoảng trống nhất định, còn thiếu các quy định triển khai chính sách về bảo vệ trẻ em; thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em và còn thiếu sự quan tâm, giám sát của các cơ quan dân cử....
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum) thông tin, trẻ em vừa bị bạo lực trong gia đình, vừa bị bạo lực trong nhà trường và ngoài xã hội. Tình trạng này đang xảy ra nghiêm trọng, các vụ bạo lực mà các bậc cha mẹ, thầy cô, bạn bè gây ra cho trẻ em trong chính gia đình, trường học, nơi coi là hàn gắn những tổn thương của xã hội bằng tình yêu thương, không phân biệt đối xử, tôn trọng phẩm giá, danh dự, nhân phẩm.
Hành vi bạo hành bao gồm, cả thể chất và tinh thần, trẻ em bị bạo hành ở tất cả các giai đoạn của tuổi thơ. Trên thực tế, tình trạng lao động của trẻ em còn nhiều bức xúc. Trẻ em còn là nạn nhân của buôn bán người, bị bỏ rơi, sát hại...Vì vậy, cần giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020. Theo đó, tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), Quốc hội sẽ giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề này, xác định rõ phạm vi và nội dung, kế hoạch giám sát, thành phần tham gia và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2019-2025. Mục tiêu của Đề án là, vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ trẻ em các xã ĐBKK thuộc vùng DTTS và miền núi nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của trẻ em thông qua khám chữa bệnh, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học; hỗ trợ trẻ em được tham gia hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí...
Có thể thấy, việc tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em là việc làm rất quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
THANH HUYỀN