Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Để Lao Bảo phát triển xứng tầm

Lê Bá Hùng- Phạm Tiến - 06:55, 08/04/2024

Thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) là địa phương tiếp giáp với huyện Sepon, tỉnh Savannakhet của nước bạn Lào. Sau hơn 20 năm thành lập Khu kinh tế thương mại đặc biệt (KKTTM ĐB), Lao Bảo đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, để Lao Bảo trở thành điểm đến lý tưởng, cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình mới.

Để Thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa (Quảng Trị) trở thành điểm đến lý tưởng
Thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa (Quảng Trị) đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội trên tuyến biên giới Việt-Lào

Thị trấn Lao Bảo hiện có 11 khóm, bản với dân số 3.143 hộ/13.823 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 384 hộ/2.012 nhân khẩu. Cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch và nông, lâm nghiệp. Cùng với sự năng động của một địa phương có nhiều lợi thế nên tỷ lệ hộ nghèo đã giảm sâu, tính đến cuối năm 2023 giảm còn 3,62%. Nhân dân có truyền thống đoàn kết, cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, kinh doanh, thân thiện, mến khách.

Đặc biệt, Nhân dân thị trấn Lao Bảo có mối quan hệ tốt đẹp với người dân các bản của Lào bên kia biên giới trong phối hợp phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng bào các DTTS 2 bên biên giới Việt Nam- Lào thường xuyên qua lại thăm người thân, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. góp phần xây dựng tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt-Lào.

Năm 1998, khi Khu KTTMĐB Lao Bảo được hình thành, được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất-kinh doanh. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, hoạt động mua bán, trao đổi hàng qua lại biên giới, thương mại, dịch vụ trên địa bàn sôi động. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của các đồng bào DTTS ở địa phương được nâng lên rõ rệt. thu nhập bình quân đầu người năm 2003 từ 13,1 triệu đồng đến năm 2013 đạt 24,4 triệu đồng. Và con số này đến năm 2022 đã tăng lên 41,2 triệu đồng/người/năm. 

Cùng với sự phát triển vượt bậc trong kinh tế, văn hóa xã hội ngày càng phát triển; quốc phòng, an ninh luôn được đảm bảo. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới luôn được giữ vững.

Để Thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa (Quảng Trị) trở thành điểm đến lý tưởng 1
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tấp nập phương tiện, hàng hóa thông quan

Trong những năm gần đây, khi các dự án đầu tư sản xuất bên kia Cửa khẩu phía Lào (thuộc huyện Sepon, tỉnh Savannakhet) đi vào vận hành, lượng hàng hóa và phương tiện vận tải chở hàng hóa, nguyên liệu sản xuất từ cảng biển Đà Nẵng sang Lào và ngược lại tăng mạnh. Hiện nay, hằng ngày có khoảng 600 lượt phương tiện vận tải qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, đồng thời lượng khách du lịch đến với Lao Bảo cũng đang tăng nhanh, đây là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của khu vực biên giới Việt-Lào trên tuyến đường 9.

Năm 2023, thị trấn Lao Bảo tổ chức 2 lần tuyến phố đi bộ về đêm trên đường Nguyễn Huệ với các chương trình ẩm thực và văn hóa, văn nghệ đã thu hút hơn 35 nghìn lượt du khách trong và ngoài địa bàn thị trấn, các bản thuộc huyện Sepon, tỉnh Savannakhet; doanh thu của các gian hàng trên tuyến phố đạt 3,5 tỷ đồng.

 Đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, địa bàn Lao Bảo đã thu hút hơn 130 nghìn lượt du khách trên mọi miền Tổ quốc, du khách nước ngoài và người dân các huyện thuộc tỉnh Savannakhet đến tham quan khám phá nét đẹp văn hóa, thưởng thức đặc sản của các dân tộc trên địa bàn thị trấn, doanh thu ngành thương mại dịch vụ trong dịp tết Nguyên Đán ước tăng hơn 10 tỉ đồng so với cùng kỳ.

Để Thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa (Quảng Trị) trở thành điểm đến lý tưởng 2
Đời sống kinh tế xã hội của đồng bào các DTTS ở Lao Bảo không ngừng được nâng cao, bộ mặt đô thị ngày càng khởi sắc

Tuy nhiên, việc đi lại của khách du lịch và cư dân Việt Nam sang khu vực Densavan và Nhân dân bên kia biên giới sang Lao Bảo đang bị ràng buộc, bởi các quy định của nhà nước về xuất nhập cảnh, đây là rào cản cần tháo gỡ trong phát triển du lịch và giao lưu văn hóa của nhân dân vùng biên giới cửa khẩu hai nước. Theo dự thảo đề án thí điểm “Xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan”, thì các cơ chế, chính sách dự kiến áp dụng tại khu kinh tế thương mại sẽ góp phần tháo gỡ, giải quyết những khó khăn hiện nay của địa phương trong hoạt động thu hút khách du lịch, tạo thuận lợi cho việc đi lại, làm ăn của cư dân hai bên biên giới.

Từ thực tiễn của địa phương, thiết nghĩ, cần điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực thị trấn Lao Bảo phù hợp định hướng xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavan. Đồng thời, có kế hoạch mở thêm điểm thông quan về phía Bắc Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo hiện nay để phát triển dịch vụ kho bãi, giảm lượng xe vận tải hàng hóa đi vào trung tâm thị trấn Lao Bảo.

Ngoài ra, Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung cần có chính sách đơn giản hóa thủ tục hành chính. Từ đó, tạo thuận lợi cho cư dân hai biên giới đi lại du lịch, làm ăn trong phạm vi khu vực biên giới hai nước, như được sử dụng thẻ thông hành biên giới để đi lại với thủ tục đơn giản thay vì hộ chiếu hoặc giấy thông hành như hiện nay.

Để Thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa (Quảng Trị) trở thành điểm đến lý tưởng 3
Phố đi bộ Nguyễn Huệ và linh vật trong Tết Nguyên Đán 2024 đã thu hút được đông đảo du khách lên với thị trấn vùng biên Lao Bảo

Để tạo thuận lợi về thủ tục và miễn tất cả các loại thuế đối với các sản phẩm sản xuất nông nghiệp do đồng bào các DTTS khu vực biên giới sản xuất đưa vào tiêu thụ trong Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung. Nghiên cứu quy hoạch, đầu tư xây dựng mô hình chợ phiên biên giới tại khu vực Lao Bảo và khu vực Densavan để phát huy các bản sắc văn hóa, ẩm thực của các DTTS trong vùng biên giới hai nước. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa, thu hút khách du lịch đến với Lao Bảo.

Tạo thuận lợi cho các tour du lịch qua biên giới trong phạm vi Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung, nhất là tạo điều kiện cho khách du lịch Việt Nam đến bảo tàng Bản Đông tại Khu thương mại biên giới Densavan.

Hơn 20 năm nhìn lại, thị trấn Lao Bảo đã có những bước tiến dài trong phát triển kinh tế xã hội. Trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây ở Quảng Trị, Lao Bảo trở thành điểm nhấn. Còn trên tuyến biên giới Việt-Lào, Lao Bảo đã trở thanh thị trấn tiêu biểu với 20% nhà ở của đồng bào các DTTS là nhà cao tầng, trên 90% nhà ở đã được kiên cố…

Tuy nhiên, để Lao Bảo trở thành điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư, cũng như khách du lịch, thiết nghĩ UBND tỉnh Quảng Trị cùng các bộ, ngành cần tiếp tục quan tâm đồng thời có những điều chỉnh phù hợp với tình hình mới. 


Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.