Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể ở Yên Bái

Cam Phúc - 07:58, 26/04/2024

Bắt nhịp với công nghệ số, thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể ở Yên Bái mà nòng cốt là các hợp tác xã, tổ hợp tác đã chú trọng chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành, sản xuất hàng hóa, cung ứng đa dạng các loại hình dịch vụ cũng như trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý. Từ đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế và tăng sức cạnh tranh cho các hợp tác xã (HTX) ở Yên Bái trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nhiều HTX vùng DTTS ở Yên Bái thực hiện chuyển đổi số trong quảng cáo sản phẩm
Nhiều HTX vùng DTTS ở Yên Bái thực hiện chuyển đổi số trong quảng cáo sản phẩm

Nghị quyết số 51 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Chương trình hành động số 15 của UBND tỉnh Yên Bái về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025 định hướng đến 2030 đã coi chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, là xu thế tất yếu trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy, chính quyền các cấp và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tỉnh Yên Bái trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

Theo đó, thực hiện chuyển đổi số, trong khu vực kinh tế tập thể của tỉnh, các đơn vị đã tích cực số hóa quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, sử dụng thương mại điện tử để tăng hiệu quả kinh doanh, sử dụng các công nghệ thanh toán điện tử nhanh, gọn, chính xác...

HTX Quế hồi Việt Nam với 23 thành viên là mô hình HTX kiểu mới đang tạo bước chuyển biến lớn trong phát triển cây quế theo hướng hàng hóa. Hiện, HTX đã phát triển vùng sản xuất tập trung trên diện tích gần 100ha, sản lượng thu mua bình quân 70 - 80 tấn quế/tháng với các dòng sản phẩm chính là quế điếu thuốc, quế ống, quế tăm, quế bột, tinh dầu quế…

Hội nhập với nền kinh tế số, HTX đã áp dụng các phần mềm quản lý, truy suất từ khâu nguyên liệu, làm giống, trồng, chăm sóc, khai thác... đến khâu sản xuất tạo ra thành phẩm. Theo anh Nguyễn Bá Mão, Quản lý sản xuất Nhà máy Quế hồi Yên Bái, HTX Quế Hồi Việt Nam, HTX hiện nay sử dụng đa dạng các hình thức truyền thông, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng xã hội như: facebook, zalo nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm…

Thực hiện chụp ảnh đưa sản phẩm lên sàn TMĐT
Thực hiện chụp ảnh đưa sản phẩm lên sàn TMĐT

Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào sản xuất, HTX nông nghiệp Suối Giàng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn cũng đã có nhiều sáng tạo trong cách làm. Với 2 loại hình chính là sản phẩm nông nghiệp và du lịch, HTX đã chủ động tiếp cận với các ứng dụng số. Theo đó HTX đã được địa phương cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý chè shan tuyết Suối Giàng, gắn nhãn QR truy xuất nguồn gốc trên từng cây chè, đồng thời đầu tư dây chuyền máy móc sản xuất 5 loại trà là: lục trà, hoàng trà, hồng trà, bạch trà và lá trà bantra. Hiện, sản lượng thu mua của HTX đạt khoảng 150 – 200 tấn tươi tương đương 35 – 40 tấn chè khô. 

Ông Đặng Thái Sơn, thành viên HTX Nông nghiệp Suối Giàng cho biết, để thu hút khách và khẳng định thương hiệu cho cây chè, HTX đã xây dựng không gian văn hóa trà Suối Giàng ở bản Pang Cáng với nhiều dịch vụ mới như: thưởng trà, lớp học dạy về cách pha trà, các tour trải nghiệm hái chè, sản xuất trà….Các hoạt động này thường xuyên được đăng tải và cập nhật trên trang web và fanpade của HTX. Nhờ đó HTX thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, lưu trú, tìm hiểu về ẩm thực... mang về doanh thu năm 2023 cho HTX gần 15 tỷ đồng.

Lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam tham quan gian hàng OCOP của tỉnh Yên Bái
Lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam tham quan gian hàng OCOP của tỉnh Yên Bái

Với trên 700 HTX thu hút trên 32 nghìn thành viên và trên 5.400 tổ hợp tác (THT) với trên 27 nghìn thành viên, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh Yên Bái đã chủ động, tích cực và sáng tạo trong thực hiện chuyển đổi số. Điều này đã giúp các HTX, THT thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Nhiều HTX đã chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và cung cấp thông tin về nông sản qua facebook, zalo, tiktok... và đẩy mạnh bán hàng qua sàn thương mại điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, kinh doanh trên nền tảng số...

Theo ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, thông qua các hỗ trợ của Nhà nước và tổ chức liên minh HTX các cấp, nhiều HTX đã được trang bị các thiết bị máy tính, tập huấn chuyển đổi số, tiếp cận thương mại điện tử về ứng dụng tại cơ sở. Một số hợp tác xã xây dựng, đăng ký tên miền cho website riêng để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Điều này không những giúp khách hàng cập nhật thông tin về HTX nhanh hơn mà còn dễ dàng so sánh giá cả các sản phẩm cùng loại của đơn vị khác. 

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên quá trình chuyển đổi số, kinh tế tập thể tại tỉnh Yên Bái cũng còn gặp nhiều khó khăn. Nhất là đối với các HTX, THT ở vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin chưa đồng bộ. “Thời gian tới, với vai trò định hướng, dẫn dắt, tư vấn, hỗ trợ, liên minh HTX tỉnh sẽ đẩy mạnh các giải pháp như tuyên truyền cho các thành viên vai trò, ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh của đơn vị, kết nối với các đơn vị cung cấp các giải pháp về nền tảng số, dịch vụ thương mại điện tử vào cuộc để đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp, HTX với người tiêu dùng", ông Đỗ Nhân Đạo cho biết thêm. 

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.