Kể từ sau tết Nguyên đán, khi dịch Covid-19 chính thức lây lan vào nước ta, Làng Du lịch cộng đồng bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) phải dừng đón khách du lịch. Sự cố này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống kinh tế của người dân. Chị Lữ Thị Thuận, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Du lịch bản Áng cho biết: “3 tháng vừa qua, HTX phải dừng tiếp hàng trăm lượt du khách, điều này làm thiệt hại trực tiếp tới thu nhập của các hộ gia đình khiến nhiều người lo lắng. Không còn nguồn thu nhập từ làm du lịch, người dân phải chuyển sang làm nương, làm vườn để bù lại được phần nào bởi ảnh hưởng của dịch”.
Chuyện khó của người dân HTX Du lịch bản Áng chỉ là một ví dụ trong vô vàn những khó khăn mà lĩnh vực du lịch nói riêng, ngành Văn hóa nói chung đang gặp phải. Vì vậy, để những người dân làm du lịch, những nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật vượt qua khó khăn và không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 đòi hỏi ngành Văn hóa cần có những quyết sách đúng đắn, phù hợp với tình hình.
Theo thông tin từ giới chuyên gia, các tổ chức văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam hiện nay có thể được chia thành 3 nhóm cơ bản: Các tổ chức văn hóa nghệ thuật do Nhà nước quản lý (cả nước hiện có 115 đơn vị văn hóa nghệ thuật công lập); doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, sáng tạo (theo Tổng cục Thống kê tính tới năm 2018, trên cả nước có khoảng 46.535 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa).
Trong lĩnh vực du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất hỗ trợ gói tài chính cho các doanh nghiệp du lịch trong việc hoàn hủy Tour thay vì thực hiện hủy Tour. Gói tài chính này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp phát hành “phiếu mua Tour” có thời hạn 12 - 18 tháng với giá trị tương đương Tour đã đặt cho các khách hàng không thể thực hiện được chuyến đi do tình hình dịch bệnh hoặc các trường hợp bất khả kháng khác.
Với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo, hiện rất thiếu nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá đóng góp cho kinh tế - xã hội, và cũng rất khó đánh giá thiệt hại trước dịch bệnh Covid-19. Nhiều ý kiến cho rằng, những năm vừa qua, các tổ chức văn hóa nghệ thuật Việt Nam, cả khu vực công và khu vực ngoài công lập, đều chủ yếu dựa vào hoạt động trực tiếp (chiếu phim, giảng dạy, biểu diễn, triển lãm…) với các sản phẩm và dịch vụ trực tiếp/vật thể hoặc sản phẩm và dịch vụ vì cộng đồng (miễn phí), sử dụng các sản phẩm và dịch vụ phụ/bổ sung để tạo nguồn thu cho tổ chức; hoặc dựa vào các tài trợ, dự án ngắn hạn. Vì vậy, khi dịch bệnh lan rộng, các tổ chức này không kịp chuẩn bị nguồn lực và năng lực để chuyển đổi sản phẩm và dịch vụ, trong khi các hoạt động phụ trợ tạo nguồn thu chính bị dừng đột ngột (ví dụ như cho thuê địa điểm để lấy chi phí tổ chức chương trình văn hóa nghệ thuật; dịch vụ nhà hàng và đồ uống hỗ trợ đào tạo; dịch vụ làm phim quảng cáo sự kiện để lấy chi phí tổ chức hoạt động chiếu phim, đào tạo làm phim miễn phí…).
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, thiết nghĩ ngành Văn hóa cũng cần có những chính sách chuyên biệt để hỗ trợ tốt hơn cho các tổ chức du lịch, văn hóa nghệ thuật, không gian sáng tạo giai đoạn sau đại dịch, giúp họ tiếp tục sáng tạo và đóng góp về văn hóa nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, thiết nghĩ ngành Văn hóa cũng cần có những chính sách chuyên biệt để hỗ trợ tốt hơn cho các tổ chức du lịch, văn hóa nghệ thuật, không gian sáng tạo giai đoạn sau đại dịch, giúp họ tiếp tục sáng tạo và đóng góp về văn hóa nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân.