Nỗi lo của người nghèo
Trong cuộc sống hiện nay khi mà đời sống của người dân đã được cải thiện và nâng cao thì trong xã hội vẫn còn những mảnh đời, những số phận còn phải vật lộn với cuộc sống, mưu sinh, vất vả, khó khăn trăm bề. Chung tay vì người nghèo không chỉ là khẩu hiệu mà là những hành động cụ thể, thiết thực. Các ngành các cấp, các đơn vị và các địa phương, cũng như từng người dân hãy ở bên cạnh, đặt mình vào hoàn cảnh của những người nghèo, của những số phận kém may mắn để thấu hiểu, giúp đỡ bằng tấm lòng, bằng trái tim, bằng sự trân trọng và cảm thông.
Có nhiều sự việc liên quan tới chuyện hỗ trợ người nghèo nhưng lại dẫn tới những tác dụng ngược, như vụ việc vào cuối năm 2015, dư luận đã bất ngờ trước chuyện cán bộ xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) ép dân nghèo mua bò lở mồm long móng, bò già rụng hết răng, bò sứt mũi với giá từ 18-20 triệu/con. Theo chính sách hỗ trợ hộ, mỗi hộ dân được vay 20 triệu đồng với lãi suất 1,2%/năm trong vòng 5 năm, nhưng cán bộ xã Nhơn Sơn đã dùng tiền đó đứng ra “mua hộ” bò rồi ép dân nhận. Có hộ nhận phải con bò lở mồm long móng, mang lên đổi thì xã đổi cho một con khác, già tới nỗi... trong mồm không còn răng. Có hộ nhận phải con bò già gầy giơ xương, mang đổi thì xã đổi cho một con sứt mũi...
Sau đó, dư luận cũng từng xôn xao chuyện 12 con dê hỗ trợ hộ nghèo “vào nhầm” vườn nhà Bí thư huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), hay vụ việc hàng trăm con gà hỗ trợ dân nghèo vào nhầm nhà cán bộ xã Quế An (huyện Quế Sơn, Quảng Nam).
Những chuyện lạ khó tin nhưng có thật trên cho thấy, chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước đã và đang bị một số cá nhân tham lam lợi dụng, làm sai để trục lợi. Trong vụ mua bò già, bò ốm yếu về cấp cho dân, rất có thể chỉ sau vài ngày được nhận, bò lăn ra chết, chẳng phải người dân sẽ thêm gánh nợ nần? Còn đối với việc dê “vào nhầm” nhà cán bộ, nếu dân không phát hiện, báo chí không lên tiếng, chẳng phải miếng cơm manh áo của dân nghèo đã rơi vào nhà cán bộ sao?
Giúp đỡ người nghèo, người còn nhiều khó khăn là truyền thống "lá lành đùm lá rách" quý báu của dân tộc ta, là nghĩa cử nhân đạo, nhân văn trong ứng xử giữa người với người. Nhưng lợi dụng chính sách của Nhà nước để bán bò già, bò sứt mũi, cấp gạo mục, mốc cho người nghèo đói là việc làm không thể chấp nhận được.
Những chính sách giảm nghèo hiệu quả
Từ một nước đói nghèo, phải lo cái ăn, cái mặc, nay Việt Nam đã phát triển vượt bậc, hướng đến cuộc sống sung túc, hạnh phúc. Thực tế, Liên hợp quốc đã đánh giá Việt Nam là một điểm sáng trong công tác giảm nghèo. Chính sách giảm nghèo là một chính sách quan trọng, xuyên suốt trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước ta. Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội bằng Nghị quyết số 24/2021/QH15 đã phê duyệt chủ trương đầu tư “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”. Với những thành quả đã đạt được trong công tác xóa đói, giảm nghèo những giai đoạn trước, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 24/2021/QH15 đưa công cuộc giảm nghèo lên một tầm mới, cao hơn, bao trùm hướng tới bền vững hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều mới nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Sau đó, bằng Quyết định số 90/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thực hiện Chương trình này. Tính đến năm 2023, Việt Nam đã thực hiện được nửa chặng đường giảm nghèo giai đoạn 2021-2025. Công tác giảm nghèo trước đây đã khó, giai đoạn này còn khó hơn, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước. Ngoài chiều về thu nhập còn phải giảm 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác, chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện; trong khi đó địa bàn, đối tượng thực hiện Chương trình lại tập trung vào vùng lõi nghèo, địa bàn khó khăn nhất của cả nước.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Lao Động – Thương Binh & Xã Hội, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,52% so với năm 2020. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và năm 2023 giảm 1,1%. Trong đó, điều đáng lưu ý là tỷ lệ giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm trên 3%, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết 24 của Quốc hội đã đề ra.
Tuy nhiên, hiện nay cả nước vẫn còn gần 2,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo (chiếm tỉ lệ hơn 9,0% số hộ trong cả nước). Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hằng năm Chính phủ và các địa phương vẫn dành một nguồn lực lớn để đầu tư, hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo. Các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để giảm nghèo đã và đang được triển khai hiệu quả.
Để chương trình giảm nghèo đạt hiệu quả cao và chống tái nghèo cho các hộ dân tại nhiều địa phương, các ngành các cấp từ trung ương đến địa phương đã cùng phối hợp để rà soát, thống kê các hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần trợ giúp tại các địa phương, đồng thời vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tổ chức các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ. Với sự chung tay, chung sức của toàn xã hội trong việc chăm lo, trợ giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn… đã khẳng định rõ ý nghĩa nhân văn sâu sắc, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta.
Thông qua nguồn quỹ Vì người nghèo, Quỹ Cứu trợ và các chương trình nhân đạo khác, đã có hàng ngàn hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở, tư liệu sản xuất, khám, chữa bệnh, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững; góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các cấp chăm lo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện và khơi dậy ý thức, khát vọng để người nghèo vươn lên.
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất ấn tượng về giảm nghèo, được nhân dân ghi nhận, cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu trước thời hạn của chương trình Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Tuy nhiên vẫn còn gần 2,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm hơn 9% số hộ trong cả nước. Vẫn còn nhiều người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo… còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Xóa đói giảm nghèo là vấn đề toàn dân và cả nước, cần phải có cách tiếp cận toàn dân và trên bình diện quốc gia. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 48.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 12.690 tỷ đồng; Huy động hợp pháp khác: 14.310 tỷ đồng. Quốc hội cũng đã đề ra nguyên tắc, giải pháp triển khai, thực hiện Chương trình là: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo. Hiện tại, những nơi có khả năng thoát nghèo sớm đã cơ bản giải quyết được, phần còn lại là những vùng lõi nghèo. Đó là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa - những nơi có điều kiện khó khăn toàn diện, cả về lao động, về kinh tế, vốn, tư duy.
Đến nay, trong nửa chặng đường thực hiện, chương trình đã góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo mà Nghị quyết 24 đã đề ra. Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng về công tác giảm nghèo và là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.