Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Để tiền lương trở thành thu nhập chính, bảo đảm đời sống

PV - 14:40, 10/05/2018

Chiều 9-5, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII thảo luận tại hội trường về Đề án cải cách chính sách tiền lương (CSTL) đối với cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC), lực lượng vũ trang (LLVT) và người lao động (NLĐ) trong doanh nghiệp Nhà nước (gọi tắt là đề án).

Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 7. Ảnh: VGP Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 7. Ảnh: VGP

 

Đánh giá cao những điểm đột phá, tiến bộ, khoa học, khả thi về CSTL mà đề án đưa ra, các đại biểu tập trung thảo luận về giải pháp thực hiện, sao cho tiền lương phải trở thành thu nhập chính, bảo đảm đời sống cho CB, CC, VC, LLVT, NLĐ và gia đình của họ.

Cải cách tiền lương thời gian qua chỉ đủ để bù đắp trượt giá

Phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân điểm lại những điểm chính trong tiến trình cải cách CSTL ở nước ta từ trước tới nay. Theo đó, CSTL ở nước ta đã trải quan 4 lần cải cách vào các năm: 1960, 1985, 1993 và 2003. Trong đó, đợt cải cách năm 1993 đã thực hiện hình thức đổi mới theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Tuy nhiên, đến nay, CSTL vẫn còn nhiều bất cập. Tiền lương trong khu vực công vẫn thấp so với nhu cầu cuộc sống, CSTL còn bình quân, cào bằng, chưa gắn kết với vị trí việc làm và kết quả thực hiện nhiệm vụ. Tiền lương trong các khu vực doanh nghiệp chưa phản ánh đúng quan hệ phân phối của thị trường, chưa tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế theo yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước.

Về vấn đề này, các đại biểu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc thực hiện cải cách CSTL ở nước ta thời gian qua không đạt được hiệu quả như mong muốn. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là chưa triệt để thực hiện việc đưa các chi phí vào lương dẫn tới tình trạng bình quân, cào bằng; nguồn lực có hạn nên tiền lương không theo kịp được mặt bằng thị trường; có quá nhiều loại phụ cấp và thu nhập ngoài lương dẫn đến làm méo mó quan hệ tiền lương…

Các đại biểu cũng cho rằng, quá trình cải cách tiền lương thời gian qua, mặc dù mục tiêu đề ra là cải cách CSTL gắn với cải cách công vụ, nhưng quá trình thực hiện lại chủ yếu chỉ để bù đắp trượt giá, nên làm mất đi ý nghĩa của việc cải cách. Một bất cập khác là do tiền lương khu vực hành chính thấp hơn nhiều khu vực kinh tế khác, nên tạo sự chia cắt thị trường lao động, cản trở sự cạnh tranh lành mạnh về thu hút lao động, việc làm giữa các khu vực.

Lương cơ bản sẽ chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương, còn lại là phụ cấp và thưởng

Để khắc phục những hạn chế, bất cập của chính sách, chế độ tiền lương hiện hành, đề án hướng tới mục tiêu tiền lương phải là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho CB, CC, VC, LLVT, NLĐ và gia đình họ.

Nhà nước trả lương cho CB, CC, VC, LLVT theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động. Trong khu vực doanh nghiệp, tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động theo quy luật của thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Đối với khu vực công, xây dựng chế độ tiền lương mới thực hiện từ năm 2021, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Mức tiền lương thấp nhất từ năm 2021 bảo đảm không thấp hơn mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp. Không áp dụng bảng lương công chức, viên chức với những công việc thừa hành, phục vụ. Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm mức lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương, còn lại là các khoản phụ cấp và thưởng.

Đối với khu vực doanh nghiệp, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng để đến năm 2020 bảo đảm mức sống tối thiểu NLĐ và gia đình của họ. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào CSTL của doanh nghiệp.

Nhấn mạnh, sĩ quan quân đội, công an là thành phần chủ yếu đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý trong quân đội, công an, Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đề nghị: Bảng lương mới của sĩ quan quân đội, công an phải đặt trong mối tương quan của cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo. Bảng lương mới của quân nhân chuyên nghiệp đối với quân đội và chuyên môn kỹ thuật công an và bảng lương mới của công nhân quốc phòng và công nhân công an đặt trong mối quan hệ của bảng lương mới của công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo.

Nguồn lực nào để thực hiện?

Đánh giá cao về những điểm đột phá, tiến bộ, khoa học về CSTL mà đề án đưa ra, các đại biểu tập trung thảo luận là làm thế nào để có nguồn lực thực hiện việc cải cách CSTL khu vực công và doanh nghiệp Nhà nước. Thượng tướng Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đánh giá cao việc đề án đã xây dựng được 3 phương án xây dựng quỹ lương theo từng khả năng tăng trưởng kinh tế: Phương án kinh tế tăng trưởng hơn 7%, phương án kinh tế tăng trưởng hơn 6% và phương án kinh tế tăng trưởng hơn 5%. Thượng tướng Bế Xuân Trường phân tích: Vấn đề quan trọng nhất để cải cách CSTL là phải tăng được năng suất lao động, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội, tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương tiết kiệm 10% chi thường xuyên hằng năm; quyết liệt tinh giản biên chế theo lộ trình đã được xác định theo từng giai đoạn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá: Cải cách CSTL là công việc cấp thiết và quan trọng. Phương án về nguồn lực đã được dự kiến với tính khả thi cao. Tuy nhiên rủi ro là khó tránh khỏi, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu, nền kinh tế chịu tác động lớn từ những biến động của nền kinh tế khu vực và thế giới. Khả năng thu ngân sách phụ thuộc vào các yếu tố như tốc độ tăng trưởng kinh tế, việc hoàn thiện các chính sách thu, thực hiện các mục tiêu tinh giản bộ máy, tinh gọn biên chế và đổi mới sự nghiệp công cần có thời gian để thực hiện. “Để bảo đảm tính khả thi, chủ động với khả năng huy động nguồn lực ngân sách và kết quả thực hiện nghị quyết của Đảng và nghị quyết của Quốc hội, chúng tôi cho rằng, lộ trình mở rộng quan hệ tiền lương cần xem xét thêm”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

THEO VOV

 

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.