Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Dấu ấn Nghị trường

PV - 09:27, 18/06/2018

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã khép lại. Dấn ấn lớn nhất của kỳ họp này là đổi mới hình thức chất vấn theo hướng “hỏi nhanh, đáp gọn”.

Cũng tại kỳ họp này, nhiều vấn đề liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã được Quốc hội quan tâm. Tuy nhiên, cử tri mong muốn, Quốc hội cần dành sự quan tâm nhiều hơn nữa đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi.

“Hỏi nhanh, đáp gọn”-đẩy mạnh tương tác

Tính dân chủ, cởi mở trong hoạt động của Quốc hội ngày càng được thể hiện rõ nét và từng bước đáp ứng nhu cầu tham gia của người dân vào các hoạt động quan trọng của đất nước.

Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội ngày càng thể hiện rõ nét “Quốc hội gần dân”. Dư luận, cử tri đánh giá cao sự đổi mới trong hoạt động chất vấn. Thời gian dành cho mỗi lượt chất vấn của đại biểu được rút gọn xuống còn 1 phút thay vì 2 phút như trước đây. Các câu hỏi của đại biểu đặt ra cụ thể, ngắn gọn, trực diện. Các thành viên Chính phủ trả lời sau khi 3 đại biểu chất vấn, thay vì 5 đại biểu với nhiều câu hỏi chất vấn như trước đây. Việc “hỏi nhanh, đáp gọn” đã làm tăng tính đối thoại giữa đại biểu và các thành viên Chính phủ. Thời gian hỏi rút gọn, theo đó số lượng câu hỏi được tăng lên và thời gian dành cho Bộ trưởng giải đáp bức xúc của cử tri cũng nhiều hơn.

Quốc hội cần dành sự quan tâm nhiều hơn nữa đến vùng đồng bào DTTS miền núi. Quốc hội cần dành sự quan tâm nhiều hơn nữa đến vùng đồng bào DTTS miền núi.

 

Ông Nguyễn Văn Bảo (Cẩm Phả, Quảng Ninh) chia sẻ: “Tôi thường xuyên theo dõi các hoạt động của Quốc hội. Tại kỳ họp này, tôi rất thích cách đổi mới của phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Hình thức “hỏi nhanh, đáp gọn” đã mang lại hiệu quả lớn. Những câu hỏi đưa ra ngắn gọn, không nặng trình bày. Bộ trưởng sau khoảng 3 lượt chất vấn là trả lời luôn, mỗi lần trả lời ngắn thôi chứ không kéo dài cả tiếng như những lần trước. Hoạt động chất vấn của Quốc hội sôi động hơn, cuốn cả người chất vấn và người trả lời chất vấn”.

Có thể thấy, việc cải tiến cách thức chất vấn đã tạo được sự tương tác nhiều hơn, sự đối thoại trực diện giữa người hỏi và người trả lời. Cách thức này nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cả người điều hành, người chất vấn và người trả lời chất vấn. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi và trả lời vẫn chung chung, chưa đáp ứng mong mỏi của cử tri. Các Bộ trưởng trả lời chất vấn nhiều lần nhắc tới từ “trách nhiệm”, “xin hứa, sẽ cố gắng”. Điều cử tri quan tâm và kỳ vọng là việc các Bộ trưởng xây dựng kế hoạch thực hiện những điều đã hứa trước Quốc hội, trước cử tri.

Quốc hội cần quan tâm hơn đến vùng đồng bào DTTS, miền núi

Cũng tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, nhiều vấn đề liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm kiến nghị. Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù Đảng, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư đối với vùng DTTS và miền núi. Tuy nhiên, vùng này vẫn còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cần bố trí nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc; giám sát tối cao về chính sách dân tộc; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DTTS; hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp….

Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) từng quyết liệt đề nghị Chính phủ cần quan tâm ưu tiên bố trí đủ vốn để thực hiện các chính sách dân tộc. Đối với các chính sách đã ban hành, ngoài việc quan tâm, bố trí kịp thời nguồn vốn, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu tích hợp các chính sách hỗ trợ, phát triển và phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho các địa phương trong triển khai thực hiện cân đối giữa chính sách hỗ trợ có hoàn lại và chính sách hỗ trợ cho không một cách hợp lý, nhằm khuyến khích tính chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều đại biểu cũng đã kiến nghị cần quan tâm hơn đến giáo dục vùng DTTS, miền núi, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất... Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định, sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu để tham mưu cho Chính phủ một chính sách căn cơ hơn đối với giáo dục vùng DTTS và miền núi.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội chỉ đạo quyết liệt tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục đào tạo. Trong đó, quan tâm đến chính sách đối với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Trong chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019, thì việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS, miền núi giai đoạn 2011-2018 cũng là 1 trong 4 chương trình giám sát đưa vào đề xuất. Tuy nhiên, tại phiên bế mạc kỳ họp ngày 15/6, Nghị quyết Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 không có chương trình liên quan đến chính sách dân tộc.

Đây là một điều rất đáng tiếc. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) từng phân tích trên nghị trường rằng, riêng vấn đề giám sát chính sách dân tộc, chưa có bất kỳ một cuộc giám sát tối cao nào của Quốc hội về vấn đề này. Đồng bào DTTS hiện rất trông chờ vào sự hoạch định chính sách, không chỉ là giải quyết các chính sách lẻ tẻ để khắc phục khó khăn trước mắt mà phải lâu dài, cả về thể chế, nhận thức và hành động.

Một kỳ họp Quốc hội khép lại, mở ra nhiều niềm tin và hy vọng mới. Cử tri mong muốn những quyết sách của Quốc hội sẽ đi vào cuộc sống. Trên mọi nẻo đường, cử tri sẽ luôn dõi theo, “chấm điểm” công bằng với từng lời hứa đã đưa ra tại Nghị trường.

Đặc biệt, là những kỳ vọng về sự đổi thay và hòa nhập của vùng đồng bào DTTS, miền núi.

THANH HUYỀN