Đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu): Trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án
Tôi đồng tình, nhất trí cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước, Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về ban hành Đề án. Việc ban hành Đề án là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Xin được nhắc lại phát biểu của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là “Nếu đề án được Quốc hội thông qua, đây sẽ là quyết định có tính lịch sử, đảm bảo thực hiện khoản 5 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 là Quốc hội quyết định chính sách dân tộc”.
Vì sự phát triển của đồng bào DTTS và sự phát triển bền vững của đất nước, xin trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án.
Đại biểu Mong Văn Tình (Nghệ An): Tập trung giải quyết những thách thức
Để thực hiện tốt Đề án, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo và ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư điện lưới quốc gia cho những nơi chưa có điện lưới quốc gia, nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của vùng đồng bào DTTS. Có các giải pháp để góp phần tạo việc làm tại địa phương như bố trí nguồn vốn đào tạo nghề, cung cấp kiến thức khoa học - kỹ thuật, tận dụng các thế mạnh ở địa phương xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động và thanh niên DTTS. Có những giải pháp mạnh mẽ và khẩn trương hơn nữa để góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các DTTS, nhất là nhóm DTTS rất ít người…
Đó là những vấn đề cấp thiết hiện nay cần phải khẩn trương giải quyết, không chỉ thực hiện mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn trong tình hình hiện nay khi các thế lực thù địch đang chống phá quyết liệt đối với nước ta.
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP. Hồ Chí Minh): Đề án rất cần thiết và có ý nghĩa chính trị quan trọng
Đề án là rất cần thiết và có ý nghĩa chính trị quan trọng. Tôi tán thành quan điểm của Chính phủ về việc sau khi Đề án này được thông qua, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành một chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện Đề án Tổng thể. Quốc hội phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 sẽ đảm bảo nhất quán quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, thực sự là vấn đề chiến lược cơ bản lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ cho toàn bộ hệ thống chính trị, thực hiện có hiệu quả nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ với các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng đồng bào DTTS&MN...
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai): Phấn khởi vì lần đầu tiên Quốc hội thảo luận về Đề án dành riêng cho vùng DTTS&MN
Tôi cơ bản đồng ý với 8 dự án 11 chính sách tiếp tục điều chỉnh, bổ sung trong giai đoạn tới. Nhưng để phù hợp với vùng, miền, phong tục tập quán thì Trung ương chỉ ban hành khung chính sách phân cấp cho HĐND, UBND tỉnh quyết định sáp hợp. Tuy nhiên, cần phân định rõ những lĩnh vực nào phải đầu tư toàn diện, lĩnh vực nào là trợ giúp. Thực tế, nhiều chính sách thời gian qua chỉ hỗ trợ chứ không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, vì hộ nghèo thì không có tiền để đóng góp.
Chúng tôi rất mừng, điểm đột phá của Đề án này đã xác định tổng vốn tạm tính trình Quốc hội quyết định. Đây là vấn đề cốt lõi, quyết định thành công Đề án. Tuy nhiên, để nguồn vốn khả thi, đúng, sát cần phải rà soát lại, xác định cụ thể danh mục dự án, quy mô đầu tư các dự án có liên quan…
Nhân dân cả nước, đồng bào cử tri vùng đồng bào DTTS&MN phấn khởi đón nhận Nghị quyết này và kỳ vọng Nghị quyết đi vào cuộc sống.
Đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau): Đánh giá cao sự chuẩn bị xây dựng Đề án rất công phu, chủ động, tích cực
Tôi nhất trí cao với việc tại kỳ họp này Quốc hội thông qua một Nghị quyết và hình thức của Nghị quyết cũng đề nghị các cơ quan liên quan xem xét lại cho đúng vị trí, vai trò, chức năng của Quốc hội, đúng vai cũng như đúng thể thức pháp luật. Tôi cũng đồng tình với nội dung trong Nghị quyết là kiến nghị năm sau Chính phủ chuẩn bị để trình Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN và cũng gắn kết với việc kết thúc ngay hai Chương trình mục tiêu quốc gia. Hiện tại, trong thời gian tới chúng ta sẽ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia như thế nào cho phù hợp.