Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đẩy mạnh công tác dân vận vùng đồng bào DTTS ở Bình Định: Được dân tin thì làm việc gì cũng dễ

Phương Lê - 16:57, 30/11/2020

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Bình Định đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS. Qua đó, giúp địa phương hoàn thành những mục tiêu quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.


Việc vận động 480 hộ đồng bào H’rê xã An Dũng, huyện An Lão chấp nhận đến nơi ở mới là một thành công trong công tác dân vận của tỉnh Bình Định (trong ảnh, một góc khu tái định cư An Dũng)
Việc vận động 480 hộ đồng bào H’rê xã An Dũng, huyện An Lão chấp nhận đến nơi ở mới là một thành công trong công tác dân vận của tỉnh Bình Định (trong ảnh, một góc khu tái định cư An Dũng)

Quán triệt và thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh, đã quán triệt và ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở; quan tâm đến lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS...

Theo đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào DTTS được đẩy mạnh với những cách làm hay, có nhiều sáng tạo đã mang lại hiệu quả thiết thực. Qua thực tiễn đã có hàng trăm mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần xóa bỏ dần các hủ tục, tạo thói quen tốt, nếp sống văn minh, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, động viên cổ vũ nhân dân tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng nông thôn mới.

Tiêu biểu nhất, là mô hình vận động Nhân dân “Dời làng xây đập” thành công tại xã An Dũng, huyện An Lão. Được biết, hồ chứa nước Ðồng Mít có dung tích 90 triệu m3, với tổng mức đầu tư 2.142 tỷ đồng. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh Bình Định, với mục đích điều tiết nguồn nước để cung cấp lượng nước tưới cho 6.742ha đất canh tác, 147ha nuôi trồng thủy sản; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 276.000 người; cải thiện môi trường sinh thái, chống xâm nhập mặn và cắt giảm lũ cho hạ du; góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội 4 huyện An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn và Phù Mỹ.

Để thực hiện công trình, diện tích đất thu hồi lên đến hơn 1.300ha, toàn bộ 480 hộ đồng bào H’rê, với hơn 1.700 nhân khẩu của xã An Dũng di dời đến nơi ở mới tại 2 khu tái định cư An Trung và An Hưng. Tâm sự với chúng tôi, ông Đinh Văn Phi, ở thôn 3 xã An Dũng nói: “Cuộc sống ở nơi mới vẫn còn khó khăn, nhưng tình cảm và yên bình lắm. Xa làng cũ không buồn là dối lòng, nhưng vì cái chung, nên gia đình tôi sẵn sàng đến khu tái định cư”.

Theo ông Đinh Văn Lớ, Chủ tịch UBND xã An Dũng, thực tế trong quá trình vận động cũng có nhiều ý kiến qua lại, nhiều người đắn đo, lo lắng về tương lai khi chuyển đến nơi ở mới. Nhưng nhờ cách làm công khai, minh bạch, mưa dầm thấm lâu, bà con đã chấp nhận di dời. 

“Ngay từ đầu, Ban vận động của xã cùng UBND huyện và các đơn vị đã giải thích rõ ràng, từng chi tiết cụ thể về các chính sách đền bù, hỗ trợ cũng như lợi ích mang lại của công trình nên đồng bào đều vui vẻ thực hiện”, ông Lớ cho biết.

Nhờ dân vận tốt, người dân hưởng ứng tích cực việc xây dựng đường hoa nông thôn
Nhờ dân vận tốt, người dân hưởng ứng tích cực việc xây dựng đường hoa nông thôn

Cùng với việc tăng cường công tác dân vận, chính quyền các cấp đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc của Trung ương thành các chương trình, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, nguyện vọng của đồng bào DTTS trong tỉnh; triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục vùng DTTS, miền núi; nhất là trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện các giải pháp xóa đói, giảm nghèo, giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sạch, vệ sinh môi trường, đáp ứng cho người dân vùng đồng bào DTTS sinh hoạt và sản xuất.

Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào DTTS trong tỉnh ngày càng được cải thiện, nâng cao; diện mạo các huyện miền núi đổi thay tích cực trên nhiều lĩnh vực; 100% số thôn, làng thuộc các xã vùng DTTS được tiếp cận điện; 88% tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa; 100% số xã vùng DTTS và miền núi đạt phổ cập giáo dục THCS, 100% xã có trường tiểu học; có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, 4 trường phổ thông dân tộc nội trú huyện và 9 trường bán trú; 100% số xã vùng DTTS có trạm y tế, trong đó có 96,2% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; 100% thôn, làng có nhân viên y tế hoạt động...

Với những thành công kể trên, bà Nguyễn Thị Phong Vũ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định khẳng định: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đổi mới nội dung, phương pháp vận động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, lồng ghép với các phong trào của các đoàn thể, kết hợp giữa vận động tập trung với vận động cá biệt, đặc thù; chú trọng phát huy vai trò của tổ dân vận thôn, làng trong tuyên truyền, vận động, giáo dục tại cộng đồng...Nếu được dân tin thì làm việc gì cũng dễ !


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.